Sống chậm để yêu thương

25/11/2013 10:57
Bạn trẻ thân mến! Trong lúc uống trà sáng nay, tôi cảm thấy thương bạn trẻ. Sống sâu sắc từng giây từng phút trên đời này có mấy người làm được đâu! Đa số bạn trẻ dễ bị lôi theo thói quen lăng xăng, lật đật, lo lắng, lãng quên.

Hôm qua thứ Bảy, tu viện thật vắng người! Tất cả thiền sinh đã trở về với đời sống của họ, nhưng vẫn có một số bạn trẻ tới thăm tu viện, có ba bạn người Việt, một bạn người Tây Phương. Tôi tiếp đón các bạn trẻ, mời họ đi thăm đường thiền hành chạy quanh cánh rừng. Đi chưa được bao lâu, họ đã muốn trở về tu viện. Cả bốn bạn trẻ này nằm dài trong thiền đường. Họ nói rằng:

Thầy hướng dẫn buông thư cho bọn con đi! Please help us relax!

Sẵn có tình thương cho bạn trẻ, tôi hướng dẫn sơ về thiền buông thư và mở nhạc thiền tiếng Anh cho các bạn này nghỉ ngơi. Có lẽ, các bạn này thiếu nghỉ ngơi, cuộc sống đã làm cho họ mệt nhoài, căng thẳng, hết năng lượng... Cuộc sống của các bạn này là một cuộc chạy loanh quanh, là một chuyến đi tìm hạnh phúc vô định và họ không biết cách trở về tìm lại chính mình. Tội nghiệp cho họ quá! 

Tôi thích câu hát của anh Trinh Công Sơn: 

“Về đâu cuối ngõ
 Về đâu cuối trời
 Xa xăm tôi ngồi
 Tôi tìm lại tôi.” 

Tôi tạm dịch ra tiếng Anh cho các bạn trẻ này. 

“Where am I going to the end of the road?
 Where am I going to the end of the horizon?
 In the vastness, I just sit
 So that I can look for myself.” 

Trong lúc các bạn trẻ buông thư, tôi xuống bếp nấu nước sôi chế mì gói. Khoảng 20 phút sau, tôi mời các bạn thức dậy ăn mì. Vừa ăn xong tô mì thì có thêm hai người bạn khác đến tu viện và đồng một cái, họ kéo nhau đi ngay. Có thể, các bạn này hẹn hò với nhau đi chơi đâu đó ở vùng này, luôn tiện họ ghé thăm tu viện. Họ đến rồi đi như một cơn gió! 

Còn lại một mình, tôi trở về với bước chân. Tôi đi vào rừng theo con đường thiền hành. Con đường này thật yên tĩnh, xanh tươi, có rừng sồi, có rừng thông, có hoa lá, có ong bướm... Từng bước, tôi an trú trên bước chân, cảm nhận lòng đất và thấy tâm hồn vui vui. Vui vì tu viện là nơi cho mọi người trở về khi mệt mỏi. Về đây ai cũng có cảm giác trở về nhà, về cõi bình an, và tôi có cơ hội chăm sóc cho mỗi người. Vui là tôi có thể đi từng bước thảnh thơi.       

Tôi thực tập tìm lại mình trong từng giây phút trên mỗi bước chân, mỗi hơi thở. Tôi nghĩ không có cách nào dễ hơn. Nói như thế không phải tôi muốn ca ngợi pháp môn đâu mà có nghĩa là tu tập có nhiều pháp môn, nhưng hơi thở và bước chân dễ thực tập nhất. Đi đâu, chỗ nào, hơi thở và bước chân cũng có mặt như người bạn thân thiết. 

Tôi tập sống chậm lại để thở, giúp bàn chân chạm thiệt vào lòng đất, “lắng nghe nhịp đập của trái tim, lắng nghe nhịp chảy của cuộc sống”, nhìn rõ mặt thiên nhiên, hoa lá, người thân. Tôi tập sống chậm để yêu thương, trân quý sự sống thêm một chút nữa. Bác sĩ bảo: “Có thể tôi không sống được bao lâu.” Tôi không sợ hãi, không lo lắng! Ai mà biết được chuyện tương lai. Trái lại, tôi trân quý từng ngày, yêu từng ngọn lá, từng tia nắng, từng cụm mây. Mỗi ngày, tôi đều ngồi thiền thật nhiều lần để trị liệu bệnh tật và thưởng thức sự sống. Tôi thích ngồi thiền buổi sáng chiều ở ‘hiên trăng lên’ nơi cốc Ngồi Yên của Sư Ông. Tôi thích câu nói của bạn: “Chậm lại để không hời hợt, chậm lại để nuôi chín cảm xúc, để nhận ra điều gì thực sự là cốt lõi, điều gì chỉ là thoáng qua… Chậm lại để nhìn lại. Chậm lại để… nhanh hơn.” 

Nhờ chậm, tôi bắt gặp được chính mình. Bắt gặp chính mình là gặp sự sống. Bắt gặp sự sống thì còn có gì đẹp hơn nữa đâu, hởi bạn! Bạn trở thành người tình của sự sống. Bạn trở thành người tình của thiên nhiên. Bạn có một tình yêu sâu thẳm (intimate love) với thiên nhiên và con người. Bạn yêu từng ngọn lá, từng nụ hoa, mỗi giọt nắng, từng cơn mưa, từng ánh mắt, mỗi nụ cười... Làm sao cảm giác cô đơn, trống trải có mặt trong tâm hồn của một người sống hết cả tâm hồn! Hôm trước, hoa quỳnh biểu lộ hết cả cái đẹp tinh khiết của nó, và tôi đã ngồi chơi với hoa quỳnh hết lòng từ chín giờ đêm đến hai giờ sáng. Đó là một cuộc hội ngộ nhiều cảm nhận yêu thương, trân quý. Cái gì càng mong manh, càng tươi đẹp, càng trân quý. 

Hôm nay, tôi nghe Sư Ông giảng lại về kinh ‘chiếc lưới ái ân’. Ái ân là một cái lưới lớn có thể vớt bạn lên như vớt một con cá. Con cá bị mắc lưới xem như là xong đời. Nó sẽ bị người ta nấu nướng để ăn. Người tu bị mắc lưới ái dục sẽ bị nướng trong lửa dục vọng và đam mê. Người đời tuy đã có gia đình cũng có thể bị mắc lưới ái ân như con cá bị mắc lưới. Dính vào lưới ấy là khổ đời bạn mà còn làm tan nát gia đình. Chiếc lưới ái ân này không chừa ai đâu. 

Bạn trẻ hãy cẩn thận nhé! Lòng ân ái, tâm dục vọng của con người không bao giờ thỏa mãn được đâu! Tuy nhiên bạn không nên phủ nhận, đè nén, lên án năng lượng ái ân mà chỉ nhận diện, mỉm cười với nó. Hãy nhớ nguyên tắc càng xa lánh ái dục, càng khát khao nó, càng đè nén ái dục, ái dục càng mạnh mẽ, bạn hãy xem nó là người bạn để bảo vệ tình yêu và hạnh phúc. Ái ân có thể trở thành năng lượng chăm sóc, kính trọng, yêu thương giống như bùn làm ra sen, rác thành hoa... Phương pháp là mỉm cười, gọi tên, nhận diện. 

Bạn có biết không? 

Thỉnh thoảng, tôi cũng nhớ mẹ, em, gia đình, bạn bè và quê hương. Có lúc nỗi nhớ thật mạnh, thật da diết! Làm người không thể nào không có sự nhớ thương mà tôi là con người bằng xương, bằng thịt, có con tim và có tâm hồn, vì vậy nhớ thương là chuyện tự nhiên. Quan trọng là gửi nỗi nhớ vào trong nắng ấm, thở với nó, cười với nó, đi chơi với nó thì nỗi nhớ sẽ sâu sắc, và đời sống có ý nghĩa. Tôi không muốn mình trở thành tảng băng lạnh giá hay khúc gỗ khô khan... Sống không có tình cảm thì đời sống chán lắm! Tôi muốn nói nhỏ điều ấy với người xuất gia trẻ. Tôi học cách chấp nhận tình cảm của mình, tập sống thật với tất cả con người và không xua đuổi bất cứ một tình cảm nào, tâm tư nào, ý nghĩ nào. Vì thế, tôi cảm thấy thực sự an lành trong thân tâm. 

Tôi thích ngồi chơi với thiên nhiên để nghe chim ca, nhìn con sóc nhảy, ngắm hoa lá, chiêm ngưỡng rừng cây... Tôi thấy rõ mình không sống lẽ loi cô độc trong khu rừng này mà đang sống chung với thiên nhiên và muôn loài. 

Bạn hãy thử mở tâm hồn ra để thiên nhiên đi vào. Hãy cảm nhận sự sống với tất cả nguồn năng lượng của nó thì thế nào tâm hồn bạn sẽ ấm lên.

Những giọt yêu thương sẽ tuôn chảy từ mạch tâm hồn của bạn, và bạn sẽ hết cô đơn ngay. Bạn làm được mà!
 
Chúc bạn một ngày vui.

 

Thầy Chân Pháp Đăng (Làng Mai)

Các tin tức khác

Back to top