Thế nào là niết bàn

13/02/2014 4:55
Vào thời Đức Phật còn tại thế có một ẩn sĩ Bà-la-môn khi gặp ngài Xá Lợi Phất liền hỏi:

- Niết bàn, Niết bàn, này ông bạn Xá Lợi Phất xin cho biết đó là cái gì vậy?

Tôn giả Xá Lợi Phất bèn trả lời:

- Sự tiêu diệt lòng tham muốn, sự tiêu diệt lòng nóng giận hận thù, sự tiêu diệt lòng si mê sai lạc là cái mà con người gọi là Niết bàn.

Khi những cảm tính về “Cái Tôi” qua những thể dạng giận dữ, vui buồn, sung sướng, yêu thương, ghét bỏ, thèm khát…biến mất thì người đó đang đi bên cạnh Niết bàn. Mặc dù đây chỉ là loại Niết bàn nho nhỏ, nhưng nó có cùng một bản chất với Niết bàn đích thật. Nói cách khác một khi tâm thức vắng bóng “Cái Tôi” và “Cái Của Tôi” thì đây chính là Niết bàn vậy.

Nếu bạn biết thực hành tĩnh thức chánh niệm đừng cho bất cứ ý niệm nào vào tâm thức, tránh không cho mình bị lây nhiễm thì Niết bàn đó sẽ tồn tại lâu dài. Đức Phật đã từng dạy rằng chỉ khi nào tâm thức quán thấy được hậu quả của sự khổ đau do sự chấp thủ, nắm bắt và bám víu mang lại thì khi đó chính tâm thức mới thật sự chấp nhận buông bỏ. Ngược lại sự quyến rũ, tham ái, thèm khát làm cho tâm thức bị mê mờ nên càng chạy theo ái dục. Cuộc đời tạm bợ ngắn ngủi cho nên người biết buông bỏ để có những giây phút thanh tịnh, an lạc là người biết sống. Ngược lại nhắm mắt làm nô lệ cho vật chất giả tạm, tuy vật chất có thừa nhưng tâm tâm hồn khô khan, thiếu vắng lúc nào cũng bận rộn, tính toán như ma đuổi cho đến khi nhắm mắt mới biết rằng mình chưa bao giờ biết sống cả. Thông thường, những tiêu chuẩn mang lại hạnh phúc là tiền bạc, uy quyền, danh vọng hay khả năng cung phụng lạc thú cho mình, nhưng con người phải trả giá bằng biết bao nỗi khổ niềm đau để có những hạnh phúc đó. Đến khi có nó rối thì cảm thấy nhàm chán, trống không nên muốn đi tìm hạnh phúc mới và cứ thế mà con người mới đi và đi mãi, không dừng lại được. Đức Phật đã nói với tướng cướp Angulimala rằng: “Mặc dù ta đang đi, nhưng ta đã dừng lại. Còn nhà ngươi đã dừng chân hay chưa?” có nghĩa là tuy Đức Phật vẫn sống, vẫn sinh hoạt trong thế giới này, nhưng tâm của Ngài không còn dính mắc, không tham luyến chạy theo thế trần (dừng lại).

Tất bật hơn thua rồi cũng bỏ
Thong dong tự tại vậy mà vui

Ngày xưa, chính Đức Phật cũng đã từng chịu đựng khổ đau trong cung thành Ca tỳ la vệ mà vua cha nghĩ rằng đây là thiên đường đầy lạc thú. Ngài đã buông bỏ tất cả, giải thoát những gông cùm ràng buộc trong tâm thức và sau cùng trở thành đấng giác ngộ.

Hai bàn tay của bạn có thể nắm giữ cả thế gian này, nhưng đến một thời điểm nào đó đôi tay của bạn sẽ quá mệt mõi và sau cùng cũng đành buông xui thôi. Thế thì tại sao không buông bỏ bớt những thứ không cần thiết để cho tâm thức được thư giản, cuộc sống nhẹ nhàng thanh thoát hơn. Có thực tập buông bỏ thì tâm dần dần đến chỗ thanh tịnh, tự tại và sau cùng đạt đến cứu cánh tối thượng là giải thoát Niết bàn.

Ta cứ tưởng trần gian là cõi thật
Thế cho nên tất bật đến bây giờ.

Sau cùng, Phật giáo nhập thế là phải từ cái thế gian đầy ô nhiễm này mà tự mình thanh lọc thân tâm, quán biết đời là giả tạm, cố gắng buông bỏ mỗi ngày một chút thì hoa sen nơi chính mình sẽ vươn lên và nở rộ. Cho dù đóa sen còn nằm trong bùn, sắp vọt ra khỏi bùn, vươn lên khỏi mặt nước hay đã nở rộ thì tất cả đều mang theo bên trong mình một tiềm năng để trở thành những đóa sen tươi đẹp, màu sắc rực rỡ và hương thắm dịu dàng.

 

Trích Cốt lõi Đạo Phật - TG: Lê Sỹ Minh Tùng

Các tin tức khác

Back to top