Trong lịch sử, chùa Thiện Quang có lẽ nổi tiếng nhất ở sự tham gia của chùa trong các trận đánh giữa Uesugi Kenshin và Takeda Shingen vào thế kỷ XVI, khi nó phục vụ như là một cơ sở hoạt động của Kenshin. Hiện nay, chùa Thiện Quang là một trong những địa điểm hành hương nổi tiếng ở Nhật Bản.
Chùa Thiện Quang, Nhật Bản
Chùa Thiện Quang là một trong những ngôi chùa nguy nga, tráng lệ nhất ở Nhật Bản, có đến 39 tòa kiến trúc, diện tích của chùa rộng đến 59.000m2. Chùa được thành lập trước khi Phật giáo ở Nhật Bản được chia thành các giáo phái khác nhau, do đó, chùa hiện đang thuộc về cả hai tông phái Thiên Thai và Tịnh Độ của Phật giáo, và các vị Tăng sĩ cùng nhau quản lý, trong đó có 25 vị thuộc tông Thiên Thai và 14 vị thuộc tông Tịnh Độ.
Ngôi chùa này thờ một pho tượng Đức Phật A Di Đà rất đặc biệt. Tương truyền, pho tượng đã gây ra tranh chấp giữa hai dòng tộc, và sau đó được giấu dưới một kênh đào. Về sau pho tượng được Yoshimitsu Honda kéo lên. Vì thế mà ngôi chùa được đặt tên là “Zenko”, theo phiên âm Trung Quốc của tên Yoshimitsu.
Pho tượng chính của chùa là một pho tượng Phật bí mật, một pho tượng Đức Phật ẩn giấu, không trưng bày cho công chúng. Pho tượng ấy được đồn đại là bức tượng Phật đầu tiên được đưa vào Nhật Bản từ nước ngoài. Cụ thể là pho tượng ấy được chuyển từ Ấn Độ đến Nhật Bản vào thế kỷ thứ VI, dưới thời trị vì của Hoàng đế Kimmei. Khi đến Nhật Bản, pho tượng đã được di chuyển vài lần trước khi đến dừng chân ở thành phố Nagano.
Theo quy định của chùa, tuyệt đối giữ bí mật về bức tượng, không được trưng bày cho bất cứ ai thấy, kể cả vị trụ trì của chùa. Tuy nhiên, một bản sao của pho tượng đã được tạo ra để trưng bày trước công chúng mỗi sáu năm một lần vào mùa xuân, trong một buổi lễ gọi là lễ Gokaichō. Sự kiện này thu hút nhiều tín đồ và du khách. Lần trưng bày gần đây nhất diễn ra vào tháng Tư và tháng Năm năm 2009.
Vào cuối thời Kamakura (1185-1333), nhiều ngôi chùa ở Nhật Bản đã sao chép pho tượng Phật nổi tiếng của chùa Thiện Quang (Zenko-ji) để thờ phụng, và nhiều ngôi chùa mới được xây dựng trên khắp đất nước tự gọi mình là “Zenko-ji” hay “Shin-Zenko-ji” (chùa Zenko mới).
Một góc Thiện Quang – Ảnh: Flickr
Trong khuôn viên của chùa có một pho tượng của ngài Binzuru, vị y sĩ thân cận của Đức Phật. Du khách đến chùa thường chạm vào pho tượng để mong lành bệnh. Ngôi chánh điện của chùa cũng rất nguy nga, mọi người đều có thể vào chánh điện tụng kinh, lễ bái và cầu nguyện. Hàng ngày, mỗi buổi sáng đều có tổ chức một thời khóa tụng niệm do chư Tăng chủ trì. Từ bên trong chánh điện, có một cầu thang hẹp nhỏ dẫn tới một hành lang hoàn toàn tối đen. Trong hành lang này, các tín đồ cố gắng chạm vào một cái chìa khóa kim loại treo trên tường để mong đạt được sự giác ngộ. Chìa khóa ấy biểu trưng cho nhân tố cốt lõi để được vãng sanh Cực lạc phương Tây của Đức Phật A Di Đà.
Trong giai đoạn Sengoku (giữa thế kỷ thứ XV đến thế kỷ thứ XVII), khi chùa Thiện Quang tham dự vào các cuộc chiến tranh giữa Uesugi Kenshin và Takeda Shingen, vị trụ trì sợ nó sẽ bị thiêu rụi nên đã xây dựng một ngôi chùa Thiện Quang mới, ngôi chùa ấy bây giờ gọi là Kofu, tồn tại cho đến ngày nay.
Năm 1598, Toyotomi Hideyoshi chuyển pho tượng bí mật của chùa đến Kyoto, và sau đó đến Shinano. Cuối cùng thì pho tượng bí mật và ngôi chùa Zenkoji được chuyển về lại Nagano.
Chùa Thiện Quang là một trong những điểm hành hương, du lịch chính ở Nagano, mỗi năm đón tiếp hàng triệu lượt khách đến thăm. Chùa mở cửa cho tất cả mọi người, và người ta tin rằng, nếu có thể đến thăm chùa Thiện Quang một lần trong đời thì sẽ đảm bảo là được vãng sanh Cực lạc. Ngôi chùa đã được phát triển trên cơ sở của niềm tin được phổ biến từ thời cổ đại này, và ngày nay vẫn nhộn nhịp du khách.
___oOo___
Minh Nguyên , (Theo www.zenkoji.jp/english)
Các tin tức khác
- Nét đẹp kiến trúc chùa Khmer ở An Giang (26/09/2017 2:03)
- Hang Maha Pasana Guha - nơi kết tập kinh điển lần thứ 6 (23/09/2017 2:46)
- Đến Nhật Bản tham quan chùa Kiyomizudera (22/09/2017 2:56)
- Đến Thái Lan thăm Tháp Phật ở Wat Ratchaburana (18/09/2017 3:06)
- Ngôi già lam cổ tự Kyaik Pun ở Bago, Myanmar (16/09/2017 3:07)
- 3 nghệ sĩ chia sẻ chuyện ăn chay (16/09/2017 2:51)
- Hàn Quốc: Ngôi cổ tự Heungguksa, địa chỉ lịch sử về truyền thống hộ quốc (14/09/2017 2:06)
- Hành trình trên đất Phật (13/09/2017 2:48)
- Ngắm ngôi chùa cổ có vẻ đẹp bất tử với thời gian (12/09/2017 3:17)
- Vẻ đẹp lộng lẫy của chùa Phật vàng Thái Lan ( 9/09/2017 11:27)