Tại sao con người xấu xí

29/04/2019 9:16
Có một cô bé bán bánh hằng ngày thường xuyên cúng dường bánh đến Thế Tôn với tâm cung cẩn, chí thành, chí kính. Biết được nhân duyên tốt đẹp của cô trong tương lai, nên Phật ân cần chỉ dạy cô làm gì cũng phải có tâm cung kính hàng đầu. Nhờ lòng cúng dường thành kính nên cô bé sau này đã trở thành hoàng hậu, là bậc mẫu nghi thiên hạ. Hoàng hậu là người thuyết phục được vua Ba Tư Nặc hướng tâm quy y Tam Bảo và hộ trì chánh Pháp.

Một hôm, sau khi cúng dường Trai Tăng, hoàng hậu ngồi sang một bên cung kính hỏi Phật:

Do nhân duyên gì một số người nữ trên thế gian có màu da xấu xí, thân hình thô kệch, lại khốn khổ, bần cùng bị mọi người khinh chê, coi rẽ mà tìm cách lánh xa?

Do nhân duyên gì mà một số người nữ trên thế gian này có màu da trắng đẹp, thân hình đoan chánh, khuôn mặt dễ thương, mọi người quý mến, vui vẻ ngắm nhìn, lại giàu sang phú quý, nắm quyền, có thế trong xã hội này.

Phật dạy rằng:

-Này Mạc Lợi phu nhân! Có một số người nữ trên thế gian này thường xuyên nóng giận, bực tức cau có, giận dữ quát tháo, nạt nộ, đánh đập, chữi bới, không biết kính trên, nhường dưới, lấn lướt mọi người. Do nhân như thế và hành động như thế nên đời này sinh ra phải chịu mặt mày xấu xí, đen đúa, thân hình thô kệch, thường xuyên bị mọi người khinh chê, ghét bỏ, lại còn nghèo cùng khốn khổ.

Nóng giận là một âm tính biểu hiện của sự vô minh, từ sự vô minh làm chúng ta suy nghĩ rồi phát sinh lời nói, cử chỉ không được nhẹ nhàng, hòa nhã với mọi người, khiến người bực tức lẫn khổ đau. Nói dễ hiểu hơn, nóng giận là trạng thái tâm lý bất ổn bởi sĩ diện bản ngã, lòng tự trọng quá cao, dẫn đến tâm trạng bực tức, khó chịu, hằn học, bất mãn rồi sinh ra căm thù muốn trả đũa và làm hại người khác.

Người nóng giận trước tiên chưa hại được ai đã tự hại chính mình, nên hiện ra tướng dữ, mặt mày bặm trợn, đôi mắt đỏ ngầu, nói năng hằn học làm mọi người khiếp sợ. Bản thân người nóng giận cảm thấy luôn bực tức, ray rứt, khó chịu trong lòng. Vậy mà có người lại nói “ tôi giận bà đó suốt đời, suốt kiếp không quên”. Sống mà suốt đời ôm hận như vậy, thì thử hỏi sao lại không bị già trước tuổi. Cũng vì giận nên mặt mày lúc nào cũng nhăn nhăn, nhó nhó, nên lấy gương soi tự mình còn thấy sợ chính mình. Có người vì không chuyển hóa nổi cơn giận nên thành ra đánh đập, chửi bới vợ con một cách tàn nhẫn, khiến gia đình bất hòa, xào xáo như ngục tù.

Người Phật tử chân chánh hãy nên thường xuyên chiêm nghiệm từng tâm niệm của mình, đừng để tâm sân bộc phát quá mạnh làm cho người lẫn mình chịu đau khổ. Người hay ôm giữ nóng giận vào lòng thân thể lúc nào cũng khó chịu, bất an. Chính vì thế, cuộc sống của ta nếu chỉ bằng mặt mà không bằng lòng thì con người lúc nào cũng mâu thuẫn, xung đột với nhau, vì sợ mất mát, thiệt thòi quyền lợi.

Trong các loại phiền não, giận dữ hay hờn mát là nguy hiểm hàng đầu, gây tiêu hủy cả một rừng công đức. Chúng ta chớ coi thường lửa sân hận mà ôm ấp mãi cũng sẽ có ngày gặp tai họa khôn lường. Giận quá mất khôn, không ai biết trước sự việc xảy ra trong cơn giận dữ, chỉ trong vài giây mất đi bình tĩnh, ta có thể gây họa tày trời ân hận mãi về sau. Sự việc đã xong ăn năn, hối lỗi có ích gì. Kẻ mất mát, người thiệt hại rồi lại thù hằn nhau từ đời này cho đến đời khác không có ngày thôi dứt.

Giận là có một cảm xúc mạnh không gì tốt đẹp đối gây hại đến người hay một việc nào đó. Có những cái giận ta cho là chính đáng, như khi mình thấy người lành bị ức hiếp, con cái hư hỏng, hay người thân bị đe dọa. Những lúc đó nỗi bực tức nóng lên, mình muốn ra tay cứu vớt kẻ yếu, hoặc vì mủi lòng, muốn động viên, an ủi.

Tuy nhiên, khi phân tích sự nóng giận của con người, các nhà tâm lý học cho biết, ta hay nổi giận khi người chung quanh làm những điều trái ý, nghịch lòng, không như mong muốn. Như khi người chồng đi làm về vừa mệt, vừa đói, nghĩ rằng bà xã đã chuẩn bị cơm nhưng lại không thấy gì nên bực tức mà nổi trận lôi đình.

Hay chuyện người vợ đi khám bác sĩ, nhờ chồng đón về nhưng đứng mãi, chờ mãi mà không thấy chồng đâu. Về đến nhà thì thấy chồng đang nhậu. Người vợ điên tiết nên phải phát cáu lên.
Ta thấy, nóng giận là một cảm xúc khó chịu làm mọi người bất an, tức tối, dẫn đến hằn học và lớn tiếng với mọi người.

 

Trích "Hiểu Biết Để Cảm Thông" - Thích Đạt Ma Phổ Giác


Các tin tức khác

Back to top