Khắc chế lòng tham đắc bảo vật

25/09/2022 7:43
Theo quan niệm dân gian, một người có cuộc sống giàu sang phú quý ở kiếp này chí là trái ngọt của việc tu nhân tích đức từ kiếp trước. Mọi việc đều tuân theo luật nhân quả, trên đời này, không có việc gì là vô duyên vô cớ cả. Vì thế, cổ nhân răn dạy con cháu đời sau: "Khắc chế lòng tham đắc bảo vật, người tích âm đức ắt có phúc báo về sau" Câu nói đó bắt nguồn từ một câu chuyện xảy ra vào thời nhà Thanh:

Vào tháng 3 năm Thuận Trị thứ 10 của triều đại nhà Thanh, một lão nông ở làng Long Khê tên là Hoàng Trung, và con trai Tiểu San của ông chèo một chiếc thuyền nhỏ đến bến cảng cửa đông của Chương Châu để mua phân về bón ruộng và trồng trọt. Họ mua phân tại một bến tàu có rất nhiều nhà vệ sinh nằm san sát nhau. Khi hai cha đi đến nhà vệ sinh để gánh phân, thì phát hiện có một túi tiền ai đó đánh rơi, liền đem về thuyền, sau khi mở túi ra xem, thấy bên trong có sáu thỏi bạc.

Hoàng Trung nói với con trai: “Túi bạc này nhất định là của người đi vệ sinh đã đánh mất. Nhưng nếu là của người giàu thì sẽ không đeo tiền bên hông, nên đây rất có thể là của một người nghèo nào đó. Như vậy nếu số bạc này mất đi ắt có thể ảnh hưởng đến tính mệnh của họ. Ta nên đợi chủ nhân của nó tới nhận”. Tuy nhiên, Tiểu San không đồng tình với cách nghĩ của cha, muốn giữ lại vì cho rằng đó là món quà ông trời ban tặng rồi hầm hầm giận dỗi bỏ về nhà.

Hoàng Trung không về nhà mà đem túi tiền để ở đuôi thuyền và đậu thuyền bên bờ ngồi đợi. Quả nhiên một lúc sau, có một người từ xa hớt hơ hớt hải chạy tới, rồi xông thẳng vào nhà vệ sinh tìm kiếm khắp nơi, gào khóc không thôi, trông vô cùng thảm thương. Thấy vậy Hoàng Trung gọi anh ta lại và hỏi đầu đuôi câu chuyện. Người đó nói: “Cha tôi bị cường đạo trên núi vu cáo hãm hại hiện đang bị nhốt trong nhà tù Chương Châu. Hôm qua tôi đã đến một nhà một thân sĩ có danh tiếng để nhờ vả, nhờ ông ta cầu xin với quan phủ và hứa sẽ trả ơn một trăm hai mươi lạng bạc. Sau đó tôi trở về nhà vội bán ruộng đất, nhà cửa, rồi lại năn nỉ vay mượn người thân, bạn bè tổng cộng mới chỉ gồm được một nửa số tiền. Lúc chờ thái thú cho phép nộp tiền bảo lãnh, tôi liền mang toàn bộ tiền đi". Người đó nức nở, nước mắt tuôn rơi: “Số bạc đó là dùng để giúp cha tôi được thả ra, nên tôi mới quấn bên hông để đi vào Chương Châu. Vừa lúc nóng lòng muốn đi vệ sinh, tôi đã cởi túi tiền đặt trên nền, vệ sinh xong vội vã đi ngay, vì thế mà quên mất túi tiền. Tôi chết cũng không đáng tiếc, nhưng không có tiền thì phải dùng cái gì mới có thể cứu cha tôi thoát khỏi tử tội đây?”.

Sau khi hỏi cặn kẽ, và xác nhận rằng số lượng bạc và màu sắc của chiếc túi y hệt như chiếc túi mình đang giữ, Hoàng Trung đã an ủi anh ta và nói: “Số bạc còn nguyên, đang ở chỗ tôi đây. Tôi đã đợi anh rất lâu rồi”. Sau đó ông lấy túi ra và đưa cho anh ta. Thấy số bạc vẫn còn nguyên như cũ, người đàn ông mừng rỡ khôn xiết, định để lại một thỏi bạc để cảm tạ ân nhân, nhưng Hoàng Trung nói: “Nếu tôi có lòng tham, thì há phải bỏ sáu mà nhận một?” Nói xong ông xua tay từ chối và rời đi.

Khi ông đi được nửa đường thì bất ngờ mưa và gió lớn thổi tới, ông liền chèo thuyền ghé vào một ngôi làng vắng. Bờ sông bị mưa lớn cuốn trôi, đổ sập xuống, sau đó từ trong đất bỗng nhiên xuất hiện một đàn thờ, tuy nhiên cửa bị bịt kín bằng thiếc, nên Hoàng Trung không thể nhìn thấy gì bên trong, ông nghĩ rằng đàn thờ này có thể mang về làm thùng chứa gạo liền kéo vào thuyền, nhưng đàn thờ nặng quá, phải dùng hết sức mới kéo lên thuyền được. Một lúc sau, mưa tạnh và gió cũng lặng trở lại, ông chèo thuyền trở về nhà, lúc về đến nhà cũng đã là nửa đêm.

Trong khi đó, sau khi giận dỗi trở về nhà, Tiểu San liền đem chuyện nhặt được túi bạc kể cho mẹ nghe. Người mẹ cũng đồng tình với người con và nghĩ chồng mình thật ngu xuẩn, vô cùng thất vọng về chồng. Khi ông về đến và gõ cửa thì cả hai đều không chịu mở, không còn cách nào khác nên ông đành nói dối họ: “Tôi có một đàn thờ kho báu để trên thuyền, ra đây cùng nhau khiêng vào nào”. Nghe vậy cả hai mẹ con giật mình đứng dậy, chạy nhanh lên thuyền, chỉ thấy miệng đàn thờ sáng rực dưới ánh trăng, đó thật sự là một đàn thờ kho báu. Sau khi khiêng đàn thờ lên bờ, đục bỏ thiếc ra, và đổ nghiêng xuống thì quả nhiên bên trong đều là bạc, khoảng một nghìn thỏi. Mọi việc diễn ra cứ như một giấc mơ huyền ảo. Tuy nhiên, mọi việc không hề suôn sẻ. Nhà hàng xóm của Hoàng Trung chỉ cách có một bức tường, do vậy cả tiếng nói chuyện nhỏ của vợ chồng ông họ đều nghe rõ mồn một. Vì quá đố kỵ, vào ngày hôm sau người hàng xóm đến quan phủ để tố cáo và bịa đặt rằng Hoàng Trung đã đào trộm tiền của nhà người khác. Kết quả là huyện lệnh Long Khê đã cho người đến nhà bắt Hoàng Trung giải lên quan để thẩm vấn. Trước công đường, Hoàng Trung thành thật đem hết câu chuyện từ chuyến đi đến Chương Châu nhặt được bạc, đến chuyện trả lại bạc và có được bạc từ đàn thờ cho huyện lệnh nghe.

Nghe xong, huyện lệnh anh minh nói: “Người làm việc thiện ắt được phúc báo. Đây chính là món quà mà trời ban cho ông, lẽ nào người ngoài có thể can thiệp vào?”. Vị quan đã trách phạt người hàng xóm ghen ăn tức ở và tuyên bố thả Hoàng Trung về với số bạc mà ông nhặt được chính là sở hữu của ông ta. Số bạc trời ban tặng đủ để gia đình ông chuyển lên kinh thành sinh sống và dùng cả đời.

Đây là sự việc trong lúc vô tình hành thiện cứu người mà tích âm đức, nhận được phú quý trái ngọt ngay tức thì, giống như lời huyện lệnh nói: “Người làm việc thiện ắt được phúc báo. Đây món quà mà trời ban cho”. Từ câu chuyện trên có thể thấy, lời răn "hành thiện tích đức" của người xưa muôn đời luôn đúng. Cho dù sống ở thời đời đại nào, xã hội nào cũng phải nuôi cho mình cái tâm nhân đức, thiện lành.


St

Các tin tức khác

Back to top