Học buông bỏ và thong dong

18/02/2021 6:12
Buông bỏ trong Phật giáo không phải là buông trách nhiệm mà là buông nỗi khổ niềm đau, buông quá khứ bất hạnh, buông những thứ mà chúng ta không cần ghi giữ trong tâm. Thử hình dung, một người đang đeo ba lô nặng trĩu vai, chỉ cần bỏ ba lô xuống thì sẽ thấy nhẹ nhàng, thảnh thơi biết bao nhiêu!

Rất tiếc, không phải ai cũng dễ dàng nhận ra được cái gì cần buông bỏ và cái gì cần giữ lại. Người có tâm hoài cổ, có ký ức dai dẳng thường mang theo nỗi khổ niềm đau theo mình thật lâu. Hãy khép nỗi khổ niềm đau ở nơi nó xuất phát. Hãy khép công việc ở nơi nó có mặt. Giờ nào việc đó, không gian nào việc đó, tuổi nào việc đó. Nếu biết cách thực tập chánh niệm hiện tiền thì bộ não chúng ta không bị chịu tải vì những vọng tưởng miên man. Người biết buông bỏ luôn an lạc, tự tại, ngủ không mộng mị. 

Buông bỏ khổ đau khác với buông trách nhiệm. Buông trách nhiệm là thiếu trách nhiệm, tức là không màng gì đến người khác, ai chết mặc ai, bản thân mình sống hạnh phúc là được rồi. Đó là sự chai sạn lòng từ bi đối với tha nhân, không phải là buông bỏ. 

Ví dụ, một số Phật tử mải đi hộ niệm vãng sinh mà bỏ bê công việc, trách nhiệm gia đình, khiến người thân bắt đầu hoài nghi và có những ý nghĩ tiêu cực về Phật giáo. 

Tu học Phật đúng nghĩa phải là những người phụng sự chúng sinh, năng động, tích cực, lạc quan, yêu đời, tinh tấn ba la mật. 

Thong dong là trạng thái không bị câu thúc bởi nỗi khổ niềm đau, luôn tự tại, thư thái, thoải mái, thảnh thơi. Người tu phải trải nghiệm được sự thong dong này. Được sống trong một môi trường tâm linh tốt, có tùng lâm (tức bóng cây cổ thụ), không gian lớn, chùa to, kiến trúc và trang trí mỹ thuật đẹp thì con người dễ hướng về chánh đạo. 

Về phương diện này, các Phật tử không nên cực đoan chỉ trích tại sao phải chùa to Phật lớn. Thực tế chùa Việt Nam không to, Phật Việt Nam không lớn. Chùa Việt Nam không  bằng 1/10, 1/50 các nhà thờ ở phương Tây. Phật Việt Nam không bằng 1/10, 1/50 Phật ở các nước trong khu vực. Do cái nghèo, do khiêm tốn mà chùa và Phật Việt Nam rất nhỏ. Ta cứ hình dung mỗi chùa hàng năm ít nhất có bốn lần tổ chức lễ quy y. Chùa Giác Ngộ chỉ có 750 m2, mỗi lần quy y được 400 người, một năm 1.000 đến 1.600 người. Chánh điện của chùa có rộng khoảng bốn ngàn mét vuông đi nữa cũng không thể nào đủ chỗ dung chứa hết tất cả các Phật tử quy y của chùa trong vòng hai mươi năm. Như vậy, thế nào gọi là to? 

Chùa Pháp Thân (Dhammakaya) ở Thái Lan cách Bangkok khoảng vài chục cây số có hội trường lớn nhất toàn cầu với sức chứa là một triệu chỗ ngồi. Đến những ngày lễ lớn, khoảng hai triệu đến bốn triệu Phật tử có mặt, hội trường đó vẫn không đủ sức phục vụ. Vì thế đừng bận tâm đến vấn đề to hay nhỏ mà nên bận tâm đến chức năng sử dụng. Vì cố chấp vào hình thức mà rất nhiều Phật tử không nỗ lực giúp các tu sĩ xây dựng những trung tâm lớn. Kết quả là Việt Nam là nước có các trung tâm và các chùa Phật giáo nhỏ nhất trên toàn cầu. Đó là một thiệt thòi cho Phật tử tại gia. 

Thong dong là rũ bỏ các chấp trước. Chấp về hình thức, chấp về quá khứ, tương lai, chấp vào sắc, thanh, hương,vị, xúc, pháp, chấp vào nỗi khổ niềm đau đều là những “cản trở vật” khiến chúng ta đánh mất an lạc, hạnh phúc. Phải tập buông bỏ để có được sự thong dong trong tâm. Người biết buông làm nhiều việc mà không thấy mệt mỏi. Ngược lại người chưa học cách thoát ra khỏi chấp trước, bám dính thì có khi làm một việc cũng thấy nặng như núi, căng thẳng, vất vả. Những người như thế không thể làm đại sự được. Người thong dong, nói theo ngôn ngữ hiện đại, là người đa năng, làm nhiều việc cùng lúc mà vẫn có kết quả toàn mãn. 

Thực tập sự thong dong và buông bỏ những điều không cần thiết, chúng ta sẽ thành công trong kinh doanh, trong quản trị, trong tu tập để đạt được hạnh phúc. 


Trích sách "Nghệ thuật sống" 

Thượng tọa Thích Nhật Từ 


Các tin tức khác

Back to top