Sống với những cư dân thánh giả như vậy, niềm vui của chúng ta ngày càng gia tăng, không cần phải đối phó với những kẻ gian manh, xảo trá, lọc lừa, tham ô luôn mang tinh thần phân chia theo chủ nghĩa cá nhân và theo sự dẫn dắt của giới giang hồ. Cảnh giới như vậy là cảnh giới có thật về phương diện vật lý. Nó là một hành tinh.
Nhưng trong Phật giáo, điều quan trọng nhất là làm thế nào để biến hình ảnh của hành tinh đó có mặt trong đời sống của mình, ở nơi chốn mà mình đang hiện hữu, gần nhất là ngôi nhà, kế đến là công sở, những nơi làm việc nói chung.
Thấy rõ cực lạc là trạng thái an lạc hạnh phúc, không bị chao đảo trước những thăng trầm, vinh nhục, thất bại, thành công, lên voi xuống chó của cuộc đời, đó là nhu cầu tâm linh mà ai cũng cần thực tập. Muốn có mặt thực sự ở cõi cực lạc như thế, trước hết chúng ta có thể gieo trồng giá trị đó ở nơi mình đang có mặt. Hãy biến ngôi nhà của mình trở thành ngôi nhà cực lạc, công sở của mình thành công sở cực lạc, chỗ làm ăn buôn bán thành chỗ cực lạc. Thái độ cực lạc là buông xả hết tất cả mọi nỗi đau.
Từ sự thực tập, chúng ta sẽ thấy những khái niệm như chân thường, chân lạc, chân ngã và chân tịnh không có gì phải hoài nghi. Vô thường là một quy luật biến dịch, nó áp dụng cho từ thái độ tâm lý đến vật lý, bao gồm cả không gian, vũ trụ, hành tinh, định tinh; từ những cái lớn nhất có thể thấy được bằng mắt, cảm xúc bằng tay chân cho đến những vật nhỏ nhất phải dùng đến kính hiển vi; hoặc những sự kiện phải tưởng tượng đều trải qua và chịu quy luật vô thường khống chế. Đây là định đề quan trọng nhất mà đức Phật nói rõ trong tất cả pháp vô thường.
Trong tất cả khái niệm pháp đó, chúng ta biết trạng thái an lạc của Niết bàn được gọi là Cực Lạc, là thường còn, bởi vì nó còn những trình độ về tâm linh, mà mức độ thối chuyển và lui sụt hay tụt hậu không bao giờ có.
Trạng thái của Niết bàn và Cực Lạc không bao giờ bị quy luật của vô thường chi phối, được gọi là Chân thường. Làm thế nào có thể biết nó có những quy luật chân thường trong thế giới vô thường? Chúng ta có thể hình dung, khi vàng đầy đủ tuổi thọ với hai mươi bốn cara thì dù nó nằm dưới quặng, hay được biến thành các trang sức phẩm tạo giá trị thẩm mỹ cho người đeo thì sự giống nhau về chất liệu trong nó vẫn chỉ là một, chứ không có điểm khác biệt. Nó khác biệt về hình tướng và hiện tượng, còn bản chất và bản thể của nó không hề thay đổi. Như vậy, bản thể của vàng không thay đổi trong mọi tình huống, ngoài loại hình của nó được thay đổi, từ cấu trúc liên hệ đến mục đích sử dụng và những nghệ thuật tạo ra mục đích sử dụng này.
Tương tự, có những bất biến trong sự thay đổi nhưng trạng thái Cực Lạc của Niết bàn là một. Chân Lạc cũng thế. Hạnh phúc giải phóng nỗi khổ niềm đau và đạt mức độ tâm linh không còn làm cho mình lui sụt lại như lúc mình chưa tu, trạng thái này là trạng thái có thật.
Một người khi đạt được trạng thái không còn cảm xúc và ý niệm quán, trong kinh gọi là diệt thọ tưởng định, có thể tồn tại năm bảy tháng mà không hề ăn, không hề uống, không hề có các hoạt dụng về giác quan. Chúng ta đã từng nghe lịch sử Trung Hoa, tổ Bồ Đề Đạt Ma chín năm ngồi đối mặt vào tường. Gần đây, một chú bé tên Gotama, tức Sĩ Đạt Đa, tên giống như đức Phật ngày xưa, cũng đã có năng lực ngồi thiền liên tục, bất động trong vòng hơn tám tháng khiến cả thế giới kinh ngạc. Báo đài bao gồm BBC, CNN, AF, AFP phải quan tâm và đưa tin rất nhiều lần.
Như vậy trạng thái an lạc đó là trạng thái có thật, một trạng thái an lạc thường lạc. Tu tập đúng phương pháp sẽ đạt được những tiến trình tâm linh mà ta không thể nào phủ nhận. Trước đây, chúng ta chỉ nghe trong sách sử nói về những sự kiện như thế, sau đó chúng ta tin bằng niềm tin. Nhưng hiện nay, đối diện bằng báo, quay phim đưa tin khắp nơi trên thế giới, thì không thể nói đó là dựng chuyện. Cho nên thường lạc là có thật.
Để đạt được trạng thái thường lạc, tất cả những hoạt dụng của phiền não, của lòng tham, lòng sân, lòng si, lòng nghi, do dự và dây mơ rễ má của chúng phải được chuyển hóa đến tận gốc rễ. Lúc đó, chân thường và chân lạc sẽ xuất hiện.
Chân tịnh là kết quả tất yếu khi hành giả đạt được trạng thái vô ngã ở mức độ cao nhất. An lạc có mặt một cách thường trụ, sự thường trụ của an lạc đó gọi là thường lạc.
Tức là trong cảnh giới khổ đau, nhơ uế dẫy đầy không như ý, hành giả vẫn có được thường tịnh. Đây là triết lý mà đạo Phật đã dạy.
Trong bản kinh Tịnh độ tông dạy phương pháp thực tập xem cảnh giới này uế trược, để có sự so sánh đối chiếu về những chênh lệch giá trị giữa cảnh giới chúng ta đang sống và cảnh giới chúng ta phát nguyện sanh vào. Nhờ trạng thái tâm lý so sánh đối chiếu đó, chúng ta mới có niềm an ủi trở thành những hạt giống tu tập của ngày hôm nay mang lại thành quả trong tương lai. Nhờ vậy, những nỗi khổ niềm đau có mặt trong đời sống được vượt qua ngay lập tức, vì tin chắc rằng đời sống trong tương lai nằm trong lòng bàn tay của mình.
Hướng về thường tịnh, chân tịnh ở cảnh giới của chư Phật là sự bắt đầu của quá trình tu tập, nhưng quan trọng hơn hết vẫn là tạo thường tịnh trong bản thân. Mặc dù cơ thể vật lý này được cấu tạo bởi ba mươi sáu thể trược với rất nhiều ô uế, một ngày không tắm rửa, không súc miệng, không gội đầu thì biết bao nhiêu bụi trần làm cho cơ thể trở nên hôi hám. Thêm vào đó, đường sá, nhà cửa, đồ đạc không giặt, không quét, không sắp xếp trở thành mớ hỗn độn, có khuynh hướng như một bãi rác, ấy thế mà chúng ta vẫn phải thực tập xem nó là thường tịnh. Bởi vì, bản chất chân thật của chúng ta không bị dơ và sạch ảnh hưởng chi phối. Như thế, ta bớt cái mặc cảm là thân phận phàm phu nhỏ bé của mình, và tin rằng mình có bản tánh tuệ giác như đức Phật đang nằm ngủ. Thực tập làm sao đánh thức vị Phật đang nằm ngủ đó trở thành vị Phật đang mở mắt là chúng ta đã thành công.
Muốn như thế, hành giả phải làm cho thân tâm thanh tịnh hoàn toàn. Dù có mặt ở nơi vật lý nhơ uế vẫn không bị thay đổi. Cũng như vàng bỏ dưới hầm phân hay nước đọng thì giá trị của nó vẫn không hề biến chất. Hoặc hoa sen đẹp, gương, nhụy, cánh, hạt của nó dù trong bùn nhơ lại càng tỏa hương sắc nhiều hơn. Tóm lại, để được trạng thái Cực Lạc, chúng ta phải thực tâp. Quan trọng sau khi chết sinh về Tây phương có thể hưởng giá trị chân thường, chân lạc và chân tịnh, mà ngay trong lúc sống này, tại ngôi nhà này, ở cảnh giới này, chúng ta phải thực hiện điều đó bằng những hành động an vui hạnh phúc.
St
Các tin tức khác
- Tùy thuận chúng sinh ( 3/11/2021 12:45)
- Giao thoa tâm linh ( 2/11/2021 1:03)
- Thiết thực hiện tại ( 2/11/2021 1:01)
- Hạnh buông xả ( 1/11/2021 1:18)
- Không sợ hãi ( 1/11/2021 1:16)
- Lòng tham ( 1/11/2021 1:09)
- Chăm sóc tâm (31/10/2021 1:23)
- Bệnh dạy cho chúng ta về vô thường (31/10/2021 1:22)
- Tình nguyện viên Phật giáo hoàn thành nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 12 (31/10/2021 1:20)
- Phước báo chi phối rất nhiều đến thành bại trong làm ăn (31/10/2021 1:17)