Bí quyết làm người tốt

19/04/2013 12:06
Người sống có đạo đức là người thường đem lại niềm an vui chan hòa tình yêu thương đến với tất cả mọi người không phân biệt người thân hay kẻ thù. Nên đạo đức là hoa thơm trái ngọt là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống con người.

Vì vậy người Phật tử phải là người có nhân cách tốt, muốn thế chúng ta cần phải rèn luyện và gìn giữ năm điều đạo đức. Người hay giết hại có đạo đức không? Dạ không. Người hay trộm cướp lường gạt có đạo đức không? Thưa không. Người hay tà dâm lấy vợ người có đạo đức không? Dạ không. Người hay nói dối hại người có đạo đức không? Thưa không. Người hay uống rượu say sưa hoặc dùng các chất độc hại như xì ke ma túy có đạo đức không? Dạ không. Vậy người con Phật:


Hãy nói không, với các điều xấu ác.
Hãy nói có, với các điều tốt lành.
Hãy giữ tâm, không khởi niệm phiền não.
Hãy vì lợi ích tất cả chúng sinh.
Nghe lời Phật dạy tu trì,
Hạnh lành gieo mãi đến khi quả thành.


Vì sao chúng ta cần phải làm người tốt? Làm người tốt để chúng ta có cơ hội giúp đỡ gia đình sống an vui hạnh phúc và dấn thân phục vụ xã hội, đem tình thương đến với mọi người, sẵn sàng chia vui sớt khổ, để làm vơi bớt nỗi đau bất hạnh. Đó là chất liệu sống cần thiết giàu lòng nhân ái, để hình thành một nhân cách phẩm chất đạo đức nơi mỗi con người.


Một người sống có đạo đức là người không bao giờ dám làm các việc xấu ác, vì họ biết rõ ràng nhân xấu ác sẽ đem đến quả khổ đau cho nhiều người. Vậy đạo đức là gì? Đạo đức là những gì tốt đẹp trong mỗi con người, từ những ý nghĩ lời nói hành động của họ làm cho mọi người chung quanh cảm mến, ưa thích và có thể đem an vui lợi lạc ngay trong hiện tại. Một con người có nhân cách đạo đức tốt, phải phát xuất tự nội tâm trong sáng thanh tịnh, như vậy đạo đức là cái tốt ở bên trong, được thể hiện hài hòa bởi hành vi giao tiếp đối xử bình đẳng với mọi người không phân biệt thân hay thù.

Người hay vị tha để giúp đỡ mọi người tùy theo khả năng, có khi giúp một lời nói để họ vượt qua cơn sợ hãi, một ly nước để giúp người qua cơn khát, hoặc nhiều hơn nữa giúp một số tiền lớn để cứu người qua cơn hoạn nạn. Vậy người sống có đạo đức là người biết đem tình thương chia sẻ đến cho nhiều người, biết kính trên nhường dưới sống vui vẻ bình đẳng với mọi tầng lớp trong xã hội. Đạo đức là hoa thơm trái ngọt luôn bay ngược chiều gió, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống hiện tại. Con người muốn có nhân cách đạo đức tốt cần phải rèn luyện từ tuổi ấu thơ và hãy nên nói không với các điều xấu ác và hãy nên nói có với các điều tốt lành.

Người sống có nhân cách đạo đức tốt là người thường xuyên biết chia vui sớt khổ, sống chân thật rộng lượng biết kính trên nhường dưới, biết bao dung và tha thứ, biết thương yêu và giúp đỡ, biết hy sinh và chịu đựng nhận phần thiệt về mình. Nhân cách đạo đức là hoa thơm trái ngọt, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống nhân loại.


Bạch Cư Dị là một ông quan và là nhà thơ nỗi tiếng thời Đường ở Trung Hoa. Đến tuổi trung niên ông phát tâm tu học Phật pháp. Nghe đồn rằng có một thiền sư chuyên ngồi trên chảng ba của một gốc cây cổ thụ đã ngộ đạo, nên mọi người thường gọi là thiền sư Ô Sào (ổ quạ). Tiếng lành vang xa, Bạch Cư Dị muốn tìm đến ngài để cầu thưa hỏi Phật pháp, mong nhận ra lẽ thật để tu hành.


Vừa đến nơi đã thấy thiền sư ngồi trên cây, Bạch Cư Dị liền nói rằng chỗ ở của thiền sư rất là nguy hiểm. Thiền sư bình tỉnh nói rằng, chỗ ở của ông mới thật là nguy hiểm. Ông Bạch cư Dị nói, chỗ con làm sao nguy hiểm bằng chỗ thầy được. Thiền sư nói, ta tuy ngồi trên cao thấy dường như nguy hiểm nhưng là chỗ an toàn, để tu tập chuyển hóa các tham sân phiền não có tính cách hại người hại vật, nên không nguy hiểm mà còn có thể lợi ích cho nhiều người trong hiện tại và mai sau. Chính chỗ ông đang làm việc mới thật là nguy hiểm, bởi ông làm quan có quyền hành thế lực trong tay, nếu không phải là người liêm chính chí công vô tư, thì sẽ làm tổn hại cho nhiều người, bởi vì lòng tham con người như giếng sâu không đáy không cùng tận, không biết bao nhiêu mới gọi là đủ.


Sau khi nghe lời giải thích của thiền sư, ông mới hỏi thế nào là đại ý Phật pháp? Thiền sư trả lời:


Không làm các việc ác
Hay làm các việc lành
Giữ tâm không phiền não
Đó là lời Phật dạy.


Bởi vì ông quan này đã từng tham cứu nhiều ngữ lục, nên nghĩ rằng thiền sư phải dùng thiền ngữ trả lời mới đúng. Ông ta tự hào mình đã thông đạt bí quyết nhà thiền, nên khinh khỉnh nói rằng: “Câu này con nít tám tuổi trả lời cũng được” hòa thượng dạy con nghe tầm thường quá. Thiền sư liền bồi tiếp cho một câu, “nhưng ông già tám mươi tuổi làm cũng chưa xong”. Ngay nơi câu nói này, Bạch cư Dị nhận ra yếu chỉ Phật pháp, sau đó phát tâm dựng một nhà trúc ở dưới gốc cây để thiền sư có chỗ nghỉ ngơi, thuận tiện trong việc tu tập và giáo hóa chúng sinh.


Lời Phật dạy ngàn kinh muôn luận, nhưng cuối cùng chỉ tóm gọn trong bốn bài kệ trên, chẳng qua nhân loại có nhiều phiền não trần lao thì Phật phải đưa ra nhiều vị thuốc. Mục đích của đạo đức giáo dục nhân cách sống không gì khác hơn là giúp cho con người nhận ra thân phận của mình, để làm sao dựng lập đời sống gia đình phù hợp với sự vận hành của vũ trụ. Nghĩa là mọi người hãy luôn có ý thức trong việc chuyển hóa các tâm niệm xấu ác đang lỡ phát sinh, vì sự mê lầm của chính mình. Và chúng ta có thể tìm cách ngăn chặn những tư tưởng xấu có thể phát sinh, bằng sự quán chiếu thường xuyên của tuệ giác từ bi.

Không có con đường nào tốt đẹp hơn là con đường trở về nội tâm của chính mình, tâm chính là cội nguồn của hạnh phúc và khổ đau. Ta không cần phải tìm kiếm những gì ở nơi xa xôi, mà ngay nơi con người chúng ta có đủ năng lực để mình nương tựa. Trong ta có đầy đủ tất cả những bình yên và hạnh phúc lâu dài, nếu ta quyết tâm nương tựa chính mình. Ít ai nhận ra điều đó. Ta cứ mãi lang thang làm khách phong trần mãi, chính vì vậy khi làm việc gì ta mang theo cái tôi ích kỷ và như thế sẽ làm cho nhân loại khổ đau.

Con người ngày nay tiếp cận nền văn minh vật chất hưởng thụ đầy đủ mọi nhu cầu cần thiết, nhưng cũng là kẻ chịu khổ đau nhiều nhất vì sự ích kỷ của chính mình. Làm quan tức có phước báo nhiều đời, nhưng nếu sống không vì lợi ích tha nhân thì sẽ làm tổn hại cho nhiều người, cho nên khi có quyền cao chức trọng nếu người đó không có đức hạnh thì vô tình hại nước, hại dân, bởi do thói quen chấp ngã và chiếm hữu. Vì vậy thiền sư nói, chỗ của ông mới thật sự nguy hiểm, nếu ông sống không có đức hạnh. Không làm các việc ác, mà hay làm các việc lành tuy nghe đơn giản, nhưng chỉ có người đức hạnh hay các vị Bồ tát mới kham nỗi, còn chúng ta hạng phàm phu tục tử hành cả đời chưa chắc xong.

Nội một cái các tâm niệm xấu ác chúng ta chưa chắc đã chuyển hóa hết được, huống hồ là hay làm các điều tốt đẹp, nên thiền sư nói ông già 80 tuổi làm cũng chưa xong. Đó là một sự thật, khi có quyền cao chức trọng chúng ta dễ dính mắc vào công danh sự nghiệp, nhất là đàn ông càng lớn tuổi càng bám vào quyền lực nhiều hơn, nên rất hiếm người sống vì lợi ích tha nhân. Do đó muốn làm người tốt và có nhân cách đạo đức, phải là người Phật tử thuần thành giữ năm giới và tu thập thiện, khả dĩ mới giúp nhân loại sống bình an và hạnh phúc thật sự.

 

Thích Đạt Ma Phổ Giác (Quảng Đức)

Các tin tức khác

Back to top