Ý nghĩa thực sự của tình bạn

4/12/2021 12:27
Mình thử hỏi các bạn hiểu thế nào về câu ngạn ngữ “Muốn kết bạn với ai, hãy cùng nhau ăn hết vài đấu muối”? Nhiều bạn có những suy nghĩ rất nhân văn. Ví dụ như ăn vài đấu muối để thể hiện sự quyết tâm và chia sẻ gian khó với nhau. Có bạn lại trả lời rằng để có thể ăn hết vài đấu muối thì cần có thời gian, nên sau khi ăn hết chắc chắn đã thân thiết với nhau nhiều lắm. Mình cho rằng ai cũng có cái lý riêng khi nhìn nhận hay đánh giá một vấn đề nào đó. Còn từ góc nhìn hơi khác, mình tự hỏi muốn kết bạn với nhau “nên” ăn hết vài đấu muối nhưng vấn đề là làm sao để ăn hết được đây?

Nếu ta lấy một đấu muối bỏ vào trong tô nước thì tô nước ấy rất mặn, không thể nào “ăn hết” được, nhưng nếu ta đổ đấu muối ấy xuống dòng sông thì dù cho cả chục đấu muối, nước của dòng sông vẫn uống được như thường. Hai người cùng uống trên dòng sông ấy thì có dễ hơn không? Kinh Phật giải thích rằng nước của dòng sông uống được không phải vì nó có chứa muối mà vì lượng nước quá mênh mông nên với số muối ấy thì cũng chẳng nghĩa lý gì. Ai mà không có những nỗi khổ niềm đau hay khó khăn nhưng vấn đề là trái tim của ta có đủ lớn để chứa đựng nó hay không?

Để làm bạn tốt với nhau thì cần lắm sự chia sẻ, cảm thông, tin tưởng, thấu hiểu và chấp nhận. Bát đũa còn có lúc xô, cho nên bạn bè thì cũng có lúc thế này thế khác. Khi có “sự cố” xảy ra như vậy, nếu chấp nhận và tha thứ được cho nhau thì làm bạn tiếp, còn nếu không thì tự mỗi người đều biết kết cục sẽ thế nào. Nhưng làm sao để tha thứ, để chấp nhận được nhau nếu trái tim ta chưa đủ bao dung?

Có lẽ chúng ta nên cảm ơn những khó khăn, vấp ngã trong đời. Càng phải cảm ơn những nghịch cảnh mà chúng ta từng phải trải qua và “chịu đựng”. Vì chính những vết cứa như thế đã làm cho trái tim chúng ta thêm rộng lớn. Mất gần nửa đời người để mình có thể tự nhận thức được bản thân một cách “tương đối” rõ ràng. Và khi quan sát xung quanh mình nhận thấy hình như không có nhiều người làm được một việc tưởng chừng đơn giản ấy. Nhận thức rõ về mình để có thể tìm đến những người phù hợp và kết bạn. Và duy trì được những tình bạn lâu dài, gắn bó.

Có lần mình nói với một người đặc biệt: “Tính anh rất bốc đồng và nóng nảy, nóng tính, bộc phát không kiềm chế được. Cho nên nếu một lúc nào đó anh giận và la mắng thì em hãy hiểu rằng đó là khi anh mất kiểm soát bản thân. Anh có nói gì đi chăng nữa thì cũng không ác ý hay mang mầu sắc thù hằn gì trong ấy. Những lúc đó, hãy cố hiểu và thông cảm cho anh”.

Một người bạn thân thì nói “lúc bạn Long tức tối lên là nói như kiểu hắt nước đổ đi, chẳng nể nang gì hết”. Và mình biết cái sự “hắt nước đổ đi” ấy đã làm tổn thương rất rất nhiều người. Có những người họ chưa đủ thân thiết với mình thì tình bạn sẽ tan tành mây khói. Còn có những người đủ thân để hiểu thì có giận rồi cũng sẽ bỏ qua.

Những lúc mình “bốc hỏa” là những lúc lý trí của mình bị cảm xúc chi phối và trái tim trở nên yếu ớt. Vậy nên những người bạn có thể chấp nhận mình là những người rất bao dung và đầy thấu hiểu. Vì “một trái tim thực sự rộng lớn thì đâu cần đòi hỏi gì hơn nơi trái tim đang yếu ớt” nữa phải không?



St


Các tin tức khác

Back to top