1. Cảm lạnh
Có thể phòng ngừa cảm lạnh bằng cách rửa tay thường xuyên. Rửa tay sẽ giúp tiêu diệt những vi khuẩn mà bạn dính phải do đụng chạm vào những bề mặt đã được người khác sử dụng, như công tắc đèn và tay nắm cửa.
Cũng cần giữ cho nhà cửa và các vật dụng trong nhà, như bát đĩa, cốc chén và khăn luôn sạch sẽ, nhất là nếu trong nhà có ai đó bị ốm.
Lời khuyên: Nếu bạn bị cảm lạnh, hãy dùng khăn giấy dùng một lần thay cho khăn mùi xoa để tránh nhiễm đi nhiễm lại lên tay.
2. Viêm họng
Viêm họng rất hay gặp vào mùa đông và hầu như luôn do vi rút gây ra. Có bằng chứng cho thấy sự thay đổi nhiệt độ, như đi từ trong phòng ấm ra ngoài trời lạnh cũng ảnh hưởng đến họng.
Lời khuyên: Một phương thuốc nhanh chóng và dễ dàng để trị viêm họng là súc miệng bằng nước muối ấm. Nước muối không chữa được nhiễm trùng, nhưng nó có các đặc tính chống viêm và có tác dụng làm dịu. Hòa một thìa cà phê muối vào một cốc nước ấm.
3. Hen
Không khí lạnh là tác nhân chính gây các triệu chứng hen như thở khò khè và khó thở. Người bị bệnh hen cần đặc biệt cẩn thận trong mùa đông.
Lời khuyên: Ở trong nhà vào những ngày gió rét. Nếu ra ngoài, cần quàng khăn che mũi và miệng. Đặc biệt lưu ý các thuốc dùng hàng ngày, và luôn để sẵn thuốc xịt khẩn cấp ngay gần và ở chỗ ấm.
4. Nôn và tiêu chảy
Noro vi rút, còn gọi là vi rút nôn mửa mùa đông, cực kỳ dễ nhiễm ở đường tiêu hóa. Bệnh có thể xảy ra quanh năm, nhưng hay gặp hơn vào mùa đông và ở những nơi như khách sạn và trường học. Bệnh gây nhiều khó chịu nhưng thường hết trong vòng một vài ngày.
Lời khuyên: Khi bị ốm kèm theo nôn và tiêu chảy, điều quan trọng là phải uống nhiều chất lỏng để ngăn ngừa mất nước. Trẻ nhỏ và người già rất dễ gặp nguy cơ. Sử dụng dung dịch bù nước đường uống có bán sẵn ở các nhà thuốc có thể làm giảm nguy cơ mất nước.
5. Đau khớp
Nhiều người bị viêm khớp cho biết khớp của họ đau hơn vào mùa đông, mặc dù chưa rõ lý do tại sao. Chỉ những triệu chứng ở khớp như đau và cứng khớp là bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Không có bằng chứng cho thấy thay đổi thời tiết gây tổn thương khớp.
Lời khuyên: Nhiều người trong chúng ta hơi bị trầm uất chút ít trong những tháng mùa đông, và điều đó khiến họ cảm nhận cái đau rõ rệt hơn. Tất cả mọi thứ đều có cảm giác tồi tệ hơn, kể cả bệnh tật. Tập thể dục hàng ngày có thể nâng cao cả tinh thần và thể chất cho mọi người. Bơi là một ý hay vì nó làm giảm đau khớp.
6. Mụn rộp
Phần lớn chúng ta đều thừa nhận rằng mụn rộp là dấu hiệu cho thấy cơ thể bị quá sức hoặc đang bị stress. Tuy không có cách chữa khỏi mụn rộp, song có thể giảm khả năng mặc bệnh bằng cách tự chăm sóc mình trong mùa đông.
Lời khuyên: Mỗi ngày, hãy dành thời gian làm việc gì đó mà bạn cảm thấy ít stress nhất, như tắm nước nóng, đi dạo trong công viên, hoặc xem bộ phim ưa thích.
7. Đau tim
Cơn đau tim hay xảy ra hơn trong mùa đông. Lý do là vì trời lạnh làm tăng huyết áp và tăng gánh nặng cho tim. Tim cũng phải làm việc vất vả hơn để duy trì thân nhiệt khi thời tiết lạnh.
Lời khuyên: Giữ ấm trong nhà. Giữ ấm các phòng chính ở nhiệt độ ít nhất 18 độ C và sử dụng chai nước nóng hoặc chăn điện để giữ ấm khi đi ngủ. Mặc ấm khi ra ngoài, nhớ đội mũ, quàng khăn và đi găng tay.
8. Cước
Cước, hay hiện tượng Raynaud, là một tình trạng hay gặp khiến các ngón chân ngón tay đổi màu và đau nhức khi trời lạnh. Các ngón có thể trắng bệch, sau đó xanh tím, rồi đỏ, kèm theo cảm giác đau buốt và châm chích. Đây là dấu hiệu tuần hoàn máu kém ở các mạch máu nhỏ của bàn tay và bàn chân. Ở những trường hợp nặng, thuốc có thể giúp ích, nhưng đa phần người bệnh sống chung với triệu chứng.
Lời khuyên: Đừng hút thuốc lá hoặc uống cà phê (cả hai đều làm triệu chứng nặng lên) và luôn mang găng tay, tất và giày khi ra ngoài trời lạnh.
9. Nẻ
Da khô và nẻ là tình trạng hay gặp và thường nặng lên vào mùa đông, khi độ ẩm trong không khí xuống thấp.
Giữ ẩm là việc rất thiết yếu trong mùa đông. Trái với quan niệm thông thường, các loại nước và kem giữ ẩm không được da “hút vào”. Thay vào đó, chúng có tác dụng bao bọc ngăn không cho hơi ẩm tự nhiên của da thoát đi mất.
Thời điểm tốt nhất để bôi kem giữ ẩm là sau khi tắm, khi da vẫn còn ẩm, và bôi lại lần nữa khi đi ngủ.
Lời khuyên: Tắm nước ấm chứ không phải nước nóng. Nước quá nóng khiến da dễ bị khô và ngứa. Nước nóng cũng khiến tóc xỉn và khô.
10. Cúm
Cúm là bệnh rất nguy hiểm với những người già yếu. Người trên 65 tuổi và người mắc các bệnh mạn tính, như tiểu đường và bệnh nhân, đặc biệt có nguy cơ.
Cách tốt nhất để phòng ngừa cúm là chủng ngừa (vắc xin tiêm hoặc xịt mũi cho trẻ 2 – 18 tuổi). Vắc xin cúm mang lại sự bảo vệ tốt nhất chống bệnh cúm và kéo dài 1 năm.
Lời khuyên: Tìm hiểu xem bạn có nguy cơ mắc cúm không qua bác sĩ hoặc tìm đọc tài liệu, sách báo về những người nên chủng ngừa cúm. Nếu ở trong nhóm nguy cơ cao, nên đến bác sĩ để được tiêm vắc xin.
Theo Dân Trí
Các tin tức khác
- Những thực phẩm giúp da hết khô ráp mùa đông (25/01/2016 11:49)
- Phật thủ - Vị thuốc quý (25/01/2016 4:01)
- Rau quả chiên bằng dầu ô liu có thể chống ung thư (24/01/2016 3:25)
- Để không sốc nhiệt khi thời tiết giảm 10 độ C (24/01/2016 3:22)
- Ai không nên xông lá trị cảm cúm? (23/01/2016 3:41)
- Không nên ăn 5 loại rau củ quả này của Trung Quốc (22/01/2016 3:39)
- 10 cách giữ cho thận khỏe mạnh (21/01/2016 3:34)
- Cách giữ góc bếp gọn gàng, sạch khuẩn đón Tết (21/01/2016 3:30)
- Những loại quả làm 'khổ' dạ dày vào ban đêm (20/01/2016 3:33)
- Cách làm mứt cà rốt truyền thống đúng chuẩn tại nhà (20/01/2016 3:29)