Nghệ thuật buông xả

6/09/2013 2:18
Dòng cảm xúc hận thù tùy thuộc rất nhiều vào thái độ sống và tâm lý ứng xử của con người. Cũng trong một biến cố, nỗi khổ niềm đau như nhau, thế mà có người có thể quên đi trong vòng vài ngày, có người vài năm, có người vài mươi năm, có người mang theo đến đời sau, khi sanh ra tiếp tục mang hận thù mà mình không hề biết tại sao mình lại hận thù họ.

Có những giao thoa từ hận  thù  tạo  ra sự tắc nghẽn trong mối quan hệ đối  tác. Điều này đã làm cho rất nhiều người bị khổ đau kéo dài từ đời này sang kiếp nọ. Để có trạng thái an lạc, thảnh thơi, đức Phật dạy hãy chuyên tâm thực hành buông xả. Nếu muốn giảm tối thiểu lòng hận thù thì phải trưởng dưỡng sự buông xả một cách có ý thức và có nghệ thuật.

Sự buông  xả  được ví như cách ta xé mảnh giấy nợ của ân oán giang hồ giữa  ta và người. Người tạo ra khổ đau  có thể  nghĩ rằng họ làm vì công bằng, hoặc không  có lựa  chọn nào khác; trong khi đó ta là nạn  nhân  hoàn toàn bị động.  Cái chết ập đến, khổ đau  chầu chực,  bất hạnh có thể  diễn  ra với ta theo  cách thức này hay  cách thức khác dưới sự chủ đạo ý  thức  của người kia, do đó nỗi khổ niềm đau  của ta dễ dàng  gia tăng.

Buông xả được  thiết  lập thì món nợ được an bài. Nếu mạnh dạn xé đi giấy nợ, thì tâm ta sẽ được thoải mái, an lạc. Còn giữ nó  là đang  nuôi ong  tay áo, có ngày  bị  chích  đau điếng; hoặc như đang giữ ngọn  lửa trong căn nhà,  có thể  tạo  ra hỏa hoạn.

Trong sự thiêu cháy của lòng sân. Kẻ thù chưa chắc đã bị đốt, trái  lại, người ôm hận đang nỗ lực có ý thức thiêu đốt chính mình và  người thân. Truyền dòng cảm xúc hận thù đó cho người thân hay  bất kỳ ai, thì hận thù tiếp nối hận thù không tháo gỡ được. Trong kinh Đại Bảo Tích, đức Phật đưa  ra ẩn dụ về con khỉ  đang nhảy từ cành này sang cành khác, bất thình lình, cành cây  gãy, nó bị rơi xuống đầm lầy. Nó càng vẫy vùng thì càng bị chìm  sâu, cho đến lúc không còn đủ sức để vẫy vùng nữa thì chết. Đức  Phật dạy, dòng cảm xúc khổ đau của hận thù cũng như vậy.

Khi ta bị một  mũi  tên của hận thù bắn vào tim thì sự đau nhói  làm cho ta giãy giụa. Đức Phật  dạy  nghệ  thuật  tháo  gỡ bằng  cách  đừng  dùng  đuôi  của mũi  tên  để kéo ra, vì kéo như vậy mũi  tên theo thế nghịch sẽ xé  da thịt  bên trong. Tốt nhất phải chịu đựng,  có bản  lãnh cầm  lấy mũi  tên  bẻ gãy phần đầu, sau đó mới  dùng  hết sức bình sinh, rút mũi  tên ra. Chịu đau một chút nhưng sau đó ta còn  có cơ hội  để chữa lành. Nếu lúc đó ta vội vàng giãy giụa,  muốn  trả đũa, thể hiện tất cả nỗi khổ niềm đau, là chính ta đã tự  biến mình thành  nạn  nhân  lần thứ hai. Mỗi lần tâm niệm  hận thù xuất hiện thì ta trở thành nạn nhân  lần nữa, dẫn đến tự hoại  lần hồi mà không hay. Như  vậy, ý  thức về tác nhân  gây ra khổ đau  là  nguyên nhân sinh ra nỗi hận thù rất lớn.

Để xóa bỏ hận  thù có hiệu quả,  trước nhất hãy quán  tưởng  không có tác nhân gây ra. Dù họ có cố ý hay vô tình cũng không  thành vấn đề. Quán như vậy, để  ta không gieo hận  thù. Nếu  không buông xả thì mắt xích khổ đau giữa ta và người sẽ gút  mãi,  sau đó nhân  lớn  vòng mắt  xích này  liên  thông qua gia  đình mình, dẫn đến hễ ghét người nào là ghét luôn cả dòng họ.

Từ một  cảm  xúc của khổ  đau  nhỏ nhoi biến thành một vùng từ trường ảnh hưởng  lây lan rất lớn,  đến  độ gặp những người không hề liên  can  trực  tiếp ta vẫn cảm thấy khó chịu  khi biết được giữa  họ  có cùng  ý thức  hệ, quan  điểm, khuynh hướng trong cuộc sống.

Như vậy, tác nhân  của nỗi khổ niềm  đau, dưới  góc độ tâm lý  trị  liệu, không  phải do kẻ thù,  mà chính nạn nhân không buông bỏ được  cảm giác hận thù tạo ra. Vì vậy sự trả đũa không phải là giải pháp lâu dài. Trong kinh Pháp Cú có câu:

Hậnthù diệt hận thù

Đời này không  được

Từ bi diệt hận thù

định luật nghìn thu”.

Chỉ  có tình thương, lòng  từ bi, sự tha thứ  mới  có thể  chấm dứt hận thù một cách vĩnh  viễn. Đây là quy luật của muôn  đời, nghĩa là nó  không chỉ có giá trị trong hiện  tại mà còn tiếp tục có giá trị vĩnh  viễn trong tương lai.

Để tháo gỡ lòng hận thù, thực tập pháp quán không có tác nhân tạo ra khổ cho mình, sẽ có hiệu quả nhanh chóng và lâu dài. Không nên nghĩ rằng “Tôi cần phải trả thù vì tôi yêu nước, hoặc là tôi phải trả thù vì lòng hiếu thảo đối với cha mẹ đã qua đời”. Tư duy về tác nhân là một trong những cách làm cho con người bị bế tắc, trong hướng giải quyết vấn đề toàn triệt. Quán chiếu như vậy để thấy rằng kẻ thù của nhân loại hay kẻ thù của khổ đau chính là lòng tham không đáy, lòng sân như lửa bỏng, sự si mê đắm nhiễm, chứ không phải là con người. Con người chỉ là công cụ của ý thức mà thôi.

Muốn tháo gỡ hận thù  và không gieo rắc khổ đau cho người khác, tốt nhất ta chuyển ý  thức  từ cực đoan trở thành ý  thức khoan dung, rộng mở, biết tôn trọng sự sống.  Có như thế ta mới bước vào và mở rộng  bầu không  gian an lạc  vô cùng tận.

TT. Thích Nhật Từ

Các tin tức khác

Back to top