Để yên không can thiệp thật sự là như thế nào?

27/01/2025 8:38
Hỏi: Con kính đảnh lễ Thầy. Kính thưa Thầy trong những lời khuyên cho các Phật tử: Có lúc Thầy khuyên mình nên cụ thể làm một cái gi đó để giúp người khác. Ví dụ câu trả lời giúp mẹ đổi một nghề khác tránh sát sanh, nhờ người khác nói giúp... Và có những lúc Thầy khuyên hãy cứ để yên cho họ học bài học của họ, và mình học bài học của mình. Kính xin Thầy hoan hỷ soi sáng hơn cho chúng con về nguyên lý hành xử này. Con xin kính cám ơn Thầy, và chúc Thầy nhiều sức khỏe.



Đạo Nho có câu "Tận nhân lực tri thiên mệnh" nếu hiểu theo Phật Pháp là cứ làm tốt nhất theo khả năng rồi qua đó học ra bài học chân lý của pháp. Và đây chính là nguyên lý cốt lõi của đạo Phật mà Thầy thường nói đến là "Tùy duyên thuận pháp, vô ngã vị tha", trong đó nhận thức và hành vi là mấu chốt chủ đạo.


Giúp người khác một cách cụ thể là hành vi, qua đó học ra thế nào là đúng sai, xấu tốt, thiện ác, nhân quả, sinh diệt... là nhận thức.


Tu chính là quá trình chuyển hóa nhận thức và hành vi ngay đây và bây giờ. Trong quá trình đó:


Hành vi biểu hiện nhận thức


Và nhận thức soi sáng hành vi.


Nên trong Dīgha Nikāya đức Phật dạy giới luật giúp trí tuệ phát huy và trí tuệ giúp giới luật hoàn hảo. Giới luật là hành vi, trí tuệ là nhận thức, cả hai bổ túc cho nhau trong sự giác ngộ viên mãn.


"Cứ để yên cho mọi người học bài học của mình" nghĩa là không can thiệp bởi khái niệm, quan niệm, quy ước, mẫu mực nào... của lý trí. Nếu con áp dụng điều này như một công thức của lý trí thì đó mới chính là can thiệp chứ không phải bằng một hành vi cụ thể.


Thí dụ, con thấy một em bé băng qua đường một cách nguy hiểm, con có thể lập tức đưa tay giữ em lại khi một chiếc xe đang phóng nhanh trước mặt. Lúc đó nếu con áp dụng công thức "cứ để yên..." thì đã bị lý trí can thiệp chứ không để yên chút nào.


Nhưng khi thấy và làm một cách trực tiếp, tự nhiên và trong sáng thì cả nhận thức và hành vi đều vô vi nên vẫn là hành động không tạo tác (duy tác) như thế lại có nghĩa là để yên. Lão Tử nói "Vô vi nhi vô bất vi" là vậy.


Những lời Phật dạy hoặc những gì Thầy trình bày là để soi sáng sự thật chứ không phải những công thức để áp dụng một cách lý trí. Chính vì không thấy chỗ trọng yếu này nên Chánh pháp mới trở thành mạt pháp...


Thầy Viên Minh


Các tin tức khác

Back to top