Và trên con đường tu học, thấy rõ được thực tại của mình là một phương cách rất nhiệm mầu để chuyển hóa những khổ đau trong ta và cuộc sống chung quanh mình.
Trong Kinh Tương Ưng, Phật có dạy rằng chúng ta chỉ có thể chuyển hóa những ham muốn, buồn giận, sợ hãi, khổ đau bằng cách nhìn thấy nó một cách chân thật. Ngày xưa Phật thường đi vào những nơi rừng vắng để tham thiền. Vào những đêm khuya tối trời, mỗi tiếng động, mỗi cành cây khô gẫy, mỗi tàng lá lung lay, mỗi bóng một con thú đều có thể làm phát sinh lên trong ta một sự tưởng tượng, một nỗi khiếp sợ.
Phật kể, nếu như nỗi sợ ấy phát sinh trong khi đang đi, thì ngài sẽ tiếp tục đi và "không dừng bước, không ngồi xuống, không nằm", nếu như nỗi sợ ấy phát sinh trong khi đang đứng thì ngài sẽ vẫn tiếp tục đứng, "không đi, không ngồi, không nằm." Phật sẽ vẫn giữ nguyên tư thế ấy và tĩnh lặng quan sát cho đến khi nào nỗi sợ qua đi ngài mới đổi oai nghi.
"Này Janussoni, lúc ta đang đi, nỗi sợ hãi kinh hoàng lại phát sanh. Biết vậy, ta không dừng bước, không ngồi xuống, không nằm, sáng suốt cương quyết đương đầu với thử thách và chế ngự nó.
"Khi ta đang đứng, nỗi lo sợ cũng phát sanh. Biết vậy, ta không đi, không ngồi, không nằm, sáng suốt cương quyết đương đầu với thử thách và chế ngự nó.
"Khi ta đang nằm, nỗi lo sợ cũng phát sanh. Biết vậy, ta không đứng dậy, không đi, không ngồi, sáng suốt cương quyết đương đầu với thử thách và chế ngự nó.
"Này Janussoni, có nhiều đạo sĩ cho rằng ngày và đêm cũng như nhau, Như Lai lại nói: 'Ngày là ngày và đêm vẫn là đêm' ".
Trong khi những đạo sĩ khác nói với Phật rằng phương cách của họ là quán tưởng rằng ban đêm cũng như ban ngày, tuy trong đêm tối họ vẫn cảm thấy như ban ngày, nên không có một nỗi sợ hãi nào hết. Nhưng Phật không đồng ý, ngài đối diện với thực tại để thấy được gốc rễ của vấn đề, “ngày là ngày và đêm vẫn là đêm”. Đức Phật không tránh né, cũng không tưởng tượng thêm gì khác hơn, ngài chỉ đơn sơ tiếp xúc với những gì đang xảy ra và thấy được nó như-là.
Đức Phật đối diện với những nỗi sợ của mình bằng một thái độ từ tốn và ôn hòa. Ngài chế ngự chúng bằng một cái thấy tĩnh lặng, sáng suốt, không phản ứng. Quay về nương tựa với chính mình. Và nhờ một cái thấy tĩnh lặng và trong sáng ấy, tuy không làm gì hết, mà những khổ đau lại tự nhiên được chuyển hóa.
Bạn biết không, trên con đường tu học nhiều khi chúng ta vẫn mong tìm một phương pháp nhiệm mầu nào đó để chuyển hóa khổ đau của mình. Nhưng nhiều khi ta chỉ cần biết dừng lại và đối diện với chính nó mà thôi, thấy được rõ những gốc rễ khổ đau nào đang có mặt trong ta. Và tôi nghĩ, nếu như mình vẫn chưa nhìn thấy thì có lẽ sẽ khó có một phương pháp nào lại có thể giúp ta thấy được.
Đó cũng là con đường của Phật dạy về một cái thấy chân thật, chánh kiến, phải không bạn. Nhìn vào thực tại đang có mặt, nương tựa vào sự trong sáng của chính mình, để thấy được rằng ngày là ngày và đêm là đêm.
Nguyễn Duy Nhiên (duynhien.multifly.com)
Các tin tức khác
- Đức Thế Tôn đang lái xe cho con (25/11/2013 10:58)
- Sống vô tư (22/11/2013 8:48)
- Ngồi ăn với tăng thân (21/11/2013 9:47)
- Ăn cơm trong bản môn (20/11/2013 9:04)
- Tôn trọng sinh môi (19/11/2013 10:07)
- Tưới tẩm hạt giống tốt (18/11/2013 5:16)
- Hạnh phúc khi được ăn chay (16/11/2013 8:42)
- Nói lời yêu thương (13/11/2013 10:43)
- Đến để hóa giải nội kết (12/11/2013 4:57)
- Thực tập chánh ngữ ( 7/11/2013 10:10)