Trong ba ngôi báu: Phật, Pháp, Tăng thì Tăng bảo giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển Đạo pháp. Bất cứ ở đâu và bất cứ khi nào có những vị cao tăng thạc đức xuất hiện thì nơi đó và khi đó kỷ cương được thiết lập, Phật pháp được xương minh, chúng sinh được an lạc.
Việc hiện thân hóa độ của các bậc cao tăng thạc đức là một phước duyên thù thắng và việc được diện kiến, thân thừa quý ngài lại là một phước duyên hy hữu trong nhiều đời nhiều kiếp. Nhờ thắng duyên đó, tôi được thân cận Đức Đệ tam Pháp chủ Thích Phổ Tuệ (1917-2021) nhiều lần và mỗi lần thân cận, qua nhiều hình thức khác nhau, ngài đã để lại trong tôi những bài học vô giá cho bước đường hoằng pháp độ sinh.
Sau khi Giáo hội được thành lập, với cương vị là Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương, tôi thường được mời đi thuyết giảng tại các trường hạ khắp nơi từ miền Nam ra miền Bắc; mỗi chuyến hoằng pháp như thế, tôi thường hướng dẫn Phật tử đạo tràng Pháp Hoa cùng đi để cúng dường gieo duyên.
Một hôm, khi đoàn đến thăm và cúng dường trường hạ chùa Phúc Chỉnh, Ninh Bình, lại gặp đúng ngày giỗ Tổ, và tại đây, lần đầu tiên tôi được diện kiến Đức Đệ tam Pháp chủ. Khi đó, tuy ngài chưa tham gia hoạt động Giáo hội nhưng ngay giây phút đầu tiên, tôi cảm nhận: “Đây là bậc long tượng thiền lâm, Pháp chủ Thiền gia”. Ngài đi đứng trang nghiêm, từ hòa chân chất, giản dị khiêm tốn, không cậy thế quyền, giới thân thanh tịnh. Ngài rất ít nói nhưng khi nói, từng câu từng chữ đều đầy đủ ý nghĩa, thấm đẫm đạo vị: “Ngôn giản lý tận”.
Thời đó đất nước còn khó khăn, phương tiện giao thông rất hiếm, thầy trò chúng tôi cùng đi chung trên một chiếc xe khách 50 chỗ. Biết chúng tôi về Hà Nội, ngài ngỏ ý quá giang. Trên xe, ngài kể cho tôi nghe thời gian tu đạo của ngài trong giai đoạn khó khăn nhất của đất nước: “Hạt gạo cắn hai”. Để duy trì chốn Tổ, ngài tham gia hợp tác xã nông nghiệp như bao xã viên khác. Nhưng có điều, mỗi sáng khi vác cuốc ra đồng, ngài không quên mang theo quyển kinh. Tranh thủ giờ giải lao hay lúc chăn trâu, ngài mở kinh ra, ôn lại những lời dạy vàng ngọc của Đức Từ phụ. Ngài kể tới đâu, lòng tôi tràn ngập xúc động đến đó.
Chính hành trạng gian lao, khổ nhọc trên bước đường hành đạo của ngài đã trở thành động lực vô cùng quý báu đối với tôi trên con đường hoằng pháp lợi sinh. Ngay lúc ấy, tôi phát tâm Bồ-đề, nguyện dấn thân hơn nữa trên con đường truyền bá Chánh pháp, lợi lạc chúng sinh: Nơi nào Phật tử cần, tôi đến; nơi nào Tăng Ni thỉnh, tôi đi… Khi xe đến con đường dẫn vào chùa Ráng (tổ đình Viên Minh), ngài xuống xe, từ biệt, rồi đi bộ về chùa. Nhìn dáng ngài thong dong nhẹ bước trên con đường quê, tôi cứ ngỡ như áng mây tự tại đang thênh thang giữa hai bến bờ sinh tử.
Lần thứ hai tôi được gặp ngài tại hội nghị của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Lúc này ngài đã tham gia hoạt động của Giáo hội. Tranh thủ giờ giải lao, tôi thăm hỏi và trao đổi với ngài nhiều vấn đề.
Có lần, tôi hỏi ngài về vai trò và tầm quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sinh hoạt của Phật giáo. Ngài nói một câu rất đặc biệt mà tôi nhớ mãi đến hôm nay: “Sinh hoạt trong Mặt trận Tổ quốc chúng ta mới có dịp gặp gỡ, quan hệ tốt với các đoàn thể, các tôn giáo bạn; làm cho tâm hồn chúng ta cởi mở hơn, cuộc sống chúng ta hài hòa hơn; giúp chúng ta phụng sự nhân sinh tốt đẹp hơn”.
Tôi nhớ mãi câu nói của ngài nên trong đạo từ tại Đại hội đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM lần thứ X ngày 18 tháng 6 năm 2022 tôi có nhắc lại ý này. Trong thế giới duyên sinh vô cùng vô tận này, chúng ta hãy từ bỏ mọi hình tướng sai biệt, từ bỏ mọi phân biệt vùng miền; cùng tôn trọng, cùng nương tựa vào nhau mà tồn tại và phát triển. Chỉ khi nào chúng ta thật sự hiểu nhau, tôn kính nhau trong bản thể hòa hợp thì cuộc sống này mới hài hòa, tốt đẹp.
Như những gì tôi đã cảm nhận trong lần diện kiến đầu tiên, tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI (2007), ngài được suy tôn lên ngôi vị Pháp chủ. Do Phật sự của Giáo hội, tôi thường xuyên gặp ngài và có nhiều kỷ niệm quý báu nhưng có một kỷ niệm tôi không thể quên.
Đó là một buổi chiều nắng hanh vàng cuối thu năm 2019 trên đất Thần kinh. Trong chuyến từ thiện tại các tỉnh Tây Bắc, tôi ghé thăm ngài - khi ấy đã hơn 100 tuổi. Vừa bước vào cổng chùa, tôi thấy ngài đã ngồi đợi từ lâu trước cửa phương trượng. Lòng tràn ngập xúc động. Gặp tôi, ngài ôm thật chặt, thật thân thiết. Tất cả ngôn ngữ, hình tướng khác biệt đã tan chảy; chỉ còn lại đây sự cảm thông của hai tâm hồn vì Đạo và hình như đã gặp nhau từ nhiều đời nhiều kiếp trước.
Trong thiền thất đơn sơ, bên chiếc bàn ọp ẹp được đóng từ thời bao cấp, ngài nhắc đến công đức cao cả của Đức Đệ nhất Pháp chủ Thích Đức Nhuận (1897-1993), đến Lời đề nghị mở trường Phật học để đào tạo Tăng tài của Đức Đệ nhất Pháp chủ tại Đại hội thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981. Ngài bày tỏ ưu tư về thực trạng của Giáo hội, mong muốn duy trì, bảo đảm sự hòa hợp thanh tịnh của Giáo hội, kỷ cương của tùng lâm.
Khi nghe ngài bàn đến việc thành lập Hội đồng Giám luật, tôi rất cảm động. Đã hơn trăm tuổi mà ngài vẫn đau đáu lo lắng cho sự tồn vong và phát triển của Giáo hội. Do đó, tôi đã quyết tâm cùng chư tôn Hòa thượng trong Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh thành lập Hội đồng Giám luật và soạn thảo, ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng Giám luật.
Hôm nay ngài đã ra đi, tưởng chừng như câu chuyện cổ tích đã khép lại nhưng thực sự mạch sống của ngài vẫn tồn tại, hiển hiện trong tôi, trong thế giới tâm linh không thể nghĩ bàn; Đạo nghiệp của ngài vẫn còn đó trong lòng Đạo pháp và Dân tộc như tôi đã chia sẻ trong bài tưởng niệm nhân lễ nhập bảo tháp của ngài: “Việc thành lập Hội đồng Giám luật là di sản vô giá mà ngài đã để lại cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam hôm nay và mãi mãi về sau”.
Kính nguyện Giác linh Đức Đệ tam Pháp chủ thùy từ chứng giám.
Chùa Huê Nghiêm, ngày 20 tháng 6 năm 2022
HT. Thích Trí Quảng