10/08/2013 3:03
Trong pháp hành thiền của ngài Mahasi, hành giả chú tâm ghi nhận chuyển động phồng xẹp của bụng. Theo phương pháp này, khi thở vào bụng phồng lên và thiền sinh ghi nhận chuyển động phồng từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc; khi thở ra bụng xẹp xuống, thiền sinh cũng ghi nhận chuyển động xẹp của bụng một cách tương tự.
So với hơi thở, đề mục chuyển động phồng, xẹp dễ cho thiền sinh ghi nhận hơn. Lý do là chuyển động phồng, xẹp của bụng nổi bật và rõ ràng, dễ cho thiền sinh kinh nghiệm được sự sanh diệt của chuyển động mà không sợ rơi vào thiền vắng lặng như đề mục hơi thở. Hơi thở vào ra ở mũi nhẹ nhàng, vi tế, khó ghi nhận.
Chuyển động phồng, xẹp là đề mục chính khi hành thiền. Tuy nhiên, khi nào có các đối tượng danh sắc khác nổi bật hơn qua sáu cửa giác quan gồm mắt, tai, mũi,lưỡi, thân, ý thì ta phải hướng tâm chánh niệm ghi nhận ngay tức khắc. Đây là phép niệm căn trần.
Tại sao ta phải niệm thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, suy nghĩ qua sáu cửa giác quan? Đó là do đời sống của con người có qúa nhiều phiền não tham, sân, si chen vào trong lúc thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc, chạm, suy nghĩ mà ta không hay biết. Ta khổ vì già, bịnh, chết cộng thêm khổ vì lo buồn, uất ức than trách, hối tiếc chuyện đã qua, mong cầu chuyện chưa tới. Đức Phật dạy chỉ có sự khổ mà ta đang kinh nghiệm, đối mặt ngay khoảnh khắc hiện tại mới có thể diệt trừ được mà thôi. Đối với sự khổ đã qua, ta không thể làm gì được cả và sự khổ trong tương lai thì chưa xảy ra.
Ngay khi đối tượng (trần) vừa tiếp xúc với các giác quan (căn), ta nên có trí nhớ chánh niệm ghi nhận ngay. Nếu không, tâm ta cứ mãi chạy theo quá khứ hay tương lai. Chánh niệm ghi nhận đối tượng nổi bật ngay trong hiện tại để ngăn ngừa phiền não xâm nhập vào tâm do mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân chạm, hay tâm suy nghĩ… Nếu không, trạng thái tâm thích hay không thích sẽ sanh khởi trong tâm, kéo theo bao đau khổ, phiền não khác.
Để giải thoát được sự sanh, già, bệnh … mà ai cũng sợ và muốn tránh, phải thực tập chánh niệm. Thiếu chánh niệm, ta không thấy, không hiểu được bản chất thực của sắc pháp và danh pháp nhưng chỉ có tâm thích hay không thích suốt ngày, suốt đời mà thôi.
Đức Phật dạy trong Mười Hai Nhân Duyên: Vì không biết, không thấy được mấu chốt tham ái này nên chúng sanh đã tạo biết bao nghiệp tốt xấu, thiện ác khiến bị tái sanh mãi trong vòng luân hồi.
Nếu có minh, có trí tuệ thì sẽ không hành động sai lầm nên sẽ không có thức tái sanh sanh khởi và kết quả là không già, bệnh, chết. Nhờ chánh niệm ta kiểm soát được tâm khiến tâm không bị đầu độc bởi cái thích hay không thích ở mắt thấy, tai nghe, thân đụng chạm … Do đó, niệm căn trần là ta đang sống khi căn và trần đang làm việc với nhau mà không có mặt của tham, sân, si. Chỉ bằng ghi nhận đúng, thấy đúng, nghe đúng, không thêm không bớt thì ta sẽ không đau khổ, không đổ lỗi cho ta hay cho ai.
Tu là sửa cái sai trong mắt thấy, tai nghe, tâm suy nghĩ… Các thánh nhân nghe sao, ghi nhận vậy, không thêm bớt, không đánh giá, không bị đối tượng chi phối. Vì thế các ngài luôn được an vui, giải thoát.
Theo: Vài làn hương Pháp
Trích soạn: Thitasīla Thùy Khanh, ban Tu Thư Như Lai Thiền Viện hiệu đính
Các tin tức khác
- Sống thật và sống mãi mãi ( 7/08/2013 9:37)
- Thiền duyệt - Bài 2 ( 6/08/2013 4:22)
- Thiền duyệt - Bài 1 ( 6/08/2013 3:29)
- Niệm đi ( 4/08/2013 4:18)
- Đi kinh hành ( 2/08/2013 4:09)
- Niệm chi tiết (30/07/2013 10:22)
- Ngồi thiền (24/07/2013 10:58)
- Khổ cần phải được thấy (23/07/2013 9:51)
- Kinh bốn lĩnh vực quán niệm (22/07/2013 5:41)
- Thiền buông thư (21/07/2013 4:25)