Điều này có thể làm bạn nản chí. Nhưng hãy an tâm rằng sự đau đớn khó chịu phần lớn là do ta thiếu thực hành. Nó sẽ giảm bớt theo thời gian thực hành, và bạn sẽ thấy là bạn có thể chịu đựng nó dễ dàng hơn. Vì thế hãy để sự đau đớn khó chịu trở thành một dấu hiệu để bạn hâm nóng lòng quyết tâm thực hành của mình.
Nếu sự đau đớn xảy ra do bệnh nơi thân giống như lệch đĩa đệm hay một thương tật cũ; thì bạn nên thay đổi thế ngồi – có thể chuyển đến ngồi ghế. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy đau đớn tại một nơi thân thể bình thường, khỏe mạnh, thì tôi khuyên bạn hãy làm như sau.
Cách hữu hiệu nhất mà cũng khó khăn nhất để đối phó với sự đau đớn là quán sát nó. Hãy hòa mình với cơn đau, hãy có mặt với cơn đau. Cảm nhận nó mà không nghĩ đến nó như là cái đau của tôi, cái đầu gối của tôi, cổ của tôi. Chỉ quán sát cái đau thật sát sao để xem điều gì xảy ra cho nó.
Lúc đầu sự đau đớn có thể gia tăng, khiến chúng ta sợ hãi. Thí dụ, đầu gối của bạn có thể bắt đầu đau đến nỗi bạn sợ rằng chân bạn sẽ bị hoại tử, phải cắt bỏ đi, khiến bạn tự hỏi làm sao bạn có thể sinh sống với chỉ một chân. Đừng lo sợ. Tôi chưa bao giờ thấy ai phải bị cưa chân vì hành thiền! Khi sự đau đớn mà bạn quán sát đạt đến tột đỉnh, nếu bạn kiên nhẫn chịu đựng thêm, thí dụ năm phút nữa, bạn sẽ thấy sự đau đớn khủng khiếp, có thể nguy hiểm tới tánh mạng này bắt đầu tan biến. Cảm giác đau đớn sẽ chuyển thành trung tính, và bạn sẽ khám phá rằng ngay cảm giác đau đớn cũng là vô thường.
Bạn có thể dùng một phương pháp tương tự như thế với những nỗi đau tâm lý, có thể là mặc cảm tội lỗi hay một ký ức kinh hoàng nào đó. Đừng cố gắng đẩy lùi nỗi đau đi. Hãy đón nhận nó. Có mặt với nó, với ngay cả những cảnh tượng hãi hùng tái diễn trong tâm bạn.
Đừng để bị cuốn hút theo vọng tưởng, chỉ tiếp tục quán sát nỗi đau tinh thần đó, để nhìn thấy nó dần dần vỡ ra, giống như nỗi đau thể xác.
Khi sự vỡ oà xảy ra, nỗi đau biến mất, bạn có thể cảm thấy nhẹ nhõm rất nhiều, một sự bình an và thư giãn xuất hiện. Dĩ nhiên, nỗi đau thể xác hay những ký ức đau đớn có thể lại phát khởi. Nhưng một khi bạn đã phá vỡ được cái đau vật lý hay tâm lý đó, thì nó sẽ không bao giờ trở lại với cùng mức độ như trước. Và lần sau khi bạn tọa thiền, bạn sẽ có thể ngồi lâu hơn trước khi cái đau xuất hiện.
Phương pháp thứ hai đối phó với cái đau là so sánh nó với những nỗi đau mà bạn đã trải qua trong cuộc đời. Cái đau hiện tại, mặc dầu ngay bây giờ nó có vẻ quá to lớn, nhưng nó chỉ là một phần nhỏ của những cái đau mà bạn đã trải qua, và bạn đã chịu đựng nhiều cái còn tệ hại hơn. Và cũng đừng quên cảm giác khổ đau vi tế ẩn sâu luôn ám ảnh bạn ngày và đêm. Khi so sánh với những nỗi đau khác, cái đau nhỏ trong chân bạn không lớn lao gì. Cũng đáng công chịu đựng, vì nó sẽ giúp ta chế ngự những nỗi đau to lớn hơn trong cuộc đời.
Cái đau này khác chi một cái gai nhỏ găm vào tay. Khi lấy cái gai ra, nó làm ta đau nhiều hơn, tuy nhiên bạn phải chấp nhận để tránh cái đau lớn hơn sau đó. Cũng thế, bạn có thể chịu đựng cái đau ngồi thiền để giúp bạn thoát khỏi những phiền não lớn lao hơn trong tương lai.
Một phương pháp khác nữa là nghĩ đến nỗi đau mà người khác đang phải hứng chịu. Hiện tại, rất nhiều người đang đau khổ với những nỗi đau thể xác hay tinh thần do bệnh hoạn, đói khát, dãi dầu, chia ly với người thân yêu và những vấn đề nghiêm trọng khác. Hãy tự nhắc nhở rằng so sánh với những khổ đau đó thì cái đau của bạn không đến nỗi nào.
Cách thứ tư là không để ý đến cái đau. Bạn chủ tâm hướng đến hơi thở. Để giúp bạn trú trong hơi thở, bạn có thể thở nhanh vài cái.
Đề nghị cuối cùng của tôi, khi tất cả mọi thứ khác đều thất bại, là chuyển động - một cách rất chánh niệm. Từ từ di chuyển những bắp thịt để xem cái đau có được giảm bớt với sự chuyển đổi tư thế nhỏ nhất. Nếu bạn đau ở phía sau, hãy nhớ rằng lưng sẽ bị đau nếu bạn chồm về phía trước. Nếu bạn thấy căng thẳng ở lưng, trước hết hãy dùng tâm quán sát về tư thế của bạn, hãy thư giãn, rồi nhẹ nhàng thẳng lưng lên.
Đau ở đầu gối hay mắt cá cần một phương cách đặc biệt, vì bạn không muốn làm tổn hại đến các dây chằng. Nếu bạn nghĩ đau là do dây chằng, thì trước hết hãy cố gắng co duỗi một cách có chánh niệm những cơ ở trên và dưới của khớp mà không di chuyển hay thay đổi thế ngồi. Nếu làm thế cũng không thấy đỡ, thì hãy cử động chân một cách nhẹ nhàng chỉ vừa đủ để giảm căng thẳng trên các dây chằng.
Có thể bạn tự hỏi không biết chịu đựng đau đớn như thế để được gì. Tôi hành thiền để đoạn diệt khổ đau. Tại sao tôi phải chịu khổ nhiều hơn khi tọa thiền?" Hãy nhớ rằng đây là loại đau khổ có thể dẫn đến sự đoạn diệt của tất cả mọi khổ đau khác. Khi bạn quán sát một cách chánh niệm cái đau khi nó phát sinh, rồi qua đi, và cảm nhận được cảm giác sung sướng tiếp theo sau khi nó biến mất, thì bạn đạt được sự tự tin về khả năng chịu đựng đau đớn của mình. Quan trọng hơn nữa, vì sự trải nghiệm đau đớn này là tự nguyện và chủ tâm, nó là một phương cách hữu hiệu để tự rèn luyện. Bạn sẽ đủ sức chịu đựng những nỗi đau lớn hơn trong cuộc đời.
Hãy kiên nhẫn. Có thể trước đây bạn chưa bao giờ ngồi thiền, hay chỉ thỉnh thoảng thực hành. Có thể bạn đã quen ngồi trên ghế hay sofa. Dĩ nhiên bạn sẽ cảm thấy đau khi lần đầu ngồi thiền trên sàn nhà. Bạn đã từng leo núi hay cưỡi ngựa chưa? Bạn có nhớ cơ thể mình cảm thấy thế nào trong lần đầu tiên, và ngày hôm sau, thân thể đau đớn thế nào không? Tuy nhiên, nếu bạn leo núi hay cưỡi ngựa mỗi ngày, không lâu sau bạn sẽ thành thục và không còn đau đớn nữa. Hành thiền cũng thế: bạn chỉ phải thực hành liên tục mỗi ngày và không thay đổi thế ngồi.
Thiền Sư Henepola Gunaratana, "Eight Mindful Steps to Happiness"
Các tin tức khác
- Lá thư cuối cùng của G. Ohsawa gửi môn sinh ở Mỹ (NY, 1965) (27/04/2019 8:36)
- Lời Phật dạy về tác hại của việc uống rượu (26/04/2019 8:27)
- Chê bai người khác cũng chính là khinh thường tự thân (26/04/2019 6:29)
- Dây trói bền chắc nhất (26/04/2019 6:20)
- Giúp ta làm đẹp cuộc đời (25/04/2019 8:42)
- Thiền nơi công sở - Công ty lớn như Apple, Google... khuyến khích nhân viên học Thiền (24/04/2019 8:40)
- Giá trị của sự bình yên (23/04/2019 6:29)
- Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình (22/04/2019 6:27)
- Mảnh gương vỡ (21/04/2019 8:19)
- Xả oán hờn (21/04/2019 6:09)