Lâm Tế và con đường tìm đến giác ngộ

26/03/2014 3:39
Thời gian lững lờ trôi nhanh, như chiếc lá vàng vừa mới rụng, đã ba năm trôi qua mà Lâm Tế chưa tìm thấy được bản lai diện mục của mình, dù hằng ngày sống trong không khí bao phủ của Thiền. Mãi đến khi vị thủ tọa hỏi:

- Ông ở đây bao lâu rồi ?

- Thưa ba năm.

- Ông đã gặp Thầy lần nào chưa ?

- Thưa chưa.

- Tại sao chưa?

- Tại vì tôi không có câu nào để hỏi Thầy.

Vị thủ tọa bảo: “Đi gặp Thầy và hỏi yếu chỉ đạo Phật là gì.” Lâm Tế vâng lời và đến gặp Hoàng Bá để hỏi: “Yếu chỉ đạo Phật là gì?” Câu hỏi vừa xong âm vang của nó chưa kịp tan loãng vào hư không Lâm Tế bị đánh ba mươi hèo. Đã ba lần như vậy và lần nào cũng đau thấu tâm can thân xác mỏi mệt vì thấm đòn. Ra về mà lòng vẫn còn hậm hực, thiểu não, Giác ngộ làm gì? Khi thân xác rã rời tâm tư khép chặt, nỗi đau nói không nên lời, nhưng Lâm Tế quyết không hề nãn lòng thối chí trước những hung bạo của Huỳnh Bá. Ba năm trường Lâm Tế đến Huỳnh Bá để tìm cầu sự chứng ngộ, lẽ nào không có một câu hỏi với sư phụ thì làm sao có thể giải đáp cho mình sự tha thiết cầu mong. Có lẽ sự yên lặng ấy là giai đoạn Lâm Tế đang tự mình truy cứu bằng những phương thức để thấy được bổn tâm, và có lẽ chính nhờ tự gõ vào tâm thức ấy mà Lâm Tế cảm thấy mù mờ mọi ngôn từ không có gì để hỏi Huỳnh Bá, từ đó quá trình tu tập thu ngắn lại, khi mà vị Thủ tọa biết thời cơ mới khuyên Lâm Tế tìm gặp Sư phụ. Sau đó ba lần hỏi đều bị ăn đòn, mà con đường giác ngộ vẫn chưa thấy. Lâm Tế quyết định đi tìm thầy khác. Huỳnh Bá chỉ ngài đến Đại Ngu, khi Lâm Tế đến, Đại Ngu hỏi:

- Ở đâu tới?

- Ở Hoàng Bá

- Hoàng Bá có dậy dỗ những gì ?

- Nghĩa Huyền nầy ba lần hỏi về yếu chỉ của đạo Phật thì cả ba lần đều lãnh đủ nhiều gậy mà chẳng được dạy gì cả, chẳng biết tôi có lỗi gì ?

Đại Ngu bảo:

- Chẳng ai có thể tốt bụng hơn gã Hòa Thượng hủ lậu đó, thế mà ngươi còn muốn biết mình có lỗi ở đâu.

Bị Đại Ngu la rầy quở mắng Lâm Tế mới chợt thấy được cái dụng của Hoàng Bá chứa đầy sự thương mến trong cung cách tàn bạo. Ngài bèn thốt lên:

- Thế ra Phật Pháp của Hoàng Bá chẳng có chi nhiều.

Đại Ngu nắm ngay lấy cổ áo của Lâm Tế và bảo:

- Phút trước nhà ngươi nói không hiểu nổi, bây giờ bảo chẳng có chi nhiều, thế nghĩa là gì ?

Lâm Tế không trả lời, lại đánh vào cạnh sườn Đại Ngu ba thoi. Đại Ngu gỡ ra và bảo: “Thầy ngươi là Hoàng Bá, việc này chẳng can gì đến ta”.

Khi Lâm Tế trở lại, Hoàng Bá hỏi:

- Sao lại về nhanh thế ?

- Vì thầy quá tử tế như bà nội.

Hoàng Bá nói:

- Đợi khi nào gặp gã Đại Ngu ấy ta cho gã hai chục gậy.

Lâm Tế đáp: “Khỏi cần gặp, có ngay đây”.

Vừa nói, vừa vỗ cho lão hòa thượng một chưởng thật nặng. Lão hòa thượng cười ha hả !

Lâm Tế trải qua những trận đòn hối thúc đau điếng và cũng chính nhờ những lần đau ấy mà tâm thức trở nên tinh luyện, chặng đường đi đến tìm gặp Đại Ngu là cơ hội để Lâm Tế suy gẫm thật nhiều cung cách mà Hoàng Bá đã đối xử với Lâm Tế, và nhờ đó điểm cuối cùng có cơ may bùng dậy khi nghe những lời trách bảo của Đại Ngu. Lâm Tế dù không hỏi Hoàng Bá trước đó, bởi khoảng thời gian nầy đang có những cái bất an, bao phủ tâm tư một cách mù mờ, chưa tìm gặp vị thế hẳn hoi, nhưng không khí Thiền hàng ngày Lâm Tế cảm nhận vẫn là những trợ duyên vô cùng cần thiết và tác động mãnh liệt trong nội tâm của ngài, tự mình chìm lặng trong cái ẩn hiện mênh mang của Thiền. Nếu không gõ cửa thì cửa không bao giờ mở. Lâm Tế chỉ thấy một cách mang máng ở tâm tư mình nhưng, vẫn chưa xác định sự hiện diện của nó là cái gì, chỉ có dấu hỏi to tướng nhưng Lâm Tế chẳng biết phải hỏi như thế nào, có cái gì không được an ổn đang ngự trị, những rối rắm chưa biết đâu là đầu mối để phăng ra khỏi cái gút, mãi đến khi “Yếu chỉ Phật Pháp là gì ?” Lâm Tế mới bám chặt vào công án nầy, từ đó phăng ra con đường đi đến giác ngộ. Những mù mờ thấp thoáng trở nên những chất liệu cần thiết để Lâm Tế đủ năng lực bám thật chặt vào gút ấy, cái ẩn ngăn nầy là những diệu dụng mà Lâm Tế đã huân tập trong ba năm nhưng, không biết xử dụng nên nó trở thành bàng bạc không rõ. Nhờ cái ấn nhẹ tay của Đại Ngu, Lâm Tế mới choàng mình thấy được Phật Pháp nơi Hoàng Bá.

Con đường giác ngộ của Lâm Tế quả cam go, bù lại để được những lời giải thích thì có những cú đánh thay câu trả lời. Ngài đủ kiên nhẫn chịu đựng đến lần thứ ba quả cũng vĩ đại rồi. Để rồi sau đó cuộc đời Lâm Tế xử dụng tiếng hét, cú đánh như trước đó ngài tận hưởng. Chính nhờ thấu triệt tấm lòng từ của Sư Phụ nên Lâm Tế không ngần ngại áp dụng phương cách nầy và cũng để biểu lộ, khai thị kẻ đối diện sự thương mến đi kèm với tiếng hét cú đánh.

 

Theo Thư Viện Hoa Sen

Các tin tức khác

Back to top