Cư sĩ tu thiền - Thân cận thiện tri thức

4/01/2014 3:03
Tu thiền, ai cũng có thể tu. Già, trẻ, lớn, bé, có học hay không học v.v… đều tu được. Vì thiền không ấn định giới hạn dành riêng cho tầng lớp nào.

Vấn đề là có muốn tu và quyết tâm tu hay không. Đã muốn và quyết tâm thì khó khăn nào cũng vượt qua. Kiếp này chưa qua thì kiếp sau cũng qua. Kiếp sau chưa qua thì kiếp sau nữa cũng qua v.v… Có đi, dù là chậm, vẫn có đến. Vấn đề đặt ra là có chịu đi hay không. 

Phật tử tại gia, đời sống tu hành gắn liền với công việc, gia đình và xã hội. Vì thế, dù tu cùng một pháp với người xuất gia, pháp hành của người tại gia cũng không thể y khuôn như người xuất gia.

Một điểm cần chú ý nữa là cần có một vị thầy cho mình. Tu thiền không thể không có thầy.

Nên tham gia các buổi tọa thiền có sự hướng dẫn của các bậc tôn túc.

Kinh luận cũng là thiện tri thức của mình.

Nếu lấy việc phản quan tự kỷ làm chính thì cảnh duyên bên ngoài cũng là cái duyên để mình học hỏi. 

Thời nay thiện và ác tri thức lẫn lộn. Vì thế để không nhầm lẫn, nên có lời nguyện “Cho con gặp được thiện tri thức để tiến tu”.

Thiện tri thức có khuynh hướng giúp phá đi ngã tướng của mình. Vì thế cần chuẩn bị tinh thần đó khi gặp thiện tri thức.

Thấy tự ngã bị chạm đau mà rút lui thì không thể tu thiền. Chỗ nào làm tâm mình khó chịu nhiều, chỗ đó giúp mình phá ngã tướng nhiều. Vấn đề nằm ở chỗ dụng tâm của mình, không phải ở cảnh duyên. 

Đại sư Từ Minh khi còn tham học dưới trướng của Tổ Phần Dương, không thấy có gì khác ngoài việc nghe mắng và chê bai các chỗ khác. Một lần buộc miệng than: “Đã không học được gì, chỉ thêm tâm thị phi”. Tổ Phần Dương nghe được, hét lớn: “Ông vu oan giá họa cho ta”. Hét rồi xấn tới định đánh. Đại sư Tư Minh toan mở miệng, Tổ Phần Dương bịt lại. Ngay đó Từ Minh đại ngộ. Về sau cũng dùng cách ấy mà tiếp người. 

Thiện tri thức, có khuynh hướng phá chấp ngã và chấp pháp cho hành giả tu thiền. Chỉ là tùy duyên mà có xoa hay đánh. Nếu thấy xoa mà tới, thấy đánh mất dạng thì khó mà xóa bỏ tự ngã. Cho nên, có khi không phải không có thiện tri thức, chỉ vì không đủ cơ để gần.

 

Theo Thường Chiếu

Các tin tức khác

Back to top