Đừng cố hiểu và thương mà hãy luôn rõ biết mình

4/05/2023 8:24
Chỉ cần mỗi người thấy ra được những sai xấu, những cái đang che lấp và trói buộc nơi mình để chúng không còn sinh khởi nữa thì không cần cố "hiểu & thương" mà sự giao tiếp giữa mình và mọi người vẫn tự nó đúng tốt.

Đừng cố "hiểu và thương" theo hướng cố tạo ra mối quan hệ tốt đẹp, vì mối quan hệ ấy sẽ gượng gạo không có thực. Trong các mối quan hệ hàng ngày, cách tốt nhất mà Đức Phật dạy là luôn tự soi sáng chính mình, luôn tự rõ biết mình. Chỉ khi nào một người tự rõ biết mình, biết hiểu và cảm thông với chính mình thì người ấy mới có thể hiểu và cảm thông người khác. Khi chưa thấy ra chính mình mà cố hiểu & thương người khác thì dù có cố thế nào cũng chỉ tạo ra những mối quan hệ "gượng gạo" mà thôi.

Có câu chuyện về hai cha con trong một gánh xiếc, khi họ đang biểu diễn thăng bằng trên sợi đây thì gặp Đức Phật đi ngang qua. Đức Phật đầu tiên hỏi người cha "Làm thế nào ông có thể phối hợp với con ông để giữ thăng bằng cho tốt?", người cha trả lời "Tôi chú ý đến thăng bằng của đứa con". Khi Đức Phật hỏi lại người con thì anh ta trả lời "Con chỉ chú tâm giữ thăng bằng cho chính mình thôi", Đức Phật liền khen ngợi người con rằng anh ta nói rất đúng, vì khi diễn mà quan tâm đến thăng bằng của người khác thì rất dễ mất thăng bằng nơi chính mình.

Khi đi máy bay cũng vậy, các hành khách luôn được nhắc nhở rằng nếu gặp tình huống nguy hiểm thì hãy đeo mặt nạ dưỡng khí cho mình trước rồi hãy giúp người già và con cái mình sau. Nếu vội vàng lo giúp người khác thì mình sẽ bị hại đầu tiên, làm sao có thể tiếp tục giúp đỡ mọi người được. Cho nên nguyên lý vẫn là mỗi người trở về tự soi sáng lại chính mình để điều chỉnh nhận thức và hành vi nơi mình được đúng tốt thì tự nhiên mọi mối quan hệ liên quan đều tự trở nên hài hòa. Chỉ cần mỗi người thấy ra được những sai xấu, những cái đang che lấp và trói buộc nơi mình để chúng không còn sinh khởi nữa thì không cần cố "hiểu & thương" mà sự giao tiếp giữa mình và mọi người vẫn tự nó đúng tốt.

Ai cũng biết rằng rất khó để hoàn toàn hiểu người khác một cách lý trí, mặt khác chỉ cần không ghét, không hại người khác là được, chứ không cần phải "thương" ai cả, không cần phải tạo một sự kết nối theo kiểu mối quan hệ giữa các cá nhân. Khi mỗi người đếu sống đúng tốt thì kết nối giữa họ sẽ là sự tương giao một cách tự nhiên vô điều kiện giữa các cá thể, chứ không phải là mối quan hệ có điều kiện giữa các cá nhân với nhau, giữa các"cái Tôi" với nhau. Sự tương giao ấy sẽ tự xảy ra một cách tự nhiên chứ không phải do ý đồ chủ quan của cá nhân nào cố tạo ra mà có được.


HT. Viên Minh

Các tin tức khác

Back to top