Trò chơi nhà chồi

5/12/2012 11:54
Sáng nay trong không khí se lạnh của mùa đông Delhi Ấn Độ, tôi cùng vài huynh đệ ngồi uống trà, vừa nghe mùi hoa sữa miên man. Ở đây có hai loại cây báo hiệu thời tiết rất hay, là hoa gạo và hoa sữa. Khi nhìn thấy hoa gạo nở đỏ trời là biết mùa đông đã kết thúc để chuyển sang màu hè nóng như lửa đốt. Còn khi nghe mùi thơm cùa loài hoa trắng như sữa len lỏi trong từng cơn gió nhẹ của buổi ban mai hoặc đêm thanh là báo hiệu mùa đông đang đến. Bên tách trà nóng, thứ trà ‘made in Viet Nam’ cũng có tác dụng gợi lại bao kỷ niệm êm đềm về quê hương, trong có có những câu chuyện thật hồn nhiên về tuổi thơ không thể nào quên, tuổi thơ chơi trò chơi cất nhà chồi.

Ba bốn đứa bạn cùng xóm rủ nhau đi đốn là dừa, cắt tàu chuối, rồi đốn cây dựng nhà chồi. Đứa nào khéo thì dựng nhà to và đẹp, đứa nào dở thì dựng nhà nhỏ, và xấu, nhà xiêu dẹo mà chỉ cần một cơn gió thổi đến cũng có thể là đổ nhào tất cả ‘cơ ngơi’ mà tụi con nít chúng tôi đã bỏ ra cả buổi để làm. Thằng Tèo là đứa dở nhất, bao giờ cũnng làm lâu hơn tất cả, và bao giờ cũng vậy, khi chúng tôi đã dựng xong nhà của mình thì kéo đến phụ thằng Tèo dựng ngôi nhà của nó.

Dù nhà lớn nhà nhỏ, dù nhà đẹp nhà xấu, tất cả chúng tôi đều rất vui với thành quả của mình. Nhà thiệt thì không ở, cứ chun vô nhà chồi mà ở, dù trời nắng hay mưa, có khi còn bưng cơm ra nhà chồi ăn nữa, đứa này giả bộ đi qua nhà đứa kia thăm cũng giống như ông ngoại đi thăm nhà ông tư ở xóm dưới vậy.

Mỗi cái nhà chồi như thế chơi được hai ba ngày, cho đến khi lá dừa hay là chuối héo khô hết không còn có thể ở được thì dở bỏ, quăng xuống mương độn. đứa nào làm biếng không chịu dọn dẹp thì thế nào cũng bị người lớn la là xả rác, mai mốt không cho chơi nữa.

Thời gian vùn vụt trôi qua, chúng tôi đều lớn lên, lập gia lập nghiệp. Chuyện ngày xưa không buồn nhớ nữa, bao thứ lo toan, ý chí mỗi người cũng khác, lại còn tính chuyện hơn thua.

Tôi đi tu xa nhà, hôm trước về quê thăm cha mẹ và hàng xóm. Nghe nói thằng Tèo  dựng nhà, vì không có tiền mướn thợ nên vợ chồng nó tự làm lấy. Căn nhà đơn sơ mà phải kéo dài cả tháng, hai vợ chồng nó với đứa con nhỏ phải hứng chịu bao sương gió. Tôi hỏi sao không kêu thằng Phong, thằng  Thoại… qua phụ, nó nói bây giờ không ai phụ không, đều tính tiền công cả. Tôi ngậm ngùi nhớ lúc còn thơ, lúc chơi cất nhà chồi, có ai tính công lao gì đâu.

Ừ cũng phải, nhà chồi chỉ là trò chơi thôi mà, đâu phải nhà thiệt. Có ai ăn đời ở kiếp với cái nhà nhỏ bằng cái chuồng gà và được làm bằng lá chuối ấy đâu. Nhà lầu xe hơi mới là thật kìa! Mới đáng để tranh hơn thua. Và giá trị của con người cũng dường như tăng lên theo những gì họ sở hữu. chính vì thế mà suốt cuộc đời con người ta cứ chạy theo những thứ đó, có được những thứ đó, bằng những  cách đàng hoàng cũng có, mà bằng những cách không đàng hoàng cũng có. Vì tiền, vì vàng, vì ruộng đất, nhà cửa, địa vị… mà từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội, người ta dám làm những điều ngang trái, nhẩn tâm mà không suy nghĩ đến nỗi đau của người khác, hay người thân của mình.

Vâng, nhà chồi thì không có thật, nhưng ngẩm nghĩ lại, ngay cả nhà thật có thật sự là thật không? Tôi cho là không! Chúng ta hãy nhìn lại những công trình tự nhiên hoặc những kiến trúc nhân tạo đi, có cái nào là mãi mãi không? Những đền đài lăng tẩm do vua chúa xây hoặc xây cho vua chúa, đẹp đẽ và nguy nga biết dường nào, thì người ta cũng phải bỏ công bỏ của ra để duy trì, tái tạo nó mới có được phần nào dáng dấp của ngày xưa. Tần Thuỷ Hoàng, Alexan Đại đế, Thành Cát Tư Hãn, hay những vì vua lừng lẫy  nhất trên đời, ngay cả xương cốt của họ hiện nay có còn đâu.

Ôi những thứ mà con người nói chung cho là thực, là giá trị ấy, suy cho cùng có khác gì trò chơi cất nhà chồi cùa trẻ con đâu. Dựng lên rồi sụp đổ, được đó rồi mất đó, những tình cảm vui buồn theo năm tháng cho đến khi ta nhắm mắt xuôi tay.

Có lẽ vì hiểu đựơc lẽ vô thường tạm bợ này trong cuộc sống tất cả những bật chân nhân không có người nào theo đuổi các giá trị vật chất cả, huống là tranh giành chúng. Những gì họ làm là đem lại hạnh phúc cho người khác. Như Bồ tát Quán Thế Âm đem lại hạnh phúc cho chúng sanh bẳng cách làm cho họ tránh được sự sợ hải trong cuộc sống bằng pháp môn “vô uý” của Ngài. Những phật tử cũng có thể làm được điều đó bẳng cách giữ năm giới cấm. Không sát sanh, đánh đập  làm cho chúng sanh không sợ hãi vì bị mất mạng, thương tật. không trộm cắp làm cho người khác thấy an toàn về tài sản, v.v…

“Dã tràng se cát biển đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì”, thực sự những gì chúng ta gây dựng trong đời, rồi cũng sẽ là thứ trò chơi cất nhà chồi của trẻ nhỏ mà thôi. Vậy xin đừng lấy tiền bạc hay địa vị mức đo thành công trong cuộc sống. nhất là đừng vì những thứ đó mà làm điều gì sai trái.  Hãy nghĩ đến người khác, đến nỗi khổ của họ, mà chia sẻ tình thương.


Hữu Huệ (HLT)


Các tin tức khác

Back to top