Những bước chân trần tại Myanmar
Câu chuyện các nhà sư đi chân đất những nơi có người ở như khi vào làng, thành phố bắt nguồn từ việc đức Phật từ bỏ ngai vàng và đi tu. Trong xã hội Ấn Độ xưa (nơi đức Phật ra đời), chỉ có gia đình rất giàu có mới có dép để đi, trong khi dân thường đều đi chân đất. Đức Phật đã bỏ mọi thứ giàu sang, tiện nghi để đi tu.
Theo Phật giáo nam tông nguyên thủy, nên các nhà sư Myanmar luôn tâm niệm “Tri túc, thiểu dục”, có nghĩa là biết đủ nhưng ít ham muốn, học đức Phật ngày xưa bỏ giàu sang sống nghèo khó, đạt được mọi khôn ngoan.
Những nhà sư đi khất thực tại Yangon
Đoàn tiểu sadi đi khất thực trên đường phố Mandalay
Họ chỉ có bộ y, chiếc bát để đi khất thực, ngoài ra không sở hữu bất cứ thứ gì. Nhiều vị sư tại Myanmar vào sâu trong rừng, tránh xa nơi có người ở để tu thiền. Những vị này đôi khi dùng dép không bít gót nếu đi lại trong rừng để tránh đạp gai.
Mặc dù ngày nay nhiều quy định cũng bớt khắt khe hơn, nhưng nhiều vị sư vẫn giữ luật một cách nghiêm túc.
Tại đất nước Myanmar, có nhiều vùng đất, nơi chốn được coi là linh thiêng, vì thế nếu đến thăm những địa danh này, nhất là những nơi được cho là đức Phật đã ghé thăm hoặc có xá lợi Phật, người dân chỉ được phép đi chân đất vào thăm.
Chân trần leo lên chùa Shwesandaw tại Bagan ngắm hoàng hôn
Nhưng những hướng dẫn bỏ dép khi bước chân vào chùa chưa phải là tất cả. Phải hiểu một cách toàn diện hơn, với người Myanmar, những gì thuộc về tôn giáo luôn là nơi linh thiêng, cần được tôn kính. Thậm chí với những khu vực có xá lợi Phật, phụ nữ cũng không được phép đến gần.
Du khách đi chân trần tại chùa Vàng, Yangon
Người dân khi đặt chân vào những vùng đất linh thiêng ấy thường ăn mặc nghiêm túc, không hở hang, bỏ dép ở ngoài cửa hoặc cổng, đi chân trần vào trong dù thời tiết nóng hay lạnh buốt. Nhiều đền chùa có bảng hướng dẫn, nhưng cũng có nhiều nơi không có bảng ghi chú, nhưng luật bất thành văn là khi bước vào vùng đất linh thiêng, mọi người đều phải bỏ giày dép ở ngoài.
Bên trong chùa có thể là nền gạch, đất, đá, xi măng, thậm chí là cây cỏ mọc um tùm thì người thăm viếng vẫn phải đi chân trần, thậm chí tất vớ cũng không được mang.
Nhiều điểm tham quan phổ biến có nơi giữ dép, miễn phí hoặc lấy phí đôi chút. Phần nhiều du khách phương Tây thường bỏ dép vào giỏ mang theo. Cũng không ít người dán những miếng băng dưới lòng bàn chân vì không quen đi chân đất.
Học trò cầm dép, dắt xe khi đi qua đất của thiền viện
Nhiều đỉnh đồi linh thiêng, được cho là nơi đức Phật đã ghé thăm, trở thành nơi hành hương, thường sẽ có chùa xây dựng trên đỉnh đồi. Tuy nhiên, bất cứ ai lên đây cũng phải bỏ dép ở dưới chân đồi hoặc bỏ vào xách tay trước khi vào thang máy đi lên đỉnh đồi, thí dụ như tại đồi Mandalay, một nơi ngắm hoàng hôn nổi tiếng tại thành phố Mandalay.
Thậm chí, nếu chỉ đi qua vùng đất của chùa hay của tu viện nằm trong khuôn viên làng xã, người dân đi xe đạp hoặc đi bộ, đều phải bỏ dép.
Khi tiếp xúc với các vị sư, nhất là các vị sư đi khất thực, người dân cũng phải cũng bỏ dép, đi chân đất lúc cúng dường cơm mỗi ngày. Đó là lý do người dân Myanmar sẽ không hài lòng nếu thấy bất cứ ai bước vào nơi linh thiêng mà không đi chân trần.
Người dân đi chân trần cúng dường cơm
Việc bỏ dép thường xuyên tại những vùng đất linh thiêng có lẽ là lý do khiến người dân Myanmar thích đôi dép kẹp. Bạn đừng ngạc nhiên khi thấy nhiều nhân viên mặc đồng phục, bỏ áo trong quần, thắt cravate hay cảnh sát cũng đi đôi dép kẹp đơn giản.
Đây cũng là đôi dép mà bạn có thể mua dùng trong những ngày thăm đất nước Myanmar và mang về làm kỷ niệm sau chuyến đi, với giá khoảng 40 - 50 ngàn đồng.
Kiểu dép kẹp thường được sử dụng tại Myanmar
Theo: tinnong.vn
Các tin tức khác
- Bồ tát Di Lặc - Hình ảnh và ý nghĩa (30/01/2014 4:44)
- Mã tổ (30/01/2014 4:37)
- Tu hành như kẻ đào giếng (29/01/2014 3:40)
- Năm pháp bình đẳng (28/01/2014 9:49)
- Hạnh phúc hay khổ đau (28/01/2014 12:02)
- Bánh chưng (27/01/2014 11:26)
- Xuân tự sự (24/01/2014 5:52)
- Con đường về (24/01/2014 5:36)
- Tu hạnh quét rác (24/01/2014 12:05)
- Mê ngộ khác nhau (23/01/2014 11:17)