Vì hạnh phúc và an lạc cho mọi người

10/03/2014 10:44
Đức Phật nói: Chúng sinh bị trầm luân trong bể khổ luân hồi. Bể khổ đó không phải là bể nước mặn. Nếu bể khổ là nước mặn thì chỉ cần lên núi ở tức khỏi bị khổ, khỏi bị trầm luân.

Người ta sinh ra đời không khác gì trái cây ở trên cành: có những trái lớn, có những trái nhỏ; có những trái xanh, có những trái già... Những trái cây ấy đã có lúc sinh ra tức có ngày rụng xuống: trái rụng trước, trái rụng sau... nhưng rồi trái nào cũng phải rụng xuống hết. Rụng xuống để biến thành cành hoa thơm hay rụng xuống để biến thành cây cỏ dại... nhưng rồi trái nào cũng phải rụng xuống hết. Con người đã có sanh đều có chết. Chết để mà sanh theo nghiệp lực thiện ác, khổ vui, xấu tốt.

 
Sự có mặt của loài người ở đời cũng như thế: có người sống 50 tuổi, người 70 tuổi, người 80 tuổi, hy hữu có người sống đến 100 tuổi hay hơn trăm tuổi, nhưng rồi cũng có ngày phải qua đời. Người trước kẻ sau không ai tránh khỏi! Sự sống thật là bấp bênh nhưng cái chết lại là rất chắc chắn. Bấp bênh vì lẽ không ai biết được rằng mình sống được năm nào, sống được ngày nào, sống được giờ nào, sống được phút nào, nhưng sự chết lại không một ai tránh khỏi. Người chết trước, kẻ chết sau. Có sanh thì có chết, đó là định luật tất nhiên ở trên hành tinh này và của các pháp hữu vi sanh diệt.
 
Vậy thì một lần sanh là một lần chết, không luận là thánh phàm, không luận là ngu trí, không luận là giàu nghèo... về cái chết thì ai cũng như ai, nhưng khác nhau ở chỗ người biết chọn cách chết, người không biết chọn cách chết cho hay, cho đẹp mà thôi. Nói chọn cách chết có nghĩa là biết chọn cách sống. Sống như thế nào sẽ chết như thế đó. Cho nên nếu ta muốn cái chết được thanh tịnh, được nhẹ nhàng, được mọi người thương mến tức phải chọn lấy cách sống hiền lành, đạo đức, ích lợi cho mình, cho gia đình và cho tất cả những người khác.
 
Phật dạy có bốn hạng người có mặt trên thế gian này [*]:
 
Hạng thứ nhất là hạng người lo làm khổ mình, chuyên làm khổ mình.

Hạng thứ hai là chuyên làm khổ người.

Hạng thứ ba là chuyên làm khổ mình và làm khổ người.

Hạng thứ tư là không làm khổ mình và không làm khổ người.
 
(1). Hạng thứ nhất là hạng chuyên làm khổ mình, tức là hạng người chỉ biết sống một cuộc đời buông xuôi, lêu lổng, lười biếng, cờ bạc rượu chè, say sưa đắm đuối, ỷ lại, buông thả cuộc đời mình theo con đường xấu xa, hẹp hòi tối tăm, không có lợi ích gì cả. Đó là hạng người làm khổ mình.
 
(2). Hạng thứ hai là hạng người chuyên làm khổ người, là những người sanh tâm điên đảo, xấu xa độc ác, để phỉnh gạt, để lấy của người khác về làm của mình, để sát hại người khác, không biết sự đau khổ của người khác chính là sự đau khổ của mình, không hiểu được lời dạy của đức Phật. Ngài dạy rằng:
 
"Ai cũng sợ gươm đao, ai cũng sợ sự chết, vậy hãy lấy lòng mình suy lòng người, chớ giết, chớ bảo giết", "Ai cũng muốn xa tránh điều khổ, ai cũng muốn có hạnh phúc. Vậy hãy lấy lòng mình suy lòng người, đừng gây điều khổ cho người khác, đừng phá hại hạnh phúc của người khác", "Ai cũng có gia đình, thân nhân muốn bảo bọc, muốn duy trì hạnh phúc được tốt đẹp. Vậy thì đừng phá gia đình, đừng phá thân nhân của người khác", "Ai cũng muốn của cải mình được trọn vẹn yên ổn, vậy hãy lấy lòng mình suy lòng người, giữ gìn của cải của người khác, đừng xâm phạm, đừng gian tham, đừng bóc lột, đừng cướp giựt!..."
 
Đó là những lời dạy sáng suốt, rõ ràng, thiết thực trước mắt mà đức Phật đã ban cho chúng sanh cách đây hơn hai nghìn năm trăm năm rồi. Nhưng bài học đó thật hiếm người theo được. Cho nên cuộc đời của chúng ta ít đem lại niềm vui cho mình, cho người, ngược lại gieo rắc xấu xa, gieo rắc khổ đau, gieo rắc rối loạn cho mình, cho người và cho gia đình.
 
(3). Hạng người thứ ba là hạng người làm khổ mình, làm khổ người. Đó là hạng người sống hoàn toàn không có đạo đức, không có lý tưởng, không có nhân nghĩa. Chuyên sống với một tâm tình nhỏ hẹp, xấu xa, vị kỷ, làm những việc độc ác để bồi bổ cho béo cái thân mình; nói những lời độc ác để thu lợi về cho mình, phỉnh gạt, lừa đảo, giết chóc, không tôn trọng tài sản, sự sống của kẻ khác. Chiếm đoạt tài sản của người, giết hại người cũng chẳng có lợi ích gì cho mình hết. Đó là hạng người làm khổ mình và chuyên làm khổ người.
 
(4). Hạng người thứ tư là hạng người không làm khổ mình, không làm khổ người. Tức là hạng người biết sống đạo đức, biết sống theo lẽ phải, biết sống thế nào để đem lại an vui, hoan hỷ mà không gieo rắc tai họa, khiếp hãi; biết sống thế nào để đem lại hân hoan cho kẻ khác chứ không sống mà đem lại sự e dè, sợ sệt cho người. Đó là những người luôn luôn nghĩ đến hạnh phúc của mình, hạnh phúc của người để tạo dựng một cuộc đời hạnh phúc cho cả hai bên, vì biết được rằng người có hạnh phúc thì mình mới có hạnh phúc, mình có hạnh phúc người mới có hạnh phúc. Nếu mình chỉ lo hạnh phúc cho mình mà phá hại hạnh phúc của người khác thì không thể nào riêng mình có hạnh phúc trong khi xung quanh mọi người không được hạnh phúc. Nếu mình giàu có đủ ăn một ngày ba bữa trong khi xung quanh mình toàn là những người thiếu ăn thiếu mặc, thì không thể nào an vui giữa những sự thiếu thốn của những người khác được.
 
Vậy giữa mình với người có một sự tương quan chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau mới tồn tại, mới yên vui, nếu phá hại lẫn nhau thì cả hai đàng đều đau khổ.
 
Phật dạy: "Thân mạng vô thường". Có đó rồi không đó tựa như nước trên dốc chảy xuống, như sương đọng ban mai. Lời dạy đó nếu như ta không nghiệm kỹ, ta thấy hơi khó hiểu, bởi vì cái thân ta đây, ta bồi dưỡng, ta sống trong nhà cao cửa đẹp... tại sao như sương mai được. Nhưng kỳ thật nhìn cho kỹ: trăm năm là mấy? Chỉ như trong khoảng nháy mắt mà thôi; 70 năm, 80 năm là mấy? Chỉ trong nháy mắt mà thôi.
 
Tóm lại, khi ta chiêm nghiệm được điều đó rồi, thấy cái thân ta như hạt sương trên đầu cỏ ban mai mà thôi. Đã biết như hạt sương trên đầu cỏ ban mai thế mà còn gây nhau, còn đánh nhau, còn tìm cách giết hại lẫn nhau, tìm cách bóc lột nhau, tìm cách làm khổ nhau thì đó là một điều mê lầm trọng đại. Gặp gỡ nhau trên cõi đời này là một duyên tốt, những không biết tu hành không biết cải sửa, đó là một duyên xấu.
 
Khi đã là duyên tốt thì sẽ làm thượng thiện nhơn với nhau trong cõi cực lạc, được sung sướng vĩnh viễn. Khi đã cùng nhau làm duyên xấu thì oan oan tương báo không thể tránh khỏi những điều khổ đau, cho nên hàng Phật tử chúng ta theo Phật, niệm Phật, tụng kinh, cố gắng làm lành. Làm hạng người thứ tư, hạng người không làm khổ mình, không làm khổ người và tránh không làm ba hạng người trước. Được như vậy tất nhiên chúng ta làm tròn chí nguyện giải thoát cho mình, đồng thời báo đáp công ơn sâu dày của đức Phật, của cha mẹ, sư trưởng, quốc gia xã hội vậy ./.
 
[*] Tăng Chi, tập II A, trang 130.
 
Trích bài viết cùng tên - HT. Thích Thiện Siêu

Các tin tức khác

Back to top