Con đường hạnh phúc của Đạo Phật

16/05/2022 7:34
Tất cả chúng ta ai cũng mong muốn đạt được hạnh phúc, tự do đích thực và dập tắt phiền não, chấm dứt những nguyên nhân đưa đến khổ đau, nhưng vẫn bế tắc. Đức Phật đã chỉ bày cho chúng ta vô số phương pháp khác nhau để diệt khổ nhưng tựu trung có thể nói là Bát Chính Đạo (con đường có 8 nhánh), và gom thành ba nhóm chính yếu sau đây:

1.  Nhóm thứ nhất thuộc về Đạo đức
          - Ngôn từ đúng đắn (Chính ngữ): Nghĩa là không nói những lời đưa đến đau khổ, chia rẽ, hung bạo, căm thù hay thêu dệt. Nói những lời đưa đến sự chuyển hóa khổ đau, thương yêu, từ tâm, chân thật, lợi ích.
          - Hành động đúng đắn (Chính nghiệp): Không có hành vi giết hại, lừa gạt, trộm cắp, tà dâm phi pháp. Thực tập nuôi dưỡng lòng từ bi đối với người mình thương và chính ngay cả người làm mình khổ đau mệt mỏi, mở rộng vòng tay để dấn thân phụng sự giúp đời.
          - Phương tiện sinh sống đúng đắn (Chính mạng): Nghề nghiệp chân chính, không sống bằng những nghề phi pháp, độc ác, gian xảo.

     2.  Nhóm thứ hai thuộc về Định (Tĩnh tâm)
          - Nỗ lực đúng đắn (Chính tinh tấn): Nghĩa là ngăn chặn những điều ác chưa sanh và đã sanh, cố gắng nuôi dưỡng và phát huy những tâm thức lành mạnh, tốt đẹp vốn đã sanh và chưa sanh.
          - Nhớ nghĩ đúng đắn (Chính niệm): Đừng tìm về quá khứ khổ đau hay hướng tâm tới nhưng tương lai hão huyền, nhớ các pháp bất thiện, đừng cho các đối tượng bất chính dẫn mình đi phiêu bạt. An trú vào tâm ý thiện lành ngay giây phút hiện tại.
          - Tập trung tư tưởng đúng đắn (Chính định): Nghĩa là đừng để tâm thức mình bị phóng dật, rối loạn, tập trung vào thiền định để làm an tịnh tâm, từ đó tuệ giác sẽ phát triển.

    3.  Nhóm Thứ Ba Thuộc Về Trí Tuệ:
         -  Thấy và hiểu đúng đắn (Chính kiến): Nhận thức đúng về đạo đức của cuộc sống, cái nào thiện và bất thiện. Hiều đúng về sự vật là vô thường, vô ngã, duyên sanh. Nhận thức rõ bản chất của khổ, nguyên nhân, sự diệt khổ và con đường đưa đến hết khổ.
         - Suy nghĩ đúng đắn (Chính tư duy): Tâm hướng về sự buông bỏ, yêu thương giúp đỡ mọi người, bất bạo động, nhẫn nhục, tâm giải thoát.

Nói tóm lại, sống trong cuộc đời này, khổ hay lạc là do tâm mình. Nếu tâm mình đầy tham lam, sân hận, si mê, chấp thủ, nhận thức sai lầm thì khổ là điều hiển nhiên. Và ngược lại nếu chúng ta biết sống thiểu dục tri túc, không chấp ngã và dục vọng vị kỷ và để những phiền não chi phối ngự trị trong tâm thì cuộc đời sẽ an lạc, hạnh phúc. Đạo Phật là đạo giải thoát. Mục đích Đức Phật thị hiện cõi nhân gian này cũng chỉ vì một mục đích duy nhất là giúp chúng sinh ‘ngộ nhập tri kiến Phật’, tức là hoàn toàn giải thoát khỏi khổ đau và trải nghiệm được hạnh phúc đích thực.


St

Các tin tức khác

Back to top