Phật tử thiết trí bàn thờ Phật cần đơn giản trang nghiêm thanh tịnh, lưu ý nhang đèn, đề phòng hỏa hoạn, mỗi ngày phải lễ Phật tụng kinh, tu tập đúng chánh pháp. Không được lợi dụng việc thờ phượng, cúng kiến để hoạt động mê tín dị đoan, hoặc gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Thờ Phật thể hiện lòng tôn kính
Tôn kính đức Phật, không phải chúng ta linh thiêng hóa đức Phật ra hoặc đặt đức Phật ra ngoài cuộc sống của chúng ta. Tôn kính đức Phật là đặt một niềm tin tưởng tuyệt đối rằng ngài là một bực hoàn toàn giác ngộ. Ngài là một bực thầy sáng suốt đưa đường dẫn lối và đầy đủ đức hạnh để ta học tập hầu thăng tiến cuộc sống tâm linh của chúng ta.
Trong kinh có ghi lại 10 danh hiệu khác nhau để tán thán và tôn kính một bực giác ngộ như đức Phật: Phật là đấng hoàn toàn tự tại với các pháp, Phật là đấng đáng được nhân gian và chư thiên cúng dường, Phật là đấng biết hết mọi tâm tánh của chúng sanh, Phật là bực đầy đủ cả phúc đức và trí tuệ, Phật là đấng đã điều phục mọi phiền não, Phật là một đấng toàn thiện, Phật là đấng đã giải thoát được chuổi dây triền phược trong thế gian, Phật là đấng cao tột, Phật là bậc thầy của nhân gian và chư Thiên, Phật là đấng thế gian hoàn toàn tôn kính. (Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật thế tôn).
Thờ Phật thời xưa: Ông Bà người Việt Nam thì thờ ảnh Phật Bà Quan Âm, ảnh Tam Thế chư Phật, ảnh Tây Phương Tam Thánh, ảnh Phật Thích Ca, nhất là Phật Thích Ca ngồi tu thành đạo dưới cây Bồ đề là phổ biến từ thành thị đến thôn quê. Tuy nhiên, các vị đặt các thánh tượng giấy nầy trong một “trang thờ” tùy theo lớn hay nhỏ, nhà lớn cở 3 gian hai chái thì sử dụng “trang thờ” lớn. Nhà một gian hai chái thì sử dụng trang thờ nhỏ… tất cả đều được đặt sát trên trần nhà, mỗi lần Phật tử dâng hương cúng nước phải bắt thang, ghế cao leo lên cúng bái, rất bất tiện.