Theo Live Science, nghiên cứu mới phát hiện rằng trong máu của những người sống thọ trên 110 tuổi có chứa một loại tế bào miễn dịch hiếm gặp với nồng độ cao hơn bình thường. Những tế bào miễn dịch này bảo vệ người già khỏi virus và khối u; giúp họ có sức khỏe tốt trong thời gian dài.
"Điều mấu chốt là chúng ta phải tìm hiểu mục tiêu tự nhiên của các tế bào, qua đó giúp tiết lộ những điều cần thiết để có cuộc sống lâu dài, khỏe mạnh", đồng tác giả nghiên cứu Kosuke Hashimoto, Nobuyoshi Hirose và Piero Carninci cho biết.
Carninci và Hashimoto làm việc tại Trung tâm Khoa học Y học Tích hợp Riken (Nhật Bản), trong khi Hirose là nhà khoa học của Trường Đại học Y Keio ở Tokyo. Họ cùng đồng nghiệp phân tích các tế bào miễn dịch của những người có tuổi thọ cao nhất thế giới, điều chưa ai từng làm trước đây.
Những người sống thọ nhất thế giới sở hữu nhiều tế bào siêu miễn dịch. Ảnh: Getty Images. |
Theo thống kê, ngay cả ở Nhật Bản, một trong những quốc gia có tuổi thọ cao nhất thế giới, số người sống qua 110 tuổi rất ít. Vào năm 2018, tuổi thọ trung bình của nước này là 81 tuổi đối với nam giới và 87 tuổi ở phụ nữ. Kết quả điều tra dân số năm 2015 của Nhật Bản có 61.763 người từ 100 tuổi trở lên nhưng chỉ có 146 người sống đến 110 tuổi hoặc hơn.
Người có tuổi thọ từ 110 trở lên rất hiếm, vì vậy việc thu thập các mẫu tế bào của họ gặp nhiều khó khăn. Nghiên cứu tập trung lấy mẫu máu, một công việc tương đối đơn giản. Họ đã phân lập các tế bào miễn dịch từ máu của 7 người trên 110 tuổi và 5 người trong độ tuổi từ 50 đến 80 để có cơ sở so sánh.
Sau đó, các nhà khoa học đã sử dụng một phương pháp tiên tiến mang tên hệ phiên mã đơn bào (single-cell transcriptomics) để tìm hiểu xem mỗi tế bào miễn dịch đang làm gì. Phương pháp này đo RNA thông tin được tạo ra bởi hàng trăm nghìn gen trong một tế bào.
Nó là trung gian chuyển các chỉ dẫn di truyền của DNA sang nhân tế bào và xây dựng protein. Bằng cách đọc nội dung RNA thông tin, các nhà nghiên cứu có thể xác định hoạt động của từng tế bào cũng như sức ảnh hưởng và chức năng của nó.
Nhóm tác giả thu được hơn 41.000 tế bào miễn dịch từ 7 người có tuổi thọ lớn hơn 110 và gần 20.000 tế bào tương tự từ 5 người trẻ tuổi hơn. Họ phát hiện ra tỷ lệ lớn tế bào miễn dịch ở nhóm người cao tuổi thuộc họ CD4 CTL, một loại đặc biệt có khả năng trực tiếp tấn công và tiêu diệt tế bào khác.
"Điều này thật đáng ngạc nhiên vì chúng thường là một loại tế bào hiếm", các tác giả viết trong email gửi Live Science.
Thông thường cơ thể con người chỉ có vài phần trăm tế bào miễn dịch thuộc loại CD4 CTL. Nhóm người trẻ tuổi có trung bình 2,8%, trong khi những người trên 110 tuổi lại mang đến 25% tế bào siêu miễn dịch.
Mặc dù các tác giả chưa thể chứng minh loại tế bào hiếm gặp là nguyên nhân trực tiếp giúp con người sống lâu, cũng như quy mô của nghiên cứu khá nhỏ, kết quả này mở ra hướng đi mới trong việc tìm kháng nguyên ung thư hoặc cách điều trị một số bệnh nan y do virus.
Theo zing
Các tin tức khác
- Người lạc quan thường sống thọ hơn? (17/11/2019 6:05)
- 5 lời khuyên vàng của bác sĩ: Làm được thì sống lâu trăm tuổi, cả đời không lo ung thư (16/11/2019 5:43)
- Vì sao nhiều người không uống được sữa? (11/11/2019 5:52)
- Ăn đậu phụ mỗi ngày cơ thể sẽ thay đổi ra sao? (10/11/2019 4:40)
- Mỗi ngày đi bộ 15 phút, mỗi năm thế giới có thêm 100 tỉ đô ( 8/11/2019 4:29)
- Công dụng chữa bệnh thần kỳ của rau cần ( 4/11/2019 8:08)
- Những lợi ích bất ngờ của nước ép cà rốt ( 3/11/2019 5:36)
- 8 thực phẩm ăn sống tốt hơn nấu chín ( 2/11/2019 8:02)
- Thói quen tốt cho người đau dạ dày ( 1/11/2019 6:10)
- Thiền có thể giúp giảm nghiện? (29/10/2019 7:56)