Khổ vì quan niệm “bói ra ma, quét nhà ra rác”
Theo Ths.BS. Trịnh Thị Diệu Thường, khi cuộc sống tất bật và có quá nhiều lo toan như hiện nay, việc khám sức khỏe định kỳ được nhiều người xem như là một việc làm xa xỉ, lãng phí, tốn thời gian. Đáng lưu tâm hơn, có không ít người lại có quan niệm rằng: “bói ra ma, quét nhà ra rác”. Bác sĩ khám kiểu gì cũng ra bệnh. Đang yên vui bỗng dưng phải sống trong lo sợ, hoang mang vì bệnh tật. Thôi: “Trời kêu ai nấy dạ”. Ths.BS.Trịnh Thị Diệu Thường cho rằng, quan niệm như vậy là sai lầm. Có nhiều bệnh nguy hiểm khi mới mắc thường không có biểu hiện gì bất thường. Tuy nhiên, khi phát hiện ra với những triệu chứng điển hình thì bệnh đã ở vào giai đoạn rất nặng.
Cần đi khám sức khỏe định kỳ để tầm soát và phát hiện sớm bệnh
Anh Võ Thành N. 36 tuổi, ngụ tại quận Phú Nhuận, TP.HCM, đã phải thay đổi ngay quan niệm “bói ra ma, quét nhà ra rác” sau một lần bị bệnh “thập tử nhất sinh”. Anh rùng mình kể lại: trước đây anh thường bị ho, tức ngực. Mỗi lần như vậy anh lại tự ý đi mua thuốc ở nhà thuốc về uống. Cũng có một vài lần uống thuốc mãi không hết, anh đi khám bác sĩ. Bác sĩ ghi trên toa thuốc anh bị viêm phế quản. Dù bị như vậy nhưng mỗi năm khi công ty anh tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên anh vẫn tự rút tên mình ra khỏi danh sách. Lý do là, sợ biết mình mắc bệnh lắm, kiểu gì đi khám, bác sĩ chẳng phán anh bị bệnh này bệnh nọ. Vào giữa năm 2010, anh bị ho dữ dội, khó thở và đầu óc thấy lơ mơ. Anh không nhớ mình nói gì, làm gì và đang ở đâu. Vào cấp cứu tại BV. Phạm Ngọc Thạch, anh được chẩn đoán bị lao phổi. Phát hiện bệnh trễ nên anh đã bị biến chứng lên não. Sau khi may mắn chữa khỏi bệnh, giờ anh là người đầu tiên ở công ty đăng ký khám sức khỏe định kỳ.
Ths.BS. Trịnh Thị Diệu Thường cho biết, khám sức khỏe định kỳ là việc làm rất quan trọng, giúp mỗi người phòng và phát hiện bệnh sớm, bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đây cũng là dịp để có được cái nhìn tổng quát về sức khỏe bản thân, tránh được các lo lắng không cần thiết. Tuy nhiên, rất ít người ý thức được sự cần thiết của công việc này. Chẳng hạn, số liệu thống kê cho thấy, ở Việt Nam có khoảng 42 - 64% số phụ nữ trong độ tuổi sinh sản bị bệnh viêm nhiễm phụ khoa. Song hầu hết mọi người chỉ đi khám khi có bệnh mà không hề chủ động thăm khám định kỳ. Báo cáo của BV. Nội tiết Trung ương cho thấy có tới 65% số bệnh nhân bị mắc bệnh đái tháo đường mà hoàn toàn không biết mình đang bị bệnh. Như vậy sẽ rất nguy hiểm khi bệnh đã diễn tiến nặng và có nhiều biến chứng. Trong khi đó, nếu khám sức khỏe định kỳ hàng năm thì bệnh đái tháo đường sẽ được chẩn đoán sớm và chỉ bằng một xét nghiệm đơn giản.
Phát hiện nhiều bệnh nguy hiểm
Ths. Diệu Thường cho rằng, khám sức khỏe định kỳ có thể phát hiện ra nhiều bệnh nguy hiểm như bệnh lao, tim mạch, các rối loạn chức năng hô hấp, cao huyết áp, ung thư phổi, dạ dày, vòm họng hay bệnh viêm gan siêu vi. Thường xuyên thăm khám sức khỏe kèm theo các xét nghiệm sẽ giúp phát hiện ra mình có nhiễm vi rút viêm gan: viêm gan siêu vi A, viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C hay không. Như vậy sẽ tránh được hậu quả là khi phát hiện ra bệnh thì đã có biến chứng xơ gan hay ung thư gan. Khám sức khỏe định kỳ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát hiện các bệnh ung thư. Trong giai đoạn đầu, bệnh ung thư thường không có biểu hiện triệu chứng gì cả, tuy nhiên có những nhóm bệnh có nguy cơ ung thư cao cần phải đặc biệt chú ý.
Với các chị em phụ nữ, cần đi khám để phát hiện sớm và chữa trị các bệnh phụ khoa như viêm âm đạo, viêm nội mạc tử cung, viêm buồng trứng, viêm ống dẫn trứng, u xơ tử cung nhằm tránh các di chứng nặng nề như viêm dính vòi trứng, gây vô sinh hoặc thai ngoài tử cung và đặc biệt là ung thư cổ tử cung. Phụ nữ đã có quan hệ tình dục nên khám phụ khoa để phát hiện ung thư cổ tử cung ít nhất 3 năm/lần cho đến lúc 69 tuổi. Một xét nghiệm PAP (phết tế bào cổ tử cung) đơn giản có thể giúp phát hiện các tổn thương tiền ung thư của tế báo cổ tử cung. Các xét nghiệm máu về HPV (một siêu vi ở người có thể gây ra ung thư cổ tử cung) cũng có ý nghĩa tầm soát quan trọng.
Ths.BS. Trịnh Thị Diệu Thường khuyến cáo, để có hiệu quả tối đa cho mỗi lần khám định kỳ, cần chuẩn bị trước các thông tin để cung cấp cho bác sĩ khi đi khám bệnh như: tiền sử bệnh của bản thân (những lý do bị bệnh hay bị mổ, đã từng phải cấp cứu, những năm tháng đã có sự cố sức khoẻ, nếu có thể bản sao các xét nghiệm đã làm, biên bản phẫu thuật...); tiền sử bệnh của gia đình (bệnh tim, ung thư, cao huyết áp, đái tháo đường... mà người thân trong gia đình đã mắc, độ tuổi mắc bệnh và nếu có thể cả lý do tử vong); những thuốc thường dùng; những phản ứng của thuốc; đã tiêm chủng những bệnh gì… Có một vấn đề cần đặc biệt lưu tâm là nếu có bất kỳ một triệu chứng khó chịu nào đó, cần phải đi khám ở cơ sở y tế ngay không được chờ đến dịp khám sức khỏe định kỳ.
Theo SKĐS
Các tin tức khác
- Lẩu nấm Thái chay ( 3/01/2016 3:52)
- Vì sao ăn chay được nhiều người lựa chọn trong xã hội hiện nay ( 3/01/2016 3:50)
- Những cơn đau tuyệt đối không được tự chữa tại nhà ( 2/01/2016 3:03)
- Đậu nành và sức khỏe tim mạch ( 1/01/2016 1:31)
- 20 điều cần làm để tránh xa căn bệnh ung thư ( 1/01/2016 1:03)
- Bí quyết giúp bạn không bao giờ bị sỏi thận (31/12/2015 1:16)
- Bí đỏ + đậu xanh = thanh nhiệt, tăng trí nhớ (30/12/2015 3:51)
- Xử trí khi bị lạnh cóng (29/12/2015 2:55)
- Lợi ích sức khỏe của ớt chuông đỏ (27/12/2015 12:37)
- Tác hại của ngủ nướng (27/12/2015 12:05)