Ngài Long Thọ và tên ăn trộm

28/07/2018 1:15
Có một câu truyện về Tổ Long Thọ (Nagarjuna). Một anh ăn trộm tìm đến gặp ngài Long Thọ nói, "Thưa Thầy, con là một tên trộm, nhưng con rất muốn được làm đệ tử của Thầy, con thật lòng và nhất định dầu cho Thầy có đuổi con cũng không đi. Xin Thầy hãy nhận con làm đệ tử, nhưng cũng xin Thầy đừng bắt con phải bỏ nghề ăn trộm này, vì con đã cố gắng từ bỏ nhiều lần nhưng không thể nào được!"

Ngài Long Thọ nhìn anh ta rồi nói, "Ta không có vấn đề hay lo ngại gì hết. Anh có tâm cầu đạo như vậy rất tốt, ta sẽ nhận anh làm đệ tử của ta. Từ nay anh hãy sống và làm những gì anh làm, nhưng ta chỉ có một điều kiện thôi: là anh phải có ý thức rõ ràng về những hành động của mình, mà chỉ cần thấy đơn giản và tự nhiên thôi, chứ cũng không cần phải dụng công gì hết."

Anh ăn trộm vui mừng nhận lời ngay, vì Ngài không hề bắt anh phải từ bỏ nghề sống của mình.  

Một tháng sau anh trộm trở lại gặp ngài Long Thọ và nói, "Lời dạy của Thầy thật là khó thực hiện, vì mỗi khi con có ý thức rõ ràng thì tự nhiên con không thể nào làm chuyện bất thiện được, vì con thấy được nguyên nhân của khổ đau. Và những khi con bất cần, và cứ làm việc bất thiện, thì cái thấy trong sáng của con cũng không thể nào có mặt nữa!"

Quét tuyết sương

Tôi thích thơ Basho Haiku. Mỗi chữ như hạt sương nhỏ chứa trọn một vầng trăng, mỗi câu thơ đơn sơ nhưng chuyên chở được cả một thực tại. Nơi tôi ở bây giờ là mùa đông. Mấy hôm trước trời có một cơn mưa tuyết. Buổi tối bước ra vườn, con đường nhỏ phủ tuyết trắng màu sáng xanh dưới ánh trăng.  Chợt nhớ đến câu thơ của Basho Haiku:

Quét tuyết sương
Mà quên sương tuyết
Cây chổi trong vườn


Hình ảnh tuy đơn sơ nhưng người đọc vẫn cảm nhận được sâu sắc một sự tĩnh lặng và một thái độ vô cầu. Giữa cuộc đời, ta hãy làm những gì cần làm mà vẫn thong dong giữa những đến đi, mất còn trong cuộc sống.

 

Nguyễn Duy Nhiên

Các tin tức khác

Back to top