Giáo dục trẻ em từ một bài học trong kinh điển nhà Phật

3/10/2020 6:10
Phật giáo là một Tôn giáo ra đời cách đây trên 2500 năm và lan tỏa khắp năm châu bốn biển. Càng ngày đạo Phật càng bám rễ và đâm chồi nảy lộc bằng một giáo lý chứa đựng chất liệu từ bi – trí tuệ, ươm mầm cho những hạt giống của sự yêu thương và thấu hiểu cuộc đời.

Từ bài học đạo đức Thế Tôn dạy ngài La Hầu La…

Là người Phật tử, ngay từ thuở nằm nôi đã được mẹ cha trao truyền cho cảm thức nhân văn bằng dòng sữa ngọt ngào, nghe những câu chuyện cổ tích thần kỳ, đêm đêm mơ thấy ông Bụt hiền từ, ngày ngày trông chờ Bụt hỏi thăm khi bị đòn roi ba mẹ quở trách, hay ấm ức khóc nhè lúc bị mắng oan. Tuổi thơ trôi qua, lớn lên chúng ta bước vào đời, ngỡ rằng ông Bụt trong truyện cổ tích Tấm Cám, truyện Thằng Bờm đã biến mất.

Tôi vẫn mãi tin rằng, tiền nhân của chúng ta tiếp thu giáo lý nhà Phật qua các bài kinh và chuyển hóa tinh túy kinh điển bằng những lời dạy mộc mạc chân tình đối với con cái qua ca dao, tục ngữ.

Bài kinh Giáo giới La Hầu La là ví dụ điển hình, chính Đức Phật là người cha luôn dõi theo hình hài con cái, giáo dưỡng con cái không phải bằng Vương quyền mà bằng cả gia tài chứng đạt tâm linh cho người con trai duy nhất của mình, là La Hầu La sau khi ngài thành đạo. Bài học đạo đức đầu tiên là giáo giới lòng trung thực, cái can đảm lớn nhất của con người là nhìn nhận và tôn trọng sự thật, đừng bao giờ nói dối dẫn đến sự ngộ nhận và gây mâu thuẫn.

Đức Phật bảo chú Sa di La Hầu La 7 tuổi tự mình sám hối trong trường hợp phạm tội nói dối. Sau đó, Phật đã chủ động đến thiền thất La Hầu La để dạy bảo. Phật bảo: Con hãy bưng chậu nước sạch đến đây để rửa chân cho ta. Sau khi rửa chân, Phật hỏi La Hầu La: Con có thấy nước rửa chân trong chậu kia không? La Hầu La xác nhận nước đã dơ bẩn rồi. Phật bảo nước ấy không thể dùng nữa vì đã nhiễm bẩn nhơ đục. Cũng thế, ngươi là con ta, cháu nội vua Tịnh Phạn, nay đã xuất gia học đạo giác ngộ giải thoát bỏ sự vui sướng tạm bợ ở đời, làm Thích tử nếu giữ thân miệng ý không trong sạch thì phải bị phiền não tham, sân, si làm vẫn đục tâm ý, cũng như nước dơ kia không thể dùng được!

Sau đó, Đức Phật đổ nước trong chậu ra hết và nói: “Đời người cũng bị vất bỏ đi nếu như cố tình nói dối”. Tiếp đến Phật úp chậu nước lại và dạy: “Đời người cũng bị đảo lộn nếu như người này cố tình nói dối”. Sau cùng, Phật lật ngửa chậu nước lên và dạy: “Đời người sẽ trống rỗng nếu như người đó cố tình nói dối”. Cũng vậy, một người cố tình nói dối, thì không một việc xấu xa nào lại không làm.

Đức Thế Tôn dùng phương pháp giáo dục qua câu chuyện thật, lối diễn giải sống động và dẫn dắt qua hình ảnh chậu nước để dạy cho Tôn giả La Hầu La biết tự phản tỉnh. Ở đây, Thế Tôn chú trọng đến việc hướng dẫn Tôn giả La Hầu La phải biết hành động sao cho đem đến lợi mình, lợi người cho cả hiện tại và tương lai; từ đó dần dần tịnh hóa ba nghiệp thân, khẩu và ý.

Do đó, đã là Phật tử, ngoài việc chúng ta dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ thơ ta còn có thể giáo dục các em qua sự giáo dưỡng ở môi trường sinh hoạt lành mạnh. Như thế, nói đến giáo dục là nói đến hoạt động rèn luyện nhân cách cho con người.

Các trẻ nhỏ có thể trở thành xuất gia học đạo, hành đạo đem lại lợi ích sau này cho đời, đạo.

… Đến phương pháp giáo dục trẻ thơ của nhà Phật

Phật giáo chủ trương việc giáo dục con người là một quá trình có sự vận động, diễn ra trong một thời gian dài, không gian nhất định, có nội dung, có quy luật. Trong ý nghĩa đó, giáo dục Phật giáo được hiểu như là quá trình hình thành nhân cách toàn vẹn được tổ chức một cách có mục đích, có hệ thống thông qua hai hoạt động dạy và học để phát triển các sức mạnh thể chất và tinh thần, giúp trẻ thơ sống vui tươi, khoẻ mạnh, học tốt, sau này có thể tham gia vào việc xây dựng đời sống xã hội.

Theo lý Duyên khởi, các nhà nghiên cứu Phật giáo đã chỉ ra sự hình thành và phát triển nhân cách của con người có tính quy luật theo từng lứa tuổi, bắt đầu từ khi cha mẹ kết duyên và có thai nhi. Mỗi giai đoạn phát triển đều có những đặc trưng riêng biệt, con em chúng ta đều có những bước nhảy vọt về chất – lượng và tạo tiền đề cho sự phát triển ở các giai đoạn tiếp theo. Giáo dục bao giờ cũng hướng vào con người cụ thể với những đặc điểm tâm lý riêng về lứa tuổi, giới tính và những đặc trưng độc đáo trong nhân cách. Phật giáo chủ trương giáo dục con em từ trong thai nhi và cho đến khi lọt lòng, lớn lên và cả trưởng thành với từng nội dung, phương thức giáo dục phù hợp thích ứng từng giai đoạn phát triển của trẻ thơ.

Phật tử trẻ hiện nay còn đóng vai trò người hộ trì chánh pháp.

Không phải ngẫu nhiên, cha mẹ lên chùa nhờ thầy trụ trì cầu chúc an lành cho hài nhi. Cha mẹ cho con tiếp xúc với không gian, tranh ảnh Phật, pháp khí dần dần hình thành thái độ và phương thức tác động vào đồ vật và cách sử dụng. Quá trình tiếp xúc của trẻ thơ và tạo điều kiện cho trẻ thơ tiếp xúc thế giới qua hình ảnh, đồ vật, con người sẽ làm nền tảng cho trẻ lớn lên có kinh nghiệm cư xử đúng với thế giới xung quanh.

Thỉnh thoảng, cha mẹ dẫn trẻ lên chùa, cho trẻ tiếp xúc không gian rộng lớn như vườn tược, hình ảnh chư Phật, chư Tổ qua những bức tượng hiền hòa để trẻ em nhận ra tình thương của chư Phật, chư Tổ. Ðối với những phụ huynh là Phật tử thuần thành thì nên kể những mẫu chuyện Tiền thân đức Phật. Thỉnh thoảng khen thưởng cho quà, hoặc chở trẻ đi chùa tập làm quen với sư thầy, sư cô, tập chào hỏi chư Tăng bằng cách dạy trẻ mở đầu bằng câu “A Di Ðà Phật”, “bạch Thầy”, cúi chào người lớn, nhất là chú ý đến sự lễ phép trong giao tiếp ứng xử của trẻ em. Ngoài giáo dục của gia đình, nhà trường, cha mẹ phải dẫn con lên chùa gần gũi chư Tăng. Sự tiếp xúc này sẽ để lại ấn tượng tốt thông qua lễ lạy, nghe những lời dạy của quý Thầy hết sức đơn giản. Trẻ có thể nghe chư Tăng kể những câu chuyện đạo lý trong Phật giáo về tôn trọng sự thật, sự vâng lời mẹ cha, biết yêu thương đồng loại. Như câu chuyện Sa di La Hầu La nói dối được giáo hóa qua bài kinh Giáo giới.

Khi trẻ bắt đầu bước vào giai đoạn định hình nhân cách và giới tính, với những thay đổi lớn về tâm sinh lý, cha mẹ phải dành nhiều thời giờ chăm lo để các em phát triển theo định hướng của gia đình có nề nếp và gia phong. Gặp dịp sinh hoạt gia đình như bữa cơm, huý kỵ, tiệc mừng sinh nhật, chúc thọ, bậc cha mẹ hãy nói rõ ý nghĩa lễ và khơi dậy tình thương yêu, biết chia sẻ niềm vui với người khác, cũng như giảng rõ về sự bất hạnh đối với ai thiếu tình thương với cha mẹ. Lúc rảnh rỗi, chúng ta nên cho các em đi chùa cùng với gia đình để bước đầu học hỏi giáo lý Phật đà, tuân thủ nề nếp khi quy y và biết sống theo năm giới như một nếp sống đạo đức Phật giáo. Khi cha mẹ đi chùa hành hương thập tự thì nên cho các em đi theo, tiếp cận sự tin yêu, tôn kính ba ngôi Tam bảo, bố thí cúng dường, thực hành việc phước thiện…

Các chùa hiện nay đều có tổ chức thuyết giảng sáng chủ nhật, tu bát quan trai, lớp học giáo lý, đi hành hương, từ thiện, cha mẹ nên tạo điều kiện cho các em tham gia học tập và làm quen với những sinh hoạt ấy. Dần dần, ở các em sẽ hình thành nhân cách tốt đẹp, hoàn thiện lối sống có ích. Trẻ em là đối tượng cần quan tâm hơn bao giờ hết. Nếu là Phật tử, các em còn đóng vai trò người hộ trì chánh pháp, thậm chí trở thành người xuất gia học đạo, hành đạo đem lại lợi ích sau này cho đời, đạo. Vì thế, chúng ta phải có trách nhiệm với trẻ thơ, không chỉ ở phạm vi gia đình, nhà trường, nhà chùa mà cả xã hội nữa.



Các tin tức khác

Back to top