Trưởng lão Kundadhàna

9/02/2014 2:23
Tương truyền: trong thời Đức Thế Tôn Padumuttara, trưởng lão sanh trong một gia đình sống tại thành Haṃsavati. Một hôm lúc đến chùa nghe pháp, nhìn thấy một vị tỳ khưu được Đức Thế Tôn tán thán có sự thù thắng hơn chư tăng là được nhận thăm trước, muốn đạt được ngôi vị đó, nên chàng cố tìm cơ hội để tạo phước duyên thích ứng.

Rồi cơ hội quý báu ấy đã đến, lúc bất giờ Đức Thế Tôn Padumuttara vừa xả thiền diệt chàng đã cúng dường một nải chuối to chín vàng, Đức Thế Tôn nhận nải chuối ấy rồi thọ thực.

Do thiện sự này, 11 lần chàng được làm thiên chủ, 24 lần làm Chuyển Luân Vương, rôi chàng tiếp tục tạo phước trong thời gian luân chuyển giữa hai cõi trời, người. Đến thời giáo pháp của Đức Thế Tôn Kassapa, chàng sanh làm một vị chư thiên Bhummadeva (địa cư thiên).

Theo thông lệ, khi chư Phật có tuổi thọ dài thì không làm lễ Bố Tát trong mỗi nửa tháng như Đức Phật hiện tại, Đức Phật Vipassi sáu năm mới hành lễ Bố Tát một lần, còn thời Đức Phật Kassapa đến sáu tháng mới đọc tụng giới bổn một lần.

Bấy giờ, trong giáo pháp Đức Phật Kassapa có hai vị tỳ khưu rất thân thiết với nhau, đang trên đường đi đến nơi hành lễ Bố Tát. Vị chư thiên Bhummadeva này nghĩ rằng: "Hai vị tỳ khưu này rất thân thiết với nhau, nếu có người gây chia rẽ, họ có chia rẽ nhau không?" nghĩ như vậy bèn chờ đợi cơ hội. Khi đi được một đoạn đường, một vị cần làm vệ sinh tay chân nên nhờ bạn mình cầm hộ y bát, rồi bước đến lùm cây chỗ có nước trong, vị chư thiên này chờ vị tỳ khưu rửa ráy xong, rời khỏi lùm cây liền biến thành một phụ nữ xinh đẹp với tóc xoã đang cột lại, phủi bụi, rồi chỉnh trang lại quần áo bước theo sau lưng vị tỳ khưu vừa rời khỏi lùm cây. Vị tỳ khưu đứng chờ ở ngoài thấy vậy, tâm phẫn nộ phát sanh, nghĩ rằng: "Tình cảm thân thiết bấy lâu nay với tỳ khưu này đến đây là hết. Nếu biết y có nhiều tham dục như vậy, ta đã không kết thân với y". Sau khi vị ấy đến, vị này bèn nói rằng: "Này hiền giả hãy nhận lại y bát, từ nay ta sẽ không đi chung với người thấp hèn như ông nữa". Nghe lời này, vị tỳ khưu cảm thấy đau nhói như bị ai cầm dao bén đâm vào người vậy, liền hỏi vị tỳ khưu bạn rằng:

- "Này hiền giả! hiền giả nói gì tôi không hiểu, tôi có phạm tội gì chăng? Vì sao hiền giả gọi tôi là người thấp hèn!"

- "Tôi vừa thấy ông bước ra khỏi lùm cây cùng với người phụ nữ tóc tai y phục xốc xếch, chẳng phải vậy sao?"

- "Này hiền giả! chuyện này không có và tôi cũng không thấy người phụ nữ nào cả!"

Mặc dù vị tỳ khưu bị oan đính chính đến ba lần nhưng vị tỳ khưu bạn vẫn không tin, cho rằng điều mình thấy là sự thật và không đồng hành với vị ấy, đã rẽ sang một con đường khác đến chỗ Đức Thế Tôn ngự.

Đến giờ hành lễ Bố Tát, chư tăng câu hội nơi chánh điện, vị tỳ khưu bạn nhìn thấy vị kia nơi chánh điện liền đi ra ngoài với sự suy nghĩ rằng: "Vị tỳ khưu như vậy có mặt trong chánh điện thì ta sẽ không làm lễ Bố Tát chung".

Lúc bấy giờ vị chư thiên suy nghĩ rằng: "Ta đã tạo một ác nghiệp rồi" nên hoá thành một cận sự nam đi đến chỗ vị tỳ khưu bên ngoài thưa rằng:

- Bạch tôn giả! Vì sao Ngài lại đứng đây?

- Này cận sự nam! Có một vị tỳ khưu thấp hèn đi vào trong chánh điện, tôi không thể hành lễ Bố Tát với vị ấy nên tôi ra đứng đây.

- Kính bạch tôn giả! Ngài chớ nghĩ thế, vị tỳ khưu ấy có giới trong sạch, người phụ nữ ngài thấy chính là tôi hoá ra để thử tình bạn của hai vị, xem tình bạn của hai vị có vững chắc hay không.

- Này cận sự nam! Ông là ai?

- Kính bạch tôn giả! Tôi là một thiên nhân.

Sau khi trình bày việc làm của mình xong, vị chư thiên quỳ dưới chân vị tỳ khưu cầu xin rằng:

- Kính bạch tôn giả! Xin Ngài hãy tha lỗi cho tôi, vị tỳ khưu kia không hay biết chi cả, xin Ngài hãy hành lễ Bố Tát chung.

Nói xong rồi cung thỉnh vị tỳ khưu kia vào chánh điện, vị tỳ khưu ấy đi vào chánh điện bằng lòng hành lễ Bố Tát chung nhưng không ngồi kế cận vị tỳ khưu bị oan và cũng không đề cập đến chuyện của vị ấy nữa. Vị tỳ khưu bị oan tinh cần nỗ lực hành pháp không bao lâu cũng được chứng quả Alahán.

Do quả của hành động này, vị chư thiên phải đoạ vào khổ cảnh suốt một thời kỳ Đức Phật, đến thời giáo pháp của bậc đạo sư chúng ta, vị ấy được sanh vào gia đình bàlamôn trong thành Sāvatthī và có tên là Dhāna. Dhāna khi lớn lên học nằm lòng tam phệ đà. Một hôm Dhāna đến nghe Đức Phật thuyết pháp, ông phát khởi niềm tin và xin xuất gia.

Kể từ ngày ông thọ cụ túc giới xong, luôn luôn có bóng hình người phụ nữ hiện hữu sau lưng, cho dù lúc ông vào làng khất thực, lúc tại chùa, lúc trong cốc bóng hình người phụ nữ ấy vẫn theo sát bên mình, đó là do ác nghiệp cũ còn dư sót, nhưng tỳ khưu Dhāna không thấy, những người khác thì thấy. Khi trưởng lão đi khất thực, những người phụ nữ đến cúng dường vật thực họ thường nhạo rằng:

- Bạch tôn giả! Đây là phần vật thực dành cho Ngài, đây là phần vật thực dành cho bạn của chúng tôi.

Với sự chế nhạo như thế khiến cho trưởng lão vô cùng vất vả trong việc khất thực. Thậm chí có một số tỳ khưu trẻ và sa di chế diễu rằng "ông Dhāna tồi tệ".

Kể từ đó trưởng lão có cái tên mới là:Kuṇḍadhānathera, trưởng lão cố gắng kham nhẫn, nhưng không thể chịu đựng được sự nhạo báng quá nhiều từ các vị tân tỳ khưu và sadi nên đã phẫn nộ rằng: "Hỡi bọn tồi tệ, thầy tế độ của các ngươi, thầy giáo thọ của các ngươi đều là bọn tồi tệ".

Chư tỳ khưu đến Đức Thế Tôn bạch rằng: "Kính bạch Đức Thế Tôn! Kuṇḍadhāna đã dùng ác ngữ đối với các tân tỳ khưu và sadi". Đức Thế Tôn cho gọi trưởng lão Kuṇḍadhāna đến, phán hỏi rằng:

- Này Dhāna! Có phải ngươi đã dùng ác ngữ với các tân tỷ khưu và sadi chăng?

- Bạch Thế Tôn sự thật là vậy.

- Vì sao ngươi lại thốt lên những lời ấy?

- Bạch Thế Tôn con không thể kham nhẫn nổi với những lời nhạo báng đó nên nói như thế.

- Này Kuṇḍadhāna! Ngươi không thể làm cho ác nghiệp ngươi tạo ra trong quá khứ chấm dứt, nên mới kéo dài đến ngày nay. Ngươi chớ dùng những lời như thế nữa. Rồi ngài dạy rằng:

- Này Dhāna! Ngươi chớ có dùng lời ác với ai, người bị ngươi mắng sẽ mắng trả lại ngươi bởi lời tranh đấu khiến cho đau khổ, hình phạt sẽ đáp lại ngươi, nếu tâm ngươi không dao động như cái chiêng bị vỡ, thì ngươi sẽ chứng đạt Nípbàn, sự tranh chấp sẽ không có với ngươi.

Thế rồi dân chúng mang chuyện trưởng lão và người tấu trình với Đức vua Kosala. Đức vua truyền các thị vệ đến phán rằng:

- Này các khanh, các khanh hãy đi, hãy dò xét cẩn thận rồi về tâu lại cho trẫm.

Và Đức vua thân hành ngự đi đến chỗ ở của trưởng lão với vài thị vệ, sau khi đến Ngài đứng nép một bên để quan sát. Bấy giờ trưởng lão đang ngồi Sūcikamma (làm kim) khâu vá y, người phụ nữ cũng đứng gần đó, Đức vua thấy vậy mới suy nghĩ rằng: "Chuyện này là thế nào?", Ngài bèn đi đến chỗ người phụ nữ đang đứng, khi Đức vua ngự đến, người phụ nữ ấy đi vào thảo am của trưởng lão.

Đức vua ngự vào thảo am, Ngài quan sát khắp nơi nhưng chẳng thấy ai cả, Ngài suy nghĩ rằng: "Đây có lẽ không phải là phụ nữ thật, chắc là do quả nghiệp của trưởng lão".

Đức vua ngự đến cúi chào trưởng lão, ngồi xuống một nơi phải lẽ rồi hỏi rằng:

- Kính bạch tôn giả! Ngài khất thực có dễ dàng chăng?

- Tâu Đại Vương! Cũng vừa đủ.

- Kính bạch tôn giả! trẫm hiểu lời nói của tôn giả rồi, với hoàn cảnh của tôn giả như vậy, thật khó có ai phát khởi tịnh tín đến Ngài, kể từ nay trở đi, tôn giả không cần phải đi đâu cả, trẫm sẽ hộ độ tứ vật dụng cho tôn giả, xin tôn giả hãy tinh cần chớ có dễ duôi".

Từ khi được sự hộ độ cúng dường của Đức vua Kosala, tâm của trưởng lão được an ổn, trưởng lão tinh cần phát triển thiền quán, không bao lâu chứng quả Alahán, cùng lúc ấy hình bóng người nữ cũng biến mất.

Lúc bấy giờ, nàng tín nữ Mahāsubhaddā (con gái trưởng lão Anāthapiṇḍika) được gả về làm dâu trong nhà của một gia đình tà kiến, tại thành Ugga. Một hôm vào buổi sáng, sau khi tẩy sạch thân thể, nàng lên lầu thượng, nguyện thọ trì bát quan trai giới rồi cầm các tràng hoa lên chú nguyện rằng: "Xin cho các tràng hoa này đừng rơi xuống, hãy kết thành một tràng hoa lớn che trên đầu của Đức Thế Tôn, qua dấu hiệu này, con cung thỉnh Đức Thế Tôn cùng với 500 vị tỳ khưu đến thọ thực tại nhà con vào sáng ngày mai". Nguyện xong nàng ném 8 tràng hoa lài lên hư không, 8 tràng hoa kết lại bay đến che trên đầu của Đức Thế Tôn trong lúc Ngài đang thuyết Pháp. Đức Thế Tôn hiểu rõ sự việc, Ngài hướng tâm nhận lời thỉnh nguyện của nàng Mahāsubhaddā. Hôm sau, khi trời vừa sáng, Ngài phán dạy Đại Đức Ānanda rằng: "Này Ānanda! Hôm nay chúng ta sẽ đi khất thực xa ngươi chớ phát thăm đến các vị tỳ khưu phàm, hãy phát thăm đến các vị Thánh". Đại đức Ānanda thông báo với chư tỳ khưu rằng: "Này các hiền giả! Hôm nay Đức Thế Tôn đi khất thực xa, các vị còn phàm chớ nên nhận thăm hãy dành thăm cho các bậc thánh". Trưởng lão Kuṇḍadhāna đưa tay ra trước tiên và nói rằng:

- Này hiền giả! hiền giả hãy cho tôi thăm.

Đại đức Ananda nói rằng:

- Đức Thế Tôn không cho phát thăm đến những vị tỳ khưu như hiền giả. Ngài dạy chỉ phát thăm đến các bậc thánh.

Vừa nói xong Đại Đức Ananda cảm thấy áy náy, bèn vào bạch với Đức Thế Tôn, Đức Thế Tôn dạy rằng: "Này Ānanda! Hãy phát thăm đến người xin".

Đại đức Ānanda suy nghĩ: "Nếu thăm không thích hợp với trưởng lão Kuṇḍadhāna thì Đức Thế Tôn đã ngăn cản, trong chuyện này hẳn có nguyên nhân chi đây. Ta sẽ cho thăm đến trưởng lão Kuṇḍadhāna".

- Này hiền giả Ānanda! Đức Thế Tôn đã biết tôi nên Ngài không ngăn cản tỳ khưu như tôi.

Rồi đưa tay nhận lấy thăm từ Đại Đức Ānanda. Đức Thế Tôn do nhân đó làm duyên sự, Ngài tuyên bố trước chư tăng sự thù thắng của trưởng lão Kuṇḍadhāna hơn chư tăng "Người nhận được thăm trước".

Chư tỳ khưu phàm không biết ân đức của trưởng lão là bậc Alahán, xứng đáng được nhận thăm trước nhất nên có sự thắc mắc, để giải trừ nghi hoặc của các phàm tỳ khưu ấy, trưởng lão bèn bay lên hư không, hiểu diễn thần thông và xác chứng quả Alahán của mình bằng bài kệ rằng:

"Vị tỳ kheo chặt đứt
Năm hạ phần kiết sử
Năm thượng phần, từ bỏ
Tu tập làm tăng trưởng
Năm pháp trợ giác ngộ
Năm chướng ngại vượt qua
Được gọi vượt bộc lưu"

Theo: Lời vàng bậc Thánh

Các tin tức khác

Back to top