Mỗi khoảnh khắc khách quan ghi nhận được rõ ràng đề mục đang diễn biến là ta đã đạt được chánh niệm ngay trong khoảnh khắc đó; hay nói cách khác, ta có được một niệm không suy nghĩ, một niệm không quên đối tượng.
Lần lần, khi tâm quen với sự ghi nhận, ta sẽ đạt được hai, ba, mười … niệm như vậy kề sát nhau, liên tục nhau. Đó gọi là ta có sự định tâm. Nhờ định tâm này, ta sẽ thấy các đối tượng danh sắc hay thân tâm càng lúc càng rõ hơn giống như ta cắt mỗi niệm thành từng lát nhỏ bằng sự ghi nhận ngày càng sắc bén hơn của ta.
Chẳng hạn khi ngồi chú tâm theo dõi tiến trình phồng xẹp của bụng, ta thấy được nguyên tố gió với đặc tính nổi bật là chuyển động. Vậy khi bắt đầu cảm nhận rõ ràng chuyển động nhẹ nhàng trong khi bụng đang phồng là ta đang theo dõi tiến trình của phồng qua nhiều giai đoạn. Rồi khi nó có vẻ ngừng chuyển động, trở nên căng, cứng là lúc nó sắp báo động sắp chấm dứt. Sự hay biết trọn tiến trình này gọi là nhớ, là minh, là tuệ.
Khi tâm yên lặng, chỉ có trí nhớ làm việc như vậy, ta sẽ không còn lo âu, suy nghĩ, phóng tâm. Hơi thở trở nên đều đặn , nhẹ nhàng và lần lần vi tế, gần như biến mất. Lúc đó ta phải ghi nhận trạng thái tâm vi tế, cảm thọ an lạc này. Trái lại, khi có lo sợ, đau nhức, mệt mỏi thì hơi thở không đều, dài ngắn, mạnh yếu khác nhau. Bấy giờ ta cũng phải chánh niệm ghi nhận những trạng thái, cảm giác như vậy.
Trường hợp ngồi mà phồng xẹp càng lúc càng mờ nhạt rồi biến mất thì sao? Lúc đó ta phải niệm ngồi, đụng. Niệm ngồi là hay biết tư thế, hình dáng thân đang ngồi, tâm phủ từ trên đầu xuống đến bàn tọa, ví như ta múc một bình nước xối từ đỉnh đầu cho nước tuôn xuống chân, cảm giác hay biết không phải từng phần mà là cảm giác toàn thân. Kế đó, ta chú tâm ghi nhận trạng thái cứng, nặng, xúc chạm nơi các chỗ đụng của tay, chân, bàn tọa.v… Ghi nhận hay niệm như vậy khoảng hai tới ba phút thì chuyển động phồng xẹp xuất hiện rõ ràng trở lại và ta ghi nhận đề mục này. Nguyên tắc hành thiền là làm sao thấy đối tượng thật rõ ràng, chính xác để suy nghĩ không có cơ hội sanh khởi trong tâm.
Còn trường hợp ngồi mà thấy vừa phồng xẹp vừa suy nghĩ thì sao? Thật ra tâm của chúng ta không thể thấy hai thứ cùng một lúc. Trong mỗi khoảnh khắc, tâm chỉ bắt một đối tượng mà thôi, nhưng vì mọi chuyện xảy ra quá nhanh cho ta cảm tưởng chúng xảy ra cùng một lúc. Do đó, khi đang chú niệm theo dõi chuyển động phồng, xẹp mà suy nghĩ xảy ra nổi bật thì chúng ta phải ghi nhận ngay sự suy nghĩ để nó biến đi. Chỉ cần chú niệm ghi nhận vài giây là suy nghĩ không còn nữa. Xong rồi trở lại ghi nhận lại chuyển động phồng, xẹp của bụng. Ví như ta đang nói chuyện điện thoại, có một đường dây khác gọi vào, ta phải tạm giữ đường giây cũ trong vài giây, chờ nói xong với đường dây kia rồi trở lại bằng không sẽ bỏ rơi mất cái cũ, chạy theo cái mới.
Suy nghĩ thường hay xảy ra ngay khoảng hở giữ phồng và xẹp hay giữ xẹp và phồng. Trong trường hợp này, ta phải tăng thêm đề mục ngồi, đụng vào phồng, xẹp và niệm kỹ hơn nữa ở điểm chuyển đổi đó để không tạo cơ hội cho suy nghĩ sanh khởi. Bất cứ hiện tượng nào, kể cả chuyển động phồng, đều kinh qua ba giai đoạn là sanh khởi, kéo dài và hoại diệt hay gọi tắt là sanh, trụ, diệt. Khi đến giai đoạn cuối của chuyển động phồng, hành giả thấy chuyển động hết căng và ngừng lại. Sự ngừng lại này chính là diệt. Ngay khi đó hành giả phải thêm vào đề mục ngồi, đụng – như đã chỉ dẫn ở trên – trước khi chuyển động xẹp xảy ra để lấp đầy khoảng hở giữa hai chuyển động, không cho suy nghĩ sanh khởi. Giai đoạn cuối xẹp cũng vậy, hành giả thấy chuyển động hết co, hết mềm và ngưng lại. Tương tự như trên, hành giả ghi nhận thêm ngồi, đụng để không cho suy nghĩ có cơ hội sanh khởi trong tâm trước khi chuyển động phồng xảy ra.
Vậy, hành giả cố giữ chánh niệm liên tục trên các đối tượng đang sanh khởi ngay trong giây phút hiện tại để tâm không có cơ hội phóng đi nơi khác hay để suy nghĩ không có chỗ chen vào quấy phá tâm. Đây là phương cách thanh lọc tâm, giải phóng tâm ra khỏi khổ đau mà từ lâu chưa tìm được lối thoát. Ta đang bắt đầu dùng chìa khóa chánh niệm để mở cửa trí tuệ của lớp 1, lớp 2 cho đến lớp 16 để từ đó sống thật và sống mãi mãi.
Theo: Vài làn hương Pháp
Trích soạn: Thitasīla Thùy Khanh, ban Tu Thư Như Lai Thiền Viện hiệu đính
Các tin tức khác
- Thiền duyệt - Bài 2 ( 6/08/2013 4:22)
- Thiền duyệt - Bài 1 ( 6/08/2013 3:29)
- Niệm đi ( 4/08/2013 4:18)
- Đi kinh hành ( 2/08/2013 4:09)
- Niệm chi tiết (30/07/2013 10:22)
- Ngồi thiền (24/07/2013 10:58)
- Khổ cần phải được thấy (23/07/2013 9:51)
- Kinh bốn lĩnh vực quán niệm (22/07/2013 5:41)
- Thiền buông thư (21/07/2013 4:25)
- Thiền lạy (16/07/2013 9:47)