Nghịch cảnh sản sinh ra sự thành công

28/03/2019 8:10
Tuy rằng, không ai mong cầu nghịch cảnh xảy ra với mình, nhưng nghịch cảnh lại là bước đệm cho sự thay đổi một điều gì đó bên trong con người hay cuộc sống của họ. Cũng như khi cơn lũ đi qua sẽ để lại một khối lượng phù sa rất lớn để cây cối xanh tốt và phát triển.

Chúng ta thấy những vật quý giá không bao giờ xuất hiện ở giữa đường mà chúng thường ở trong rừng sâu núi thẩm. Ngày xưa, để có những viên ngọc trai, người ta phải lặn sâu dưới đại dương để tìm những con trai có hạt cát rơi vào trong vỏ. Khó khăn muôn trùng và xác suất có được những viên ngọc trai là không cao, nhưng họ có thể phải đánh đổi cả tính mạng.

Hay trong những bộ phim cổ trang mà chúng ta đã xem, những bí kíp võ lâm, những vật quý hiếm thường được cất giấu ở những nơi hiểm trở, khó tìm thấy. Vì sao? Bởi tạo hóa hay con người luôn muốn những thứ đó chỉ xứng đáng được sở hữu từ những ai có nghị lực phi thường. Còn những thứ tầm thường, quá dễ dàng có được thì không có giá trị cao.

 Cho nên, những nơi khó khăn, gây cho ta nhiều cản trở đó lại là nơi có những cái gì đó đặc biệt.

 Nhiều người thắc mắc “ Vì sao Đức Phật lại sinh ra ở đất nước nghèo nàn như Ấn Độ mà không sinh ra ở một nơi giàu có, sung sướng?”

Cũng như anh hùng chỉ xuất hiện khi thời thế loạn lạc, không có loạn lạc thì không có anh hùng vì nếu có thì xã hội cũng không ai cần đến. Nên một bậc vĩ nhân như Đức Phật chỉ có mặt ở nơi mà con người đang rơi vào tận cùng của sự đau khổ, nhiều oan trái để giải quyết khổ đau ấy.

Cho nên trong Kinh đề cập là : Đức Phật Di Lặc sẽ ra đời trong bối cảnh con người phải đến giai đoạn khổ đau cùng cực để cần có một người nào đó để thay đổi. Vì thế, sự cùng cực của khổ đau, cùng cực của một cái gì đó là lý do để bắt đầu thay đổi và nó lại là cơ hội cho chúng ta .

Tổ Huệ Năng cũng đã từng nói là : “Phật Pháp bất ly thế gian giác” là như thế ! Tức là sự giác ngộ được không phải rời thế gian này. Đó là lý do mà muốn đạt đến mục đích giác ngộ, Đức Phật đã phải thị hiện ở cõi Ta Bà và đánh đổi cả sinh mạng của mình khi phải chịu đựng rất nhiều gian khổ và đặc biệt nhất là Ngài đã từng Tu khổ hạnh nơi rừng già đầy nguy hiểm.
Không chỉ có Đức Phật mà hầu như những người thành công đều phải đối diện trước nghịch cảnh và vượt qua được nó. Có lẽ, bản lĩnh và ý chí là sự khác biệt rõ rệt giữa người thành công và người thất bại. Người càng chùn bước trước những khó khăn thì sẽ càng trở nên yếu đuối.

Đức Phật từng nói trong các Kinh là “Vô ma khảo bất thành Đại Đạo” – tức là không có những chướng duyên – nghịch cảnh thì không thể nào thành Đạo lớn! Sự khó khăn, gian khổ luôn luôn lúc nào cũng có một cái gì đó để nó tạo cho ta có một cơ hội để mình tự hào với những thành quả của mình và trưởng thành lên từ đó.
Vì vậy, người xưa cho chúng ta một câu: “Cảnh khó là nấc thang cho bậc anh tài – là kho tàng của người khôn khéo nhưng là vực thẳm của người yếu đuối” .


St


Các tin tức khác

Back to top