Ngộ độc thực phẩm - Triệu chứng và cách sơ cứu kịp thời

26/02/2013 12:45
Triệu chứng khi bị ngộ độc thực phẩm thường xuất hiện: Buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, đôi khi có kèm theo hoặc không các triệu chứng phụ như nhức đầu, chóng mặt, đau cơ, khó thở...

Theo lương y Vũ Quốc Trung phải lưu ý đến những dấu hiệu mất nước, nhất là đối với những người nôn và đi ngoài phân lỏng trên 5 lần, sốt cao, mệt lả hay co giật...
 
Gần đây, ngộ độc thực phẩm ở các khu công nghiệp, trường học... xảy ra thường xuyên. Điều đáng nói là do thiếu hiểu biết những kỹ năng xử trí tối thiểu ban đầu nên vô hình trung nhiều bệnh nhân thay vì sớm bình phục thì lại phải điều trị rất tốn kém, thậm chí tử vong.
 
Sau vài phút, vài giờ, thậm chí có thể sau một ngày kể từ khi ăn loại thực phẩm bị nhiễm độc, người bệnh sẽ có những triệu chứng buồn nôn hoặc nôn ngay. Có khi nôn ra máu hoặc đau bụng đi ngoài nhiều lần (phân nước có thể lẫn máu), có thể không sốt hoặc sốt cao trên 38°C.
 
Người cao tuổi và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, các triệu chứng ngộ độc thực phẩm thường nặng hơn. Nếu nôn nhiều lần và đi ngoài nhiều lần, người bệnh sẽ dễ bị mất nước, mất chất điện giải dẫn đến trụy tim mạch và sốc.
 
Vì thế, phải rất lưu ý đến những dấu hiệu mất nước, nhất là đối với những người nôn trên 5 lần và đi ngoài phân lỏng trên 5 lần, sốt cao, miệng khô, môi khô, mắt trũng, khát nước (cần lưu ý người già hay bị nặng lại không kêu khát do tuổi cao bị mất cảm giác khát), mạch nhanh, thở nhanh sâu, mệt lả hay co giật, nước tiểu ít, sẫm màu...
 
Đối với một người có biểu hiện ngộ độc thực phẩm mà còn tỉnh táo, cần làm cho chất độc lẫn trong thức ăn đào thải ra ngoài càng nhanh càng tốt, bằng cách dùng hai ngón tay để ngoáy họng hay dùng một thìa nhỏ hoặc tăm bông đưa vào gốc lưỡi để gây nôn. Hoặc pha một cốc nước muối loãng rồi cho người bệnh uống, dùng tay đặt vào lưỡi, ép cơ thể nôn được càng nhiều các thức ăn trong dạ dày ra càng tốt. Khi bệnh nhân nôn, để đầu cúi thấp hơn ngực, tránh bị sặc vào phổi.
 
Nếu đã biết chất gây độc là dầu hỏa, xăng, hóa chất trừ sâu, thuốc chuột... thì không nên gây nôn vì có thể sẽ làm cho bệnh nhân hít chất độc vào phổi hoặc lên cơn co giật khi đang nôn mà nhanh chóng cho bệnh nhân uống than hoạt tính (20 đến 30g nếu là người lớn; 5 đến 10 grams đối với trẻ em) vì than hoạt tính có tác dụng gắn giữ các chất độc không cho thấm vào máu.
 
- Để người bệnh nằm nghỉ, sau đó hòa 1 lít nước với một gói orezol hoặc nếu không có sẵn gói orezol thì có thể pha 1/2 thìa cà phê muối cộng với 4 thìa cà phê đường trong 1 lít nước rồi cho người bệnh uống để bù và chống mất nước cho cơ thể. Mặt khác uống nước còn giúp trung hòa chất độc trong cơ thể người bệnh nhằm hạn chế tối đa những tác hại mà độc tố sẽ mang lại.
 
- Hoặc cho uống sulfale magnesium, sorbitol để tống chất độc và than hoạt tính qua đường phân. Phải cho bệnh nhân uống nhiều nước để than hoạt tính dễ dàng đi ra ngoài. Lúc này, bệnh nhân bị mất nước nghiêm trọng nên cần bù nước và chất điện giải bằng cách cho uống Oresol hoặc nước cháo, nước cam, nước dừa, nhất là sau mỗi lần nôn hay đi ngoài.
 
- Tiếp đó, cho bệnh nhân ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu. Nếu thấy không cải thiện mà mất nước nặng, li bì, sốt cao hay phân có máu thì phải cấp tốc đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.
 
- Sau khi tiến hành sơ cứu tạm thời cho người bệnh, bạn hãy đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ rửa ruột và làm tiến hành các điều trị cần thiết.
 
Lưu ý: Trong trường hợp bệnh nhân bị hôn mê tuyệt đối không tiến hành gây nôn vì như vậy sẽ rất dễ gây sặc thức ăn hoặc tắc thở.

 

Theo TTM

Các tin tức khác

Back to top