Khẩu trang được làm từ sợi chuối – Vừa chống dịch vừa bảo vệ môi trường
Khẩu trang được làm từ sợi chuối – Vừa chống dịch vừa bảo vệ môi trường
2/02/2021 6:08
Loại sợi lấy từ cây chuối sợi (Abaca) ở Philippines có thể thay thế thành phần nhựa trong hàng triệu chiếc khẩu trang mà thế giới đang sản xuất để chống lại SARS-CoV-2.
Trong lúc cả thế giới đang ra sức chống lại đại dịch Covid-19, một nỗi lo khác đang lớn dần: khẩu trang và đồ bảo hộ dùng một lần tạo nên lượng rác thải y tế đe dọa môi trường sống. Một giải pháp đã được tìm thấy: dùng chất liệu dệt từ cây chuối để thay thế nhựa dùng trong khẩu trang và đồ bảo hộ y tế.
Thế giới đang ban hành lệnh cấm sử dụng nhựa một lần để bảo vệ môi trường tuy nhiên điều này tương đối khó khăn khi các vật tư y tế đang cần thiết để chống lại dịch. Số lượng khẩu trang dùng một lần tăng gấp 200 lần trong năm nay, theo một bài báo thương mại của Liên Hợp Quốc, trích dẫn từ Grand View Research. Một giải pháp được đề xuất là sử dụng Abaca – chất liệu đến từ đất nước Philippines, hay được dùng trong túi trà hoặc tiền giấy – có độ bền như polyester nhưng có thể phân hủy trong vòng 2 tháng.
Tuy nhiên, các công ty vẫn còn đắn đo cân nhắc thay thế nhựa với chất phân hủy sinh học phần vì chi phí cũng như liệu chất liệu này có đủ mạnh mẽ và hiệu quả trong y tế hay không.Một nghiên cứu sơ bộ của Philippine Department of Science and Technology đã chỉ ra chất liệu abaca chống thấm nước tốt hơn chất liệu trong khẩu trang N-95, cũng như có các lỗ rỗng trong phạm vi khuyến nghị lọc chất độc hại của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ.
Chất liệu abaca có thể tăng trưởng theo cấp số nhân trong năm nay, với 10% sản lượng dùng trong y tế, so với con số chỉ dưới 1% vào năm vừa rồi. Công ty của Philippines đang sản xuất chất liệu này cho các nhà máy sản xuất đồ bảo hộ y tế các nước châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam…
Việc làm ra chất liệu may mặc từ chuối không quá mới mẻ. Kỹ thuật lấy tơ từ chuối được cho là đã có từ thế kỉ 13 tại Nhật Bản tuy nhiên loại chất liệu này bị lấn át khi cotton và tơ lụa, có nguồn gốc từ Trung Quốc và Ấn Độ, trở nên phổ biến. Vải dệt từ tơ chuối đã trở lại với ngành công nghiệp thời trang và tơ chuối đã được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp, phổ biến khắp thế giới với nhiều sản phẩm, từ túi lọc trà đến lốp xe hơi, sari, tờ tiền của Nhật. Sợi từ chuối có thể dùng để làm dây thừng, thảm, vải dệt và giấy thủ công. Loại sợi này cũng có khả năng kháng nước, chống cháy và có thể tái chế được, theo ghi nhận của Green Banana Paper.
Chuối là loại cây chỉ ra trái một lần, người nông dân thu hoạch chuối sau đó đốn bỏ toàn bộ thân cây. Số lượng thân cây chuối bị bỏ mỗi năm hơn 1 tỷ tấn. Theo nghiên cứu, cần có 37kg thân cây để sản xuất 1kg tơ chuối. Tuy nhiên, công nghệ sản xuất chất liệu may mặc từ thân chuối bỏ đi không được áp dụng rộng rãi vì nhiều hạn chế dẫn đến việc nguồn cung của loại chất liệu này khan hiếm trên thị trường.
Hiện nay, những nỗ lực toàn cầu trong việc cấm sử dụng nhựa dùng một lần đang phải tạm ngừng bởi các quốc gia đặt vấn đề vật tư y tế lên trước vấn đề môi trường. Theo một bài báo của Liên Hợp Quốc, doanh số bán khẩu trang dùng một lần trên toàn thế giới trong năm nay dự kiến tăng hơn 200 lần, đạt 166 tỉ USD. Bởi vậy, sử dụng sợi Abaca để sản xuất khẩu trang là giải pháp hữu hiệu để giảm rác thải nhựa trong thời gian đại dịch.