Chuyển hóa sân hận

13/06/2015 3:03
Hỏi: Có người nói sau mỗi lần nóng giận với bất cứ ai, tự thân đều nhận ra lỗi lầm, nhưng một thời gian sau thì vẫn tái phạm như trước. Vậy làm thế nào để giải hóa hoàn toàn sự nóng giận?

Đáp: Nóng giận là không đúng với tinh thần nhẫn nhịn, từ bi của đạo Phật. Sau khi chuyện đã xảy ra rồi, mới thấy được lỗi lầm, không còn nóng giận nữa. Tuy nhiên, lần tới lại tiếp tục tái phạm để rồi lại hối hận thì chỉ làm chuyện vô ích. Phải tu hành làm sao để khi nhận thấy sự việc đó là sai lầm, không đúng thì liền lập tức dừng lại. Khi người khác có những lời nói, cử chỉ hay hành động làm cho chúng ta nóng giận, nếu lúc đó phản ứng lại theo sự sân hận của nội tâm thì chứng tỏ là chưa biết tu, chưa biết dừng tạo nghiệp và cũng chưa làm chủ được thói quen của ý thức. Do tâm của mình âm thầm chấp ngã ở bên trong, lúc nào cũng cho mình tài giỏi hơn người và điều đó đã được huân tập thành thói quen mà nhiều khi chúng ta không nhận biết. Bất cứ một lời phê phán chỉ trích, nói xấu hay hành động nào đụng chạm đến “cái tôi”, thì nó sẽ lập tức phản ứng lại ngay mà không cần lắng nghe hay suy xét xem lời nói đó là đúng hay sai, hành động kia là phải hay quấy. Đó là người không có sự tỉnh táo và suy xét đúng đắn.

Cần phải tập thói quen suy xét để biết được lời nói của họ có đúng hay không? Nếu đúng thì nên chỉnh sửa lại cho tốt. Ngược lại, nếu đó là lời nói sai thì hãy xem là một bài học bổ ích giúp mình tránh bị sai lầm như họ. Luôn nhìn thấy những lời góp ý là sự trợ giúp cho mình tiến bộ, mới được gọi là sự tu hành chân chính.

Dù người đời hay người tu, đức tính điềm tĩnh cũng đều rất quan trọng. Trong tất cả hành động, lời nói hay việc làm nếu có được sự bình tĩnh thì chắc chắn sẽ có sáng suốt. Khi có được tâm trí sáng suốt thì sẽ nhìn rõ, thấy đúng và sẽ làm đúng, cho kết quả đúng.

Để ngăn ngừa và trị căn bệnh nóng giận, chúng ta cần phải thực hành cách suy nghĩ theo mấy trường hợp sau:

- Thứ nhất là cần phải xét nguyên do, tại sao họ không la mắng hay chỉ trích những người khác mà chỉ nhắm vào ngay mình. Như vậy, có thể ta đã vô tình có sai phạm, nên họ mới cư xử như vậy.

- Thứ hai nếu mình thật không sai, nhưng họ cứ nhắm ngay mình mà phê phán, chỉ trích, thì hãy xem xét là có nhân quả nghiệp báo. Người học Phật phải thấy rõ không có gì là tự nhiên, có gieo hạt mới có ra hoa kết trái. Điều không như ý xảy ra đối với mình trong đời này có thể ở những đời trước chúng ta có nợ với người đó.

Giống như việc giữa chúng ta và một người nào đó có xảy ra chuyện xích mích cách nay rất lâu. Dù chúng ta đã quên chuyện cũ, nhưng người kia vẫn chưa quên. Mãi đến ba mươi năm sau gặp lại nhau, họ đã dùng những cách tệ hại để đáp trả lại sự việc lúc trước. Đó là nhân quả chỉ mới trong đời này, huống nữa là ân oán từ nhiều đời về trước. Cũng có nhiều người mới vừa gặp mặt lần đầu đã cảm thấy thương mến, từ đó biết rằng đời trước mình với người đó có ân nghĩa với nhau, có thể là người thân, anh em, bạn bè… nhưng cũng có người chỉ mới gặp lần đầu đã thấy chán ghét, là vì ở đời trước đã từng có oán thù với nhau. Mọi việc đều có nguyên nhân của nó, không phải là tự nhiên hay vô cớ.

Lúc mượn vui vẻ, thì khi trả cũng phải vui vẻ, không được than thở, sầu muộn mới là đúng lý. Nhìn thấy được nhân quả vay trả như vậy và biết chấp nhận thì hai bên hài hòa, không còn phiền não. Ngược lại, nếu cứ nghĩ người này ăn hiếp, người kia ăn gian, người nọ chơi xấu, người khác lấn lướt mình… thì sẽ rất đau khổ vì phiền não. Đã thiếu nợ thì dù sớm hay muộn chắc chắn cũng phải trả. Đồng thời thường nên tự xét mình là người tu phải thực hành hạnh nhẫn nhịn, không nên tranh hơn thua với họ. Luôn nhìn mọi sự việc theo góc độ của nhân quả và ứng dụng thực hành, thì cuộc sống sẽ trở nên rất vui vẻ và thân thiện.

Trong kinh, đức Phật nói: “Trên thế gian này, nếu không biết nhẫn nhịn thì không làm được việc gì”. Không có sự kiên trì nhẫn nại, chịu khó để vượt qua, thì mọi việc đều thất bại. Hoặc trong kinh Kim Cang cũng nói: “Nhất thiết pháp đắc thành ư nhẫn”.

Chữ “nhẫn” có nghĩa là nhẫn nại, nhún nhường, chịu hạ thấp mình xuống. Cõi nước mà chúng ta đang ở này có tên là Ta-bà, nghĩa là kham nhẫn, phải nhẫn nhịn mới có thể ở được, lúc nào chịu hết nổi là liền có chuyện to. Có nhường nhịn nhau thì mới có thể chung sống, nếu không nhẫn nại thì dù có thương nhau sâu nặng, sau cùng cũng phải chia lìa. Do đó, sự tu hành hằng ngày là việc cần phải rèn luyện đức tính nhẫn nhục.

Bồ tát Quán Thế Âm đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn tất cả chúng sinh, cho nên tên tuổi của ngài vang khắp mười phương thế giới. Cành dương liễu của Bồ tát rất mềm mại và dẻo dai, nhưng gió bão không thể làm gãy. Đó là biểu trưng cho đức tính nhẫn nhục, nhún nhường và cũng là bí quyết để mọi thành viên trong gia đình được an ổn, vui vẻ, trong một đạo tràng được thanh tịnh trang nghiêm. Nếu sự tu học không có nhẫn nhịn, thì “đốn củi ba năm thiêu chỉ một giờ”, bao nhiêu công đức tu tập sẽ tan tành trong một ý niệm sân hận. Khi giận mà không giữ được bình tĩnh, thì sẽ nhìn nhận và giải quyết sai vấn đề, cho nên người xưa cũng nói: “Giận quá mất khôn”. Do đó sự nhẫn nhịn là một điều rất quan trọng trong cuộc sống.

Từ sự nhẫn nhịn, nâng thêm một bước cao hơn là tình thương. Khi tâm có được bình tĩnh thì trí sáng sẽ chiếu soi rõ mọi uẩn khúc của vấn đề. Nhờ chiếu soi nên sẽ thấu hiểu và có được lòng thương. Đứng trước mọi vấn đề trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cần phải nhẫn nhịn lắng nghe để thấu hiểu và mở rộng tình thương đối với mọi người xung quanh.

Nếu ứng dụng thuần thục nguyên tắc này, thì cuộc sống của bản thân sẽ có được nhiều lợi ích kỳ diệu, không thể ngờ. Cần luôn nhắc nhở bản thân là người học đạo, trong từng hơi thở luôn xét thấy rằng mạng sống chỉ tồn tại trong từng hơi thở, không chấp trước về những gì người khác đã làm để không bị khổ đau. Chẳng những không tranh hơn thua mà còn nhớ “Hít vào A Di, Thở ra Đà Phật”, có lòng thương xót cho sự mê mờ của họ. Nếu thấy và làm được như vậy, thì mọi đố kỵ, hơn thua, háo thắng và nóng giận sẽ rơi rụng, tiêu mòn và tâm sẽ dần dần đi đến chỗ thanh tịnh và từ bi.

Thích Minh Thành 

Các tin tức khác

Back to top