Một số cách thực hành vị tha theo quan điểm Phật giáo

27/09/2019 6:03
Học cách sống vị tha không phải dễ. Tha thứ cho kẻ thù của mình lại càng khó gấp bội. Khi ta tỏ ra bao dung trước tội lỗi của kẻ thù chính là ta đang tự chiến thắng bản thân mình. “Tha thứ là bông hoa thượng hạng của chiến thắng” (Arixtot) Người chưa từng biết tha thứ cho kẻ thù thì chưa từng nếm một trong những thú vui tuyệt trần của thế gian.
Tu tập Tứ vô lượng tâm: Từ, bi, hỷ, xả là phương pháp tối ưu giúp chúng ta chuyển hóa hoàn toàn hạt giống sân hận trong tâm, cởi bỏ oán kết, trải rộng tình thương, làm lan tỏa năng lượng từ bi đến với mọi người dù đó là đối tượng làm cho ta sân hận. Như vậy, ta sẽ mở rộng lòng, hướng thiện và vị tha hơn.

Hướng thiện: Việc quán nhân duyên, nghiệp báo cũng giúp chúng ta dứt trừ sân hận. Khi nghĩ rằng tất cả những gì xảy đến với chúng ta đều có nhân duyên cả, từ đó chúng ta dễ dàng chấp nhận những điều không như ý. Chúng ta biết rằng thái độ buông xả, chấp nhận trả nghiệp báo và không tiếp tục tạo nhân bất thiện là một thái độ sáng suốt. Trong kinh Pháp cú, Đức Phật đã dạy rất nhiều về điều đó: “Nó lăng mạ tôi, đánh đập tôi, phá hoại tôi, cướp đoạt của tôi”, ai bỏ được tâm niệm ấy thì sự oán hận tự dứt”, cũng dễ dàng mở lòng tha thứ, không sân si với đời.

Học chữ nhẫn, không sân si với luân thế vô thường: Trong kinh Pháp cú, Đức Phật dạy:

“Người kia không hiểu rằng: tất cả mọi người đều sẽ bị hủy diệt bởi luật vô thường, cho nên mới phí sức tranh luận hơn thua. Nếu họ hiểu rõ điều đó thì chẳng còn tranh luận nữa”. Khi quán niệm lời Phật dạy, thấy rằng ai rồi cũng sẽ chết, mọi sự hơn thua chẳng có nghĩa lý gì. Tức giận để làm gì? Hơn thì sao? Thua thì sao? Tại sao không để cho lòng thanh thản, sống vui vẻ mà lại gây thêm phiền phức, làm cho cuộc sống bị xáo trộn, bất an. Hãy để dành thời gian, hơi sức làm những việc có ích cho bản thân và cuộc đời.

Phương pháp chính niệm: Ý thức rõ cơn giận đang có mặt trong tâm. Việc nhận biết sự hiện diện của cơn giận giúp chúng ta kiểm soát nó trước khi nó chế ngự tâm trí chúng ta. Nếu hướng tâm chú ý đến đối tượng làm cho chúng ta tức giận thì cơn giận trong ta càng thêm lớn. Nhưng nếu hướng tâm vào bên trong, quán sát, theo dõi cơn giận, cảm xúc giận dữ của mình thì cơn giận trong ta sẽ dần dần lắng xuống. Trong pháp quán Tứ niệm xứ, Đức Phật đã dạy các thầy Tỳ-kheo quán tâm ở nơi tâm bằng cách thức đó. Hành giả theo dõi tâm mình, biết rằng tâm có tham khi tham khởi lên, biết rằng tâm có sân khi sân khởi lên, biết rằng tâm có si khi si khởi lên. Hành giả luôn chánh niệm tỉnh giác.

Phương pháp quán niệm hơi thở cũng giúp chúng ta làm chủ cơn giận. Mỗi khi tức giận, nên hít thở sâu, hơi thở chậm, đều, êm, nhẹ, để tâm ý tập trung theo dõi hơi thở vào, hơi thở ra. Biện pháp này giúp tâm lý ổn định, chúng ta có được sự bình tĩnh, có bình tĩnh mới đủ sáng suốt để xem xét sự việc và có cách giải quyết, ứng xử phù hợp. Bình tĩnh và làm chủ bản thân, cảm xúc cũng sẽ khiến bạn trở nên bao dung hơn, rộng lòng hơn.

Một tâm hồn tốt hiền thiện thì cuộc sống tự thân an vui thánh thiện, và mọi người xung quanh cũng tránh được khổ đau lại được an vui theo. Đạo đức Phật giáo được cô đọng trong bài kệ sau:

Không làm các việc ác
Làm các việc lành
Giữ tâm ý trong sạch
Đó là lời Phật dạy.

Khổng Tử dạy rằng “tiên trách kỉ, hậu trách nhân” (trước hãy trách mình, sau mới trách người khác). Người sống vị tha thường xét mình một cách nghiêm khắc và xét người khác một cách nhân ái, bao dung. Khắc khe với chính mình cũng là một trong những cách tiêu diệt lòng ích kỉ và xây dựng tính vị tha.

Có người tưởng tượng lòng vị tha giống như một khu vườn. “Vị tha” trong suy nghĩ là đất, “vị tha” trong lời nói là hoa và “vị tha” trong việc làm là quả. Từ lúc vun trồng cho tới khi ra hoa kết quả, lòng vị tha phải trải qua quá trình nuôi dưỡng lâu dài.

Tuy nhiên, việc gì cũng có giới hạn nhất định. Cái gì “quá” cũng không tốt. Vị tha không có nghĩa là hy sinh một cách mù quáng, nhắm mắt bỏ qua tất cả mọi tội lỗi. Đó gọi là ngu dốt. Hành động vị tha phải dựa trên sự dẫn dắt của lí trí. Trước những thử thách của cuộc sống hiện nay, ta cần phân định rõ đâu là ranh giới giữa đúng và sai. Từ đó lựa chọn cho mình một cách cư xử phù hợp. Phẩm chất thì không có chuẩn mực. Mỗi người phải có toà án lương tâm để định hướng cho hành động của mình. Nghĩ tới người khác không đồng nghĩa với việc tự lãng quên bản thân. Biết bảo vệ quyền lợi cá nhân không có nghĩ là đạp đổ hạnh phúc của người khác. Vị tha và ích kỉ cần áp dụng và hạn chế cho phù hợp. Làm được điều đó cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. “Thêm một chút vị tha và vứt đi một phần ích kỉ sẽ thấy cuộc sống là màu hồng”…

Những người trẻ, nhất là người trẻ hiện đại ngày nay, tư tưởng vị tha của nhà Phật sẽ được tiếp cận và phổ biến như thế nào, bằng cách nào? Ở một số quốc gia phát triển Phật giáo như Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Bhutan, Srilanca, Lào…cuộc sống của người dân hầu như gắn bó máu thịt với hơi thở của Phật giáo, kinh Phật đã đi vào đời sống các tầng lớp nhân dân, ngay từ khi còn thơ bé. Có những nước trẻ em đã ở chùa, được nuôi dạy và giáo dục trong chùa trước khi đi học. Thanh niên sống ở chùa và làm các công việc của chùa trong một khoảng thời gian nhất định trước khi lập gia đình. Nhưng với Việt Nam, tình hình không như vậy.

Bởi vì ở đây, các Phật tử chủ yếu là người đã đứng tuổi. Người trẻ đa số biết đến Phật giáo qua những người phụ nữ, người già trong gia đình, và cũng thường chỉ trong một số ngày lễ nhất định trong cả năm, như Tết nguyên đán, ngày rằm, mùng Một , lễ Vu lan báo hiếu…Các nghi thức không nhiều, ý nghĩa có khi còn bị hiểu sai lệch. Những thanh thiếu niên hiện nay có nhiều mối quan tâm đối với việc học hành, công tác, kiếm tiền, bè bạn, tụ tập, công nghệ thông tin với cuộc sống số…Số lượng người theo Phật giáo, có chút ham mê hay đơn giản chỉ là tò mò nghiên cứu giáo lý nhà Phật là khá khiêm tốn.

Khắc phục tình trạng đó, nhiều ngôi chùa Việt Nam đã tổ chức những khóa tu ngắn hạn cho các học sinh, thanh niên, sinh viên theo tổ chức liên kết với trường, lớp, gia đình hoặc đăng ký cá nhân. Nội dung những khóa tu này rất thiết thực, từ việc rèn luyện nếp sống thường nhật sao cho khoa học, tránh sự biếng lười, rèn luyện thân thể sao cho khỏe mạnh, thì có nội dung không thể thiếu là dạy cách đối nhân xử thế, dạy những giáo lý Phật giáo sơ đẳng, đặc biệt trong đó luôn nhấn mạnh lòng vị tha. Thương cha, mẹ, người thân, bè bạn, thầy cô, yêu đất nước; chăm lo học tập chuẩn bị hành trang vững chắc cho tương lai, sống là người lương thiện, biết chia sẻ, cảm thông, giúp đỡ, hy sinh và tha thứ, kỹ năng kiềm chế và kiểm soát được cảm xúc và hành vi, tránh nóng giận mất khôn và luôn nhường nhịn…

Phật giáo luôn khuyến thiện, khuyên con người tu nhân tích đức. Những việc làm cụ thể như: Tổ chức các đợt thiện nguyện, quyên góp cho đồng bào bị thiên tai vùng bão lụt, lũ quét, sạt lở đất…góp phần xây dựng trường học, bệnh xá, đường giao thông, nhà tình nghĩa, trao quà Tết, lập các quỹ Nhân ái, hỗ trợ bệnh nhân hiểm nghèo, giúp đỡ các gia đình chính sách, neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn ...Đó cũng là những việc làm thiết thực nhằm rèn luyện, vun trồng lòng vị tha cho các bạn trẻ. Những việc làm này có thể được phối hợp giữa các đoàn thể, tổ chức, nhà trường như Đội thiếu niên, nhi đồng, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên…cũng có khi được các cá nhân, các nhóm tự nguyện thành lập và hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự giác. Dù dưới hình thức nào, việc bồi dưỡng lòng vị tha cũng không bao giờ là thừa và là muộn, nhất là đối với thế hệ trẻ ngày nay.


Minh Chính

Các tin tức khác

Back to top