Khi Tổng thống Nelson Mandela lần đầu đến thăm nước Pháp sau thời gian bị giam cầm, một phóng viên đã hỏi: “Ngài mong muốn điều gì nhất?” Tổng thống đã trả lời: “Được ngồi yên và không làm gì cả. Từ khi ra khỏi tù, tôi không có được cơ may này. Tôi quá bận, nên điều mà tôi mong muốn nhất chính là được ngồi yên và không làm gì cả.”
Ngồi yên để chữa trị và nuôi dưỡng thân tâm
Thế nhưng, với nhiều người, được ngồi yên lại là điều xa xỉ. Bây giờ, xin bạn hãy gác lại mọi công việc, mọi muộn phiền… Mời bạn ngồi yên thay cho Nelson Mandela, thay cho tất cả những ai đang rong ruổi, những ai không có thì giờ để sống một cuộc sống thực sự.
Bạn hãy chọn cho mình tư thế mà mình thoải mái nhất. Thả lỏng toàn bộ cơ thở, lưng thẳng nhưng không cứng, ngồi trong tư thế thật tự nhiên và miệng mỉm cười. Bạn nên theo dõi hơi thở ra vào của mình. Sau vài phút ngồi yên, tâm bạn có thể bị xao lãng. Khi ấy, hãy mỉm cười và đưa hơi thở về với chánh niệm.
Ngồi yên trước hết là để ta không làm gì và buông thư cơ thể. Nếu nắm vững được nghệ thuật theo dõi hơi thở và mỉm cười, ta sẽ thích thú hơn trong việc ngồi yên này. Nhờ năng lượng của niệm và định, ta sẽ bắt đầu quán chiếu vào thân, tâm và hoàn cảnh. Khi ấy, ta biết mình nên, không nên làm gì để có được an lạc, hạnh phúc cho mình và cho những người xung quanh. Ngồi yên như thế có thể được xem là thiền tập.
Chúng ta có thể thực tập ở bất cứ đâu
Ta không cần phải đến thiền đường, hay trung tâm thiền thì mới có thể thực tập. Ta có thể thiền tập ở mọi nơi, tại văn phòng, trong xe hơi, thậm chí là khi mua sắm ở siêu thị…
Ở bất cứ đâu, chỉ cần thấy mình mệt mỏi, bực dọc, ta có thể lắng nghe hơi thở, mỉm cười để tránh đánh mất mình và giữ gìn sự thăng bằng cho thân tâm. Chỉ khi ta trở về với chính mình, với hơi thở chánh niệm, ta mới có đủ nội lực để đối diện với bao điều phiền toái của cuộc đời.
Thiền tập bằng cách ngồi yên
Cách thiền tập vững chắc nhất là xếp bằng hai chân, giữ vững toàn thân. Chúng ta nên ngồi trong tư thế kiết già hoặc bán già. Đặt chân phải lên bắp vế trái, chân trái lên bắp vế phải.
Nếu tư thế kiết già quá khó, ta có thể ngồi bất cứ tư thế nào miễn mình thoải mái. Thậm chí, ta cũng có thể nằm dài trên sàn nhà, hai chân duỗi thẳng, tay thả lõng dọc theo hai chân, lòng bàn tay ngửa lên trời.
Nếu cảm thấy bị tê chân, chúng ta có thể đổi tư thế ngồi hoặc đổi chân dưới lên trên. Làm nhẹ nhàng, theo dõi hơi thở và từng cử động, lúc đó ta sẽ có an và định. Nếu đã quá sức chịu đựng, ta có thể đứng dậy, thiền hành chậm rãi từng bước. Sau đó, ta lại ngồi xuống và thiền tập.
Thiền tập để có được an lạc và hạnh phúc
Nếu phần nào đó trên cơ thể bị đau nhức, ta phải biết lắng nghe tiếng “gào thét” của cơ thể, để nó không phải làm việc quá sức. Thân thoải mái thì tâm mới bình an.
Đôi khi, có thể ta suy nghĩ thiền tập là cách mà mình trốn chạy, giống như con thỏ chạy về hang ổ an toàn của nó. Làm như vậy, ta chỉ có thể an ổn trong thời gian ngắn. Ló đầu ra khỏi hang, ta lại phải đối đầu với bao muộn phiền, bực tức thường ngày.
Chúng ta cần phải ngồi yên một cách thảnh thơi, đều đặn và tinh tấn. Như thế, chúng ta mới tiếp xúc sâu sắc với cuộc sống muôn hình vạn trạng và biến đổi vô thường.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh