Tâm báo ân
Người có ân đối với bạn, không thể quên ân phụ nghĩa, cần phải biết đền đáp. Đối với tất cả chúng sinh, chúng ta đều cần phải có tâm báo ân, có những chúng sinh đời này tuy chưa có ân nghĩa gì, nhưng đời trước chắc chắn có ân nghĩa.
Bởi tất cả chúng sinh đều từng làm cha mẹ của bạn, cho nên tất cả chúng sinh đối với chúng ta đều có ân, dù là người đã từng làm tổn thương chúng ta, vì thế cần phải báo ân.
Tâm cung kính
Đối với cha mẹ, thầy cô, thế hệ trước đều cần phải có tâm hiếu thuận và cung kính. Ngoài ra, những bậc có tuổi tác lớn hơn bạn, học vấn cao hơn bạn, hoặc người có những cống hiến cho nhân loại và xã hội, những người có tâm thiện, đều nên khởi lên tâm cung kính.
Tâm cung kính không có sự phân biệt thân sơ, đối với hết thảy con người đều cần phải cung kính, bạn cung kính người khác, người khác sẽ cung kính bạn, cho nên tâm cung kính là pháp thù thắng tăng thêm phước báo cho mình.
Tâm tôn trọng
Trước tiên cần phải tôn trọng chính mình, tiếp đến tôn trọng những thành viên trong gia đình, và sau cùng tôn trọng tất cả người khác, thường xuyên nở nụ cười trên môi, ăn nói lễ độ, khiêm nhường, có tâm tôn trọng lẫn nhau.
Đối với kẻ thù cũng nên tôn trọng, tôn trọng thiện ý của họ, tôn trọng học vấn, hành vi, chính kiến của họ…
Tâm vô chấp
Cội nguồn của bể khổ ở đời là phiền não, căn nguyên của phiền não là chấp trước, gốc rễ của chấp trước là ngã chấp (chấp có cái tôi), ngọn nguồn của ngã chấp là vô minh.
Có tư tưởng của “ngã” (cái tôi), nhất định sẽ có mặt ngã chấp và tâm tự tư tự lợi (ích kỷ), tâm ích kỷ mang đến sự phân biệt giữa bạn và ta, đã có tâm phân biệt nhất định sẽ có các phiền não tâm tham và tâm sân hận.
Tâm vô cầu
Người không có trí tuệ thì tham tâm và dục vọng tương đối nhiều, cho nên không có niềm vui và hạnh phúc. Bạn càng tham cầu và chấp thủ, thì khổ não từ đó cũng ngày một trở nên nhiều thêm. Người thật sự có trí tuệ là vô dục vô cầu, tâm vô tham sẽ có cuộc sống thoải mái, nhẹ nhõm và an vui.
Tâm tri túc
Phải có tâm hài lòng mới có thể có tâm tri túc (biết đủ). Mỗi một con người chúng ta dù cuộc sống nghèo khó, hoàn cảnh tồi tệ hay giàu có, tốt đẹp, tất cả đều cần có tâm tri túc.
Bởi vì so với một số người tử vong ngoài ý muốn, chúng ta vẫn đang còn sống, chính là nhờ có phước, thì càng phải tỏ ra tri túc, có tâm tri túc mới có thể có được niềm vui, tục ngữ nói rất hay, rằng: “tri túc thường lạc” (biết đủ thường vui), kinh Phật nói: “Tri túc nhân thị thánh hiền” (người biết đủ là thánh hiền).
Tâm khiêm tốn
Tục ngữ: “Hư tâm sử nhân tiến bộ, kiêu ngạo sử nhân lạc hậu” (khiêm tốn làm người ta tiến bộ, kiêu ngạo làm người ta lạc hậu).
Thất bại lớn nhất đời người là kiêu ngạo và tự cao tự đại. Cho nên chúng ta làm bất cứ việc gì đều cần phải khiêm tốn, không nên tự đại, kiêu ngạo.
Tâm nhẫn nhục
Tâm nhẫn nhục chính là tâm thái có thể tiếp nhận sự sỉ nhục và phê bình của người khác, trong cuộc sống chúng ta cần phải có khả năng tiếp nhận sự phê bình và chỉ trích của người khác.
Người có thể tiếp nhận người khác chỉ trích, mới có cơ hội cải chính khuyết điểm, một người có khả năng nhẫn nhục, khó nhẫn có thể nhẫn, khó làm có thể làm được, chính là người có trí tuệ nhất.
Tâm sám hối
Nếu bạn làm việc sai quấy, trước tiên phải biết lỗi lầm, sau đó sám hối (ăn năn hối cải), sám hối sau này không tái phạm những lỗi lầm tương tự.
Mỗi ngày làm thêm chút việc tốt, giảm thiểu chút việc xấu, lúc nào cũng có tâm sám hối, ắt thiện niệm (ý nghĩ tốt) của bạn ngày một tăng thêm, ác niệm (ý nghĩ xấu) ngày một giảm bớt, thì phước báo của bạn sẽ mau chóng trở lại, tai vạ liền rời xa bạn.
Tâm hành thiện
Chúng ta trước tiên nhận biết điểm khác biệt giữa thiện và ác, việc có ích lợi và đem đến niềm vui cho dù là trực tiếp hay gián tiếp đối với chúng sinh thì gọi là “thiện”, việc có tổn hại và đau khổ gián tiếp hay trực tiếp cho chúng sinh thì gọi là “ác”.
Chúng ta bất cứ lúc nào cũng cần phải dùng ái tâm vô điều kiện, từ tâm rộng lớn, thiện niệm vô tư đi giúp đỡ người khác, quan tâm người khác, chăm sóc người khác, hãy nhớ rằng muốn làm việc tốt không thể tồn tại tư tưởng và hành vi ích kỷ “vị ngã”.
Tâm tinh tấn
Nỗi xót xa, buồn đau lớn nhất đời người là tự chà đạp mình, tự khinh thường mình, tự ruồng bỏ bản thân mình.
Chúng ta làm bất kỳ việc gì cũng cần phải có tâm tinh tấn (cần mẫn chăm chỉ), nếu bạn không có tâm tinh tấn, cho dù có cơ hội tốt lần nữa, cũng sẽ tuột khỏi tầm tay, cho nên người có trí tuệ sẽ lấy tâm tinh tấn, khéo nắm bắt gìn giữ nhân duyên, không lười biếng, buông thả.
Tâm bác ái
Cần có tâm bác ái đối với hết thảy chúng sinh, tâm bác ái chính là tâm Bồ-tát, buông bỏ tâm ích kỷ và tự ái, coi trọng người khác, yêu thương người khác, quý mến người khác, vì thương yêu người khác có thể mất đi tính mạng chính là tình yêu bao la cao cả.
Tâm quý mình
Trước khi yêu người khác bạn nên học cách yêu thương bản thân mình trước. Yêu bản thân mình như thế nào? Quý trọng sinh mệnh của mình, tôn trọng đạo đức của mình, giữ gìn sức khỏe của mình, yêu quý cuộc sống của mình, có mục tiêu nhân sinh của mình, có sở thích của mình.
Trên thế giới không có người thập toàn thập mỹ, không nên miễn cưỡng mình, không nên làm tổn thương tâm hồn của mình.
Tâm tự tin
Trong cả cuộc đời, không có nỗi đau thương nào tồn tại mãi mãi, nỗi đau đớn dù sâu đến đâu, vết thương dần dần cũng sẽ khỏi.
Trong đời người không có vận rủi, cảnh khốn cùng nào không thể bước qua được, bạn không thể ngồi bên nó đợi nó tan biến hoặc bỏ mạng, bạn chỉ có thể nghĩ cách vượt qua nó.
Trong đời người không có sự thập toàn thập mỹ nào vĩnh cửu, chung cục sẽ phải có một ngày kết thúc. Bạn đã có lòng tin của bản thân, thì đã có sự kiên cường, tức cũng sẽ có kỳ tích sáng tạo.
Nguyễn Phước Tâm
(Bộ môn Ngoại ngữ, trường Đại học Trà Vinh)
Theo Zgnhzx