Giới trẻ háo hức lên chùa học tu

9/06/2013 5:59
Nhân dịp nghỉ hè, thay vì đến các khu giải trí sầm uất, nhiều bạn trẻ hiện nay tìm đến với nơi cửa Phật, một chốn bình yên, thanh tịnh để học đạo, tu thân.

Cửa chùa hoan hỉ

Nhân các ngày lễ như tết Nguyên đán, lễ Vu Lan hay vào dịp nghỉ hè, tại các chùa hiện nay thường xuyên tổ chức một số khóa tu ngắn hạn dành cho những người yêu mến đạo Phật. Đến với các khóa tu này, khóa sinh sẽ được lắng nghe những bài thuyết giảng của các sư thầy về đạo lí làm người, về lời Phật dạy cũng như bàn luận về một số vấn đề nhức nhối trong xã hội đang ảnh hưởng đến người trẻ. Bên cạnh đó, các khóa sinh còn được tham gia vào các hoạt động của nhà chùa như ăn chay, niệm Phật, giao lưu văn nghệ…

Những khóa tu như thế này xuất hiện trong vài năm trở lại đây, bắt nguồn từ một số chùa trong TP HCM mà nổi tiếng nhất là chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn – TPHCM). Vào các khóa tu mùa hè, có đợt lên tới 5000 người tham dự và hầu hết là các bạn thanh thiếu niên tuổi từ 15 đến 22. Hay là một số chùa tại Hà Nội như chùa Duệ Tú (Cầu Giấy – HN), chùa Bằng A (Hoàng Mai – HN), mỗi khóa tu đều tiếp nhận 200 – 800 khóa sinh. Đông như vậy nhưng các sư thầy đều có cách tổ chức, sắp xếp hết sức chu đáo, luôn đảm bảo sự trang nghiêm chốn nhà chùa.

Mỗi khóa tu chỉ kéo dài chừng 3, 4 ngày cho đến một tuần, nhưng trong khoảng thời gian đó có rất nhiều hoạt động, vì vậy, các khóa sinh đều phải tuân thủ giờ giấc, qui định của nhà chùa. Từ việc dạy đúng giờ, dọn dẹp chỗ ăn, ngủ cho đến các nội quy khác như không sử dụng điện thoại di động, không dùng máy tính, máy nghe nhạc, không mang theo trang sức đắt giá… Các khóa sinh đều phải tuân theo những qui định này mới được nhà chùa tiếp nhận nhằm đảm bảo hiệu quả cho khóa tu, tránh lãng phí thời gian cho khóa sinh và nhà chùa.

 

Tâm an - trí sáng

Bước vào cửa Phật, các bạn được hiểu hơn về đạo lý làm người, về lối sống chan hòa, biết hiếu lễ với cha mẹ, thầy cô. Có những bạn trước khi tham gia khóa tu từng là những con nghiện game online nhưng sau khi được cha mẹ gửi vào chùa, các bạn đã dần thoát khỏi vòng u mê, tìm lại chính mình.

Bạn Minh Thanh (HVKTQS) chia sẻ: “Mình hay tham gia các khóa tu mỗi khi có điều kiện. Trò chuyện với các sư thầy, sư cô giúp mình hiểu thêm về cuộc sống, biết cách điều chỉnh những tính cách như hay cáu giận, bực dọc, cãi lời cha mẹ… Mấy ngày ở chùa mình cũng hạn chế thức khuya, xem phim và dùng máy tính nhiều nữa”.

Bên cạnh những người đến đây dựa trên tinh thần tự nguyện, cũng có không ít bạn trẻ là do bố mẹ bắt ép đến với mong muốn con cái được các thầy chỉ dạy điều hay và không lãng phí ngày nghỉ vào các hoạt động vô bổ khác. Tuy nhiên, chính điều đó cũng khiến các bạn không thực sư “mặn mà” khi đến với khóa tu.

Có những bạn háo hức đến chùa chỉ vì được sống vài ngày xa bố mẹ, được gặp bạn bè mà không có gia đình quản thúc.

Trong các buổi pháp đàm, thuyết giảng tại chùa, các bạn nói chuyện riêng, đùa cợt, trêu ghẹo nhau khiến các sư thầy phiền lòng và ảnh hưởng đến sự trang nghiêm nơi cửa Phật.

Cuối cùng, những gì họ nhận lại được chỉ là con số không. Khi họ trở về với gia đình mà không hề có sự thay đổi tích cực nào thì liệu những người khác sẽ nghĩ gì về khóa tu? Chính họ đang khiến cho các khóa tu chưa thực sự đem lại hiệu quả mà thậm chí còn làm ảnh hưởng đến danh tiếng của nhà chùa.

Trong chốn cửa Phật trang nghiêm, những khóa tu được tổ chức nhằm giúp các bạn trẻ nói riêng cũng như những người yêu mến đạo Phật nói chung được tiếp xúc với giáo lý nhà Phật, để các bạn cảm nhận được sự thanh tịnh giữa cuộc sống bộn bề lo toan. Nhưng để đạt được điều đó đòi hỏi mỗi người tham gia cần có cái tâm chân thật và thành kính.\

Nguồn: Tiền Phong Online

Các tin tức khác

Back to top