Thiền tập không phải là tiến trình để trở thành, mà thật sự là tiến trình buông bỏ và hiểu biết, buông bỏ cái gì: buông bỏ tham, buông bỏ sân, buông bỏ các nghi ngờ, buông bỏ sự vướng bận. Hiểu biết cái gì: hiểu biết thân tâm, tâm và những mối liên hệ giữa chúng,tất cả chỉ có vậy. Nếu con còn có một mục đích nào khác thế này, thì càng tu tập thì càng thêm chấp thủ và đau khổ mà thôi.
Chính vì vậy, nhiều lúc sư thích sử dụng từ nghỉ ngơi chân chánh hơn là thiền tập. Thiền tập, đối với không ít người lại trở thành sự dính mắc lớn, tạo ra bản ngã lớn, như thế là đau khổ lớn.
Thật sự là vậy, trước khi có được nghỉ ngơi, người ta phải buông ra những vướng bận, lo toan trong cuộc sống. Nếu bình thường, có người đã quá dính mắc, kẹt cứng trong vô vàn công việc bận rộn, thì quả thậgt họ rất khó mà buông xả được. Một ly nước đang đầy tràn tới miệng, còn đổ thêm cái gì vào đó được nữa?
Rất nhiều người không hiểu được điều này, kể cả một số vị thầy, đáng lẽ, họ phải gỡ những vướng vứu ra trước, để tâm trí được thảnh thơi, thư thái, rồi sau đó, mới có một mặt bằng tốt đẹp cho công việc tiếp theo, thì ngược lại, họ đã bắt tâm phải chú vào chỗ này, ghi nhận chỗ kia. Hệ quả là sự mệt mỏi, căng thẳng, chứ không có gì khác hơn.
Các bạn thân mến, khi bạn đã ngồi xuống đây rồi, hãy dẹp bỏ hết những lo toán ấy, hãy trả công việc về với công việc, gia đình về với gia đình. Bạn đang ở chỗ này rồi, thì ở đây thôi, hãy để tâm bạn cùng ở chung với bạn, đừng để chiếc điện thoại di động lôi tâm, hay lôi cả thân bạn ra khỏi chỗ đang ngồi an lành, thư thái. Thường ngày thân – tâm bạn đã quá bận rộn rồi, hãy để chúng hoàn toàn thả lỏng, buông xả, nghỉ ngơi, thư thái, không có một mục đích nào cần phải được thành tựu, thở hoàn toàn bình thường, như thế nào thì hãy là như vậy, không cần thiết một sự ra công cố gắng, hay nỗ lực, để cơ thể hoàn toàn tự nhiên với những liên hệ với hơi thở, cảm giác và suy nghĩ. Chỉ cần duy trì một sự hay biết bên trong là đủ. Vậy thôi.
Đừng cố gắng loại bỏ suy nghĩ, xưa nay chúng ta vẫn suy nghĩ như vậy đấy. Nó là nó. Bạn biết nó chứ? Biết ! Thế là đủ.
Tiếng ồn làm phiền bạn ư ? Bạn ngồi đây không phải để bực phiền với bất cứ điều gì phải không nào? Hãy để tiếng ồn sinh lên và diệt đi. Hay biết nó là được rồi, không cần cố để nghe cho rõ, hoặc suy đoán, suy xét về âm thanh đó. Hãy để sự thấy, biết cảm nhận là hoàn toàn tự nhiên, bạn không cần cố gắng để thay đổi hay loại bỏ nó. Như thế nào thì để nguyên như thế.
Rồi, bây giờ hơi thở ngắn lại, bạn biết, rất tốt, không cần phải nhận xét gì cả, nếu có nhận xét nào sinh khởi, cũng chỉ cần biết nó là tốt đẹp rồi.
Sự chú tâm hơi thở ra vô nơi chót mũi hoặc vào khoảng giữa ngực và bụng là điều nên luôn được duy trì, trong khi đó, bạn biết một cái gì khác như cảm thọ toàn thân, hay cảm giác ở nơi nào đó trên thân đều có giá trị như nhau. Nhưng vị trí chú tâm thì không thay đổi.
Rất có thể ở đây, bạn sẽ cảm thấy, gần như không thở nữa, còn tim thì dường như không đập, sợ hãi tràn đến: “có thể sẽ chết, nếu tiếp tục thế này, có thể đau tim, có thể bệnh nếu tiếp tục thế này...?” Đừng để cho tâm trí giàu tưởng tưởng này lừa phỉnh bạn. Chắc chắn trong tình trạng ấy không ai có thể chết, hay thậm chí gây ra một sự tổn hại nhỏ, chỉ trừ sự sợ hãi là có gây ảnh hưởng đôi chút. Ngược lại đây là một trạng thái tốt, cả thân và tâm đều đang được nghỉ ngơi, thư giãn. Hoàn toàn không có gì e sợ cả.
Lúc này, bạn có thể thay đổi đối tượng của sự hay biết nếu muốn: hay biết, nghi nhận những suy nghĩ đang liên tục sinh khởi cũng là một sự tốt đẹp.
Thông thường, với những ai có được định tâm tương đối thì trong vòng ba mươi phút đầu tiên, cái đau chưa xuất hiện, tuy nhiên chúng có thể đến sớm hơn. Nếu đau đớn không làm bạn bực mình, khó chịu, ảnh hưởng đến sự hay biết, thì bạn vẫn tiếp tục thực hành bình thường. Nhưng nếu, vấn đề đau đã làm cho tâm khó chịu thì trước tiên cần ghi nhận, quan sát sự khó chịu ấy, rồi thay đổi đề mục, lúc này đau là đối tượng cho sự hay biết. Cũng cần lưu ý rằng, bạn không phải quan sát cái đau với mục đích là làm cho nó biến mất (mặc dù cảm giác đau sẽ giảm, hoặc biến mất). Bởi vì đó là một mong cầu, là chối bỏ, như thế tâm sẽ mất quân bình, định tĩnh.
Tiếp tục duy trì sự thả lỏng thân, buông xả tâm và hay biết như vậy cho đến khi nào, cơn đau đã vượt quá mức độ quan sát, nghi nhận của bạn, tâm khó chịu sinh khởi liên tục. Hãy có sự chánh niệm, nghi nhận việc mong muốn thay đổi tư thế. Nếu đổi chân, nhưng vẫn duy trì oai nghi ngồi thì không có gì lưu ý, nhưng nếu bạn chuyển qua đi, đứng thì cần, mát xa tay, mỗi tay mười lần, rồi nhẹ nhàng đong đưa thân trên, qua phải, qua trái 5 – 10 lượt, tiếp theo xoa mặt 10 lượt, để chân duỗi thẳng thoải mái trong 4 phút, vuốt thẳng từ ống quyền xuống mu trên của chân, mỗi bên 10 lượt. Xoa gáy, phía sau cổ 10 lượt.
Phần xoa bóp, mát xa thế này là hết sức cần thiết và quan trọng, vì khi ngồi yyên một chỗ trong khoảng thời gian như vậy, các mạch máu cơ, gân, các cơ quan trong thân thể hoạt động trong điều kiện hoàn toàn khác với bình thường, một sự chuyển tiếp đột ngột là rất nguy hại, ảnh hưởng xấu đến các bộ phận ấy.
Trên đây là những căn bản tối thiểu cần thiết cho người thực hành thiền tập.
Chúc các bạn có những giây phút nghỉ ngơi thư giãn thật chân chánh.
Nguồn: Sách Nơi Bình Yên Tĩnh Lặng
Các tin tức khác
- Thiền sư Ikkyu ( 4/12/2013 11:06)
- Chuyện một vị sư ở chùa Hương ( 4/12/2013 11:04)
- Bậc đại nhân ( 4/12/2013 5:37)
- Hiện Tượng Tôn Giáo Mới ( 4/12/2013 3:47)
- Vì sao gọi là Đại thừa và Tiểu thừa ( 4/12/2013 3:02)
- Nụ cười em bé ( 3/12/2013 11:40)
- Đèn bấm ( 2/12/2013 11:07)
- Pháp từ tâm sanh ( 2/12/2013 9:36)
- Chuyện bảy cái lọ vàng ( 1/12/2013 5:20)
- Chất liệu nhiệm mầu của hơi thở ( 1/12/2013 5:19)