Nói nhiều chánh niệm hay nói ít tâm loạn ?

30/09/2018 3:18
”Nói nhiều chánh niệm hay nói ít tâm loạn ?!” Câu nói này có vẻ rất vô lý với người đang học thiền minh sát tuệ. Đúng như vậy. Khi học thiền minh sát, mọi người sẽ được học câu: “Càng nói nhiều càng phiền não. Càng phiền não càng nói nhiều”.

Sự vận hành của thân và tâm đều do tâm dẫn đầu (ý dẫn đầu các pháp). Rồi sau đó xuất ra khẩu (lời nói) và hành động. Khẩu hành làm con người đánh mất thực tại. Vì khi nói ra lời là phải vận dụng ngôn ngữ, khái niệm, tưởng tượng, suy đoán,…là những chế định pháp (pháp khái niệm đều không phải thực tại (xem thêm thực tại còn gọi là pháp chân đế). Mỗi âm thanh, lời nói sinh lên rồi diệt ngay nhưng ta vẫn bị dính mắc trong tâm tưởng cảm giác như nó vẫn còn đó, nó là ta và của ta. Vì vậy, người mới học thiền minh sát hay chưa thuần thục thì càng ít nói càng tốt để tăng cường chánh niệm, tức là tăng cường khả năng nhận diện tâm sinh lên và diệt đi như ý muốn nói, cảnh quá khứ hay vị lai trong tâm…để có được sự tiếp xúc với thực tại, những gì xảy ra xung quanh ta, ở đây và bây giờ càng nhiều càng tốt.

Vậy thì thế nào là nói trong chánh niệm? Giao tiếp hàng ngày trong cuộc sống thì ta phải xác định được các neo tâm như: nói cái gì, nói với ai (khế lý khế cơ), nói vào lúc nào, nói với tâm trạng nào (với tâm tham, sân, si hay với tâm từ, bi, hỷ, xả). Giống như neo tâm nơi hơi thở ở điểm xúc chạm. Nếu trong khi nói ta rà soát liên tục các điểm neo tâm này thì ta sẽ sẽ trở về thực tại ở những điểm này mỗi khi phóng tâm theo lời nói. Nhờ có sự chánh niệm này thì sự tỉnh giác sẽ đến với ta trong suốt quá trình nói. Nhờ có sự tỉnh giác mà ta sẽ không có phiền não sinh lên. Nhờ không có phiền não sinh lên mà ta có an lạc tự tại. Hiểu được điều này chúng ta mới thấy được Đức Phật là người để lại khối lượng đồ sộ các lời giáo huấn qua lời nói trực tiếp và được ghi chép lại trong các bộ kinhh tạng Nikaya mà mỗi đoạn kinh, mỗi lời nói vẫn rất sống động, thực tế vì Ngài nói cho đối tượng là chư thiên và loại người với mọi căn cơ cao thấp khác nhau (khế lý, khế cơ). Thậm chí ngoài giờ khất thực, hành thiền, nghi ngơi là Ngài thuyết pháp ban ngày cho người, ban đêm cho chư thiên không ngừng nghỉ. Thậm chí trước giờ nhập Niết bàn, Ngài còn thuyết bài pháp cuối cùng dặn dò các để tử đứng xung quanh. Nếu tính đến “nói nhiều” thì Đức Phật là người nói nhiều nhất và không có người thứ hai trong thế gian “nói nhiều” bằng Ngài. Nhưng vì Đức Phật nói trong chánh niệm, tỉnh giác và khế lý, khế cơ với đối tượng nghe hoàn toàn, trọn vẹn nên những lời “nói nhiều” của Ngài được gọi là Kinh điển, là lời của bậc Thánh nhân có một không hai trên thế gian này. Ngày nay, các thiền sư là những người ít nói nhất trong tất cả chúng ta, nhưng khi thuyết pháp giảng kinh kéo dài hàng giờ đồng hồ, các ngài cũng phải vận dụng các điểm neo tâm trở về thực tại, để có thể giảng giải trong chánh niệm và tỉnh giác cho chúng ta được khai tâm, được tiếp xúc với hương vị pháp bảo thông qua khẩu hành và pháp hành của các ngài.

Một số bạn trẻ ngày nay đi học thiền minh sát, sau khi trở về sợ nói nhiều vì lo mất chánh niệm. Điều này ban đầu thì rất tốt, nhưng nếu thái quá và không hiểu đúng pháp hành minh sát tuệ thì sẽ rơi vào thụ động, chấp thủ, thậm chí thành lăng kính mới, bản ngã mới khi khen chê việc nói ít, nói nhiều là có chánh niệm nhiều hay ít dẫn tới chỉ tiếp xúc pháp hành ở cái vỏ bên ngoài và không thấy lõi bên trong. Điều đa số mọi người không nhận ra là tiếng nói trong tâm tưởng, không nói ra lời mà tâm minh sát tuệ không ghi nhận ra được thì gọi là thất niệm, thậm chí thái quá thì dễ bị trầm cảm. Thay vì Tuệ minh sát tăng trưởng thì bị chậm lụt, sai nhầm. Vì thế bài viết này viết về việc nhận diện tiếng nói trong tâm bằng pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ

Ở đây, chúng ta nên biết thức ăn cho thân có một loại là đoàn thực (vật thực) thì thức ăn cho tâm lại có một lúc cả ba loại là xúc thực (cảm xúc), tư niệm thực (ý nghĩ, tư tưởng), thức thực (các trần cảnh). Thân chúng ta chỉ ăn ngày 3 bữa, nước uống khi cần trong ngày, nhưng tâm chúng ta luôn ăn cả ba món ăn này liên tục không ngừng nghỉ trong từng khoảng khắc, cả ngày và đêm, trong suốt cuộc đời mỗi con người.

1. Thức thực (6 trần cảnh). Tâm thức gồm nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức trú ở các căn tương ứng là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân để phân biệt và nhận diện đối tượng của nó. Thức ăn của nhãn thức là ánh sáng, thức ăn của nhĩ thức là âm thanh, thức ăn của tỷ thức là mùi, thức ăn của thiệt thức là vị, thức ăn của thân thức là đụng chạm, thức ăn của ý thức là pháp trần. Các loại thức ăn này (thức thực) liên tục không ngừng nghỉ cả ngày và đêm, lúc thức cũng như ngủ, được bơm qua các căn để thoả mãn sự nhấm nháp của tâm thức. Giả sử mắt mà không được tiếp xúc với ánh sáng, tai không được tiếp xúc với âm thanh…tâm ta sẽ thấy bứt rứt khó chịu, đó là dấu hiệu của nhãn thức, nhĩ thức …bị bỏ đói và tâm sẽ kích hoạt để thân và tâm đi tìm ánh sáng và âm thanh cho nó ăn.

2. Xúc thực (cảm xúc). Cảm giác thoả mãn, dễ chịu là món ăn ưa thích của tâm. Sự hài lòng và tìm kiếm sự hài lòng luôn thường trực trong tâm. Ví dụ khi nóng ta bật quạt, khi lạnh ta đắp chăn. Sự hài lòng trong việc bật quạt hay đắp chăn là xúc thực. Còn nóng lạnh là thức thực là món ăn của thân thức như đã nói ở trên.

3. Tư niệm thực (ý nghĩ, tư tưởng). Tâm ta luôn “nhai nuốt” hết ý nghĩ này đến ý nghĩ khác không ngừng nghỉ như bò nhai cỏ. Khi ngồi thiền, neo tâm vào đề mục thiền, ta thấy rất khó khăn vì thói quen ăn không ngừng nghỉ của tâm vì quá nghiện với loại thức ăn này. Tư niệm thực chính là “tiếng nói trong tâm”, gây nên việc không nói hay nói ít mà tâm loạn. Đây là bản chất của tâm khi nghiện món ăn tư niệm thực này. Để khắc chế hay giảm bới cơn nghiện này thì ta tập cho tâm nghỉ ngơi (neo tâm) trên điểm xúc chạm hơi thở đầu mũi, hay phùng xẹp ở bụng khi thực hành thiền Tứ Niệm Xứ. Thực hành lâu ngày thì tâm sẽ bớt nghiện loại thức ăn này khi nó dừng ăn. Khi tâm dừng ăn tư niệm thực chính là lúc tâm neo vào các đối tượng, các đề mục, ở đây và bây giờ xung quanh ta, lúc này ta đang có chánh niệm. Như vậy chánh niệm rất quan trọng vì nó là kỹ thuật cơ bản để loại bỏ tư niệm thực hay nói cách khác là loại bỏ tiếng nói trong tâm. Chính vì thế việc nói ít hay nói nhiều không quan trọng bằng việc ta nói có chánh niệm hay không. Nếu không nói mà có chánh niệm lúc này ta có thực tại. Khi bắt đầu nói mà ta có các điểm neo tâm vào sau mỗi câu nói thì ta gọi là thực tại gần nên cũng có thể nói là nói trong chánh niệm hay chánh niệm liên tục.

Kết luận: Để “nói nhiều trong chánh niệm và nói ít mà tâm không loạn” thì cần có 4 điểm neo tâm như sau:

1. Thấy tâm neo vào điểm xúc chạm hơi thở hay phùng xẹp ở bụng (mọi lúc, mọi nơi)
2. Biết nói với ai (tuổi tác, trình độ, mức thân quen, ….)
3. Biết nói cái gì (lý luận phù hợp với căn cơ), vào lúc nào (thời điểm thích hợp)
4. Biết khi nói với tâm gì (nói với tâm tham, sân, si hay với tâm từ, bi, hỷ, xả)

Áp dụng nhưng điều trên ta không những đạt được thành tựu trong việc thực hành thiền Minh Sát Tứ Niệm Xứ, mà còn có được kết quả tốt đẹp trong công việc ở mọi lúc mọi nơi. Hiểu đúng pháp hành ta sẽ thực hiện đúng và thuận lợi. Hiểu sai pháp hành ta sẽ thấy khúc mắc và khó khăn. Thế gian pháp và xuất thế gian pháp dung hoà lẫn nhau chứ không phủ định nhau. Luân hồi là một thực tại và Niết bàn cũng là một thực tại. Cả hai đều ở trong thực tại. Tiếp xúc được với thực tại sẽ cho ta cơ hội thấy cả hai, để lúc đó tâm sẽ tự động hướng về pháp cao thượng (Niết bàn). Như vậy nói nhiều, nói ít hay im lặng không phải là vấn đề, mà vấn đề là ta có có được chánh niệm hay không trong lúc nói, cả khi im lặng và phương pháp thực hành  để có được chánh niệm mọi lúc mọi nơi mà thôi.

Theo bởi Thấy và Biết

Các tin tức khác

Back to top