Tự nuôi dưỡng mình cũng là đang nuôi dưỡng tăng thân

11/10/2022 7:47
Giờ phút nào mà mình tự nuôi dưỡng được mình bằng bước chân, bằng hơi thở, bằng nụ cười, bằng sự vững chãi, bằng sự thảnh thơi thì giờ phút đó mình đang nuôi dưỡng tăng thân. Và chừng nào mình không tự nuôi dưỡng mình được thì tăng thân cũng không được nuôi dưỡng, tăng thân bị bỏ đói.

Sáng nay, khi ngồi thiền, thầy đã quán tưởng về hình ảnh một tế bào trong tăng thân. Thầy thấy mình là một phần của tăng thân, mình chịu trách nhiệm về sự an toàn, sự hài hòa, hay sự bất an của tăng thân. Thầy thấy rất rõ rằng tự nuôi dưỡng mình cũng là đang nuôi dưỡng tăng thân. Giờ phút nào mà mình tự nuôi dưỡng được mình bằng bước chân, bằng hơi thở, bằng nụ cười, bằng sự vững chãi, bằng sự thảnh thơi thì giờ phút đó mình đang nuôi dưỡng tăng thân. Và chừng nào mình không tự nuôi dưỡng mình được thì tăng thân cũng không được nuôi dưỡng, tăng thân bị bỏ đói.

Thầy cũng thấy rằng khi nào mình có tình thương, mình chăm sóc, mình nuôi dưỡng tăng thân thì tuy là mình không có ý muốn nuôi dưỡng mình mà kỳ thực lúc đó mình cũng đang được nuôi dưỡng. Chẳng hạn khi thấy một sư anh, sư chị hay sư em đang có vấn đề mà mình khởi lòng lân mẫn để tìm tới, và bằng thân hoặc bằng lời, mình chăm sóc cho người đó, thì tuy rằng mình đang nuôi dưỡng tăng thân mà kỳ thực mình cũng đang nuôi dưỡng mình. Tự nuôi dưỡng mình tức là nuôi dưỡng tăng thân, và nếu mình đang nuôi dưỡng tăng thân thì đồng thời mình cũng đang nuôi dưỡng chính mình. Giữa hai cái đó không có sự phân biệt, vì vậy mình có thể thấy được tính vô ngã một cách rất rõ ràng.

Thầy cũng thấy rằng khi mình không thật sự ở trong tăng thân, khi lòng mình không phải là lòng của tăng thân thì mình không phải là dòng sông mà chỉ là một giọt nước, và mình sẽ thấy bơ vơ, lạc lõng trong tăng thân. Tuy mình đang ở trong tăng thân nhưng kỳ thực mình không ở trong tăng thân.

Mình đang nghĩ tới một tương lai riêng, một sự nghiệp riêng, không dính líu tới tương lai và sự nghiệp chung của tăng thân, vì vậy mình không nuôi dưỡng được mình và mình cũng không nuôi dưỡng được tăng thân. Trong trường hợp đó, sự có mặt của mình trong tăng thân chỉ có tính hình thức và không thể nào kéo dài được, thế nào mình cũng sẽ bị văng ra. Mình không nhận được chất dinh dưỡng từ tăng thân và mình cũng không có khả năng nuôi dưỡng tăng thân. Sự có mặt của mình chỉ là một sự có mặt hình thức.

Khi nhìn vào một cơ thể, chúng ta thấy trong cơ thể có nhiều tế bào, và mỗi tế bào có thể là một cái ngã riêng. Tế bào này không phải là tế bào khác, tế bào não không phải là tế bào phổi, tế bào ruột không phải là tế bào gan, tế bào gan không phải là tế bào tim, tế bào tim không phải là tế bào não.Thoạt nhìn, các tế bào có sự khác nhau, có sự phân biệt, có tên gọi riêng. Nhưng nhìn kỹ thì tất cả tế bào trong cơ thể có chung một trí tuệ: Chúng làm việc hài hòa với nhau, nuôi dưỡng nhau và nuôi dưỡng cơ thể. Khi có vi khuẩn đột nhập vào cơ thể thì không phải là bộ óc hay tư tưởng ra lệnh chống cự, mà trong cơ thể có một phản ứng rất tự nhiên. Khi đó, cơ thể tự động tạo ra những kháng thể (anti-body) và kéo tới bao quanh con vi khuẩn mới xâm nhập, không để cho nó sinh sôi nảy nở và đi vào cơ thể, cho đến khi con vi khuẩn đó không hoạt động gì được và biến thành chất protein nuôi cơ thể. Không ai ra lệnh cho cơ thể làm điều đó. Cơ thể tự động biết phải làm gì, rất là mầu nhiệm.

Trong cơ thể không có một tế bào nào đóng vai trò chỉ huy để ra lệnh các tế bào khác. Không có một ông vua, một bà hoàng hay một tổng thống trong cơ thể. Ngay trong bộ não của mình cũng vậy, không có tế bào não nào làm lãnh đạo, và sự hài hòa, thông thương giữa những tế bào tạo ra một loại trí tuệ. Nhờ trí tuệ đó mà cơ thể biết cần phải làm gì để đối phó với những bất trắc xảy ra.

Trong một tổ ong, chúng ta nói tới con ong chúa, và chúng ta có thể nghĩ một cách sai lầm rằng con ong chúa điều động hết tất cả mọi việc trong tổ ong. Điều đó không đúng. Ong chúa không làm gì hết, ong chúa chỉ đẻ mà thôi. Tất cả các con ong trong tổ ong sống một cách rất hòa hợp, giống như những tế bào trong cùng một cơ thể. Chúng nâng đỡ nhau, đưa đường chỉ lối cho nhau tìm tới những chỗ nào có nhiều hoa để lấy mật. Sự thật là trong thiên nhiên, mình cũng không thấy một vị chúa tể, một vị lãnh đạo. 


Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

Các tin tức khác

Back to top