Ý muốn nhắc, người học đạo nhớ việc bổn phận là phải soi sáng lại chính mình. Cũng là để cho mỗi người chuyển những lời kinh, những điều học hỏi từ nơi Đức Phật, từ chư Tổ hoặc từ thầy trở thành hiện thực nơi chính mình. Phải biến những lời kinh trong văn tự chuyển thành những lời kinh sống ngay trong cuộc sống của mình. Đó là chúng ta khai thác được tâm Phật, chính đó là bản ý của Phật ra đời.
Khi hiểu đúng thì mình tu đúng. Mỗi ngày càng tu càng an vui, bớt phiền não và đến gần với đạo. Nếu không như vậy thì bỏ mất thời gian qua suông rất uổng phí.
Mã Tổ - Đạo Nhất ban đầu thường ngồi thiền mà chưa tỏ ngộ. Lúc đó, Thiền sư Nam Nhạc - Hoài Nhượng thấy, muốn cảnh tỉnh nên đến phía trước ngài Đạo Nhất mài gạch tới lui hoài. Ngài Đạo Nhất đang ngồi thiền thấy Thiền sư sao cứ ngồi mài gạch, liền xả thiền ra hỏi: “Thầy mài gạch để làm gì vậy?”. Thiền sư đáp: “Mài gạch để làm gương”.
Quý vị nghĩ làm sao mài gạch thành gương được? Ngài liền hỏi ngược lại: “Mài gạch làm sao có thể thành gương được?”. Ngài Nam Nhạc bảo: “Như vậy, ngồi thiền cũng đâu có thể thành Phật được? ”. Đạo Nhất mới hỏi: “Vậy thì làm thế nào mới phải? ”. Ngài Nam Nhạc nói: “Cũng như con trâu kéo chiếc xe, nếu xe không đi thì đánh chiếc xe là phải hay đánh con trâu là phải?". Ngay đó, ngài Đạo Nhất tỉnh ngộ.
Chúng ta tu hành cũng vậy. Khi con trâu kéo xe, xe không đi thì đánh chiếc xe hay là đánh con trâu? Đôi khi chúng ta tu có bị lộn ngược hay không? Có lo đánh chiếc xe mà không đánh con trâu chăng? Câu chuyện trên muốn cảnh tỉnh mỗi người là con trâu tức là tâm mới biết giác ngộ, còn xe tức là thân tứ đại là vật vô tri đâu có biết giác. Nhiều khi chúng ta tu cứ ép xác nhưng không lo chuyển tâm. Chính tâm là căn bản. Phiền não cũng từ nơi tâm mà phiền não, giác cũng từ tâm mà giác ngộ. Chúng ta phải soi sáng lại tâm mình, để thấy rõ tâm có phiền não, mê lầm nhiều ít, từ đó chúng ta mới chuyển tâm, đó mới là yếu chỉ để tu hành.
Có lần, Thiền sư Lâm Tế dạy: “Sắc thân bốn đại của các ông, nó không biết nói pháp, không biết nghe pháp. Tỳ, vị, gan, mật cũng chẳng biết nói pháp, nghe pháp. Nhưng chính cái gì biết nói pháp nghe pháp? Là một cái đang sáng tỏ hiện bày rành rõ trước mắt ông đây, cái đó mới biết nói pháp, nghe pháp. Nếu mà thấy được như vậy thì liền cùng Phật Tổ không khác”.
Đây, Ngài Lâm Tế cũng dạy chúng ta soi lại. Hiện giờ quý vị đang ngồi đây nghe pháp, thì cái gì nghe? Tim, gan, tỳ, phổi v.v… mấy thứ đó đâu có biết nghe pháp. Cái biết nghe pháp rõ ràng đang hiện tiền đây, cái đó là chân lý sống, là cái hiện thực. Mỗi vị ngồi đây có ai thiếu việc này không? Đã có đủ hết mà không chịu giác là sao? Đây là điều đáng buồn, đáng tiếc!
Thế nên, chư Phật, chư Tổ ra đời để nhắc nhở đánh thức chúng ta thấu hiểu rồi tỉnh trở lại rằng lẽ thực sẵn đủ nơi mọi người, tin chắc mọi người đều có thể giác ngộ.
Trích "AI CŨNG CÓ MỘT TÂM PHẬT" - TT. Thích Thông Phương
Các tin tức khác
- Nhân quả như hình với bóng (24/09/2019 6:21)
- Sợ chưa? (23/09/2019 8:36)
- Bài học nhắn nhủ từ vị bác sĩ (23/09/2019 8:12)
- Tinh thần bất an là từ đâu? (21/09/2019 8:17)
- Buông bỏ những oán hận chất chứa trong lòng (21/09/2019 5:58)
- Luôn nhìn thấy lỗi ở người khác (20/09/2019 6:19)
- Ai là bạn chân thật (19/09/2019 6:10)
- Ý nghĩa của việc làm công đức (18/09/2019 6:14)
- Tích đức bằng những việc đơn giản trong cuộc sống (17/09/2019 6:21)
- Quan điểm của đạo Phật về việc ly hôn (16/09/2019 9:01)