Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành

12/05/2014 8:56
Phật đạo là chỗ vô thượng không có gì trên được nữa và chúng ta thệ nguyện thành tựu chỗ đó. Tức là tu hành nguyện thẳng đến thành Phật đạo chứ không phải dừng bước giữa chừng, và dù có trải qua vô số kiếp khổ nhọc nhưng vẫn quyết chí tu đến chỗ tột cùng chứ không phải chỉ tu đạt được một vài đạo quả rồi hài lòng. Phải phát tâm tu đến rốt ráo chứ không phải chỉ tu một lúc rồi thôi. Cũng không phải sợ Phật đạo cao xa khó thành nên tu chứng được vài đạo quả như Tu-đà-hoàn cũng đủ vốn, như vậy tức là tâm vẫn còn nhỏ hẹp.

Ở đây dạy tu là phải tu cho đến rốt ráo chứ không phải cho đó là điều cao xa nên không dám mong tới. Bởi vì đa phần chúng sanh ít dám mong thành tựu quả Phật, chỉ nghĩ là mình tu chứng được vài đạo quả cũng tốt rồi, nếu đợi tu cho tới thành Phật thì còn xa quá. Nhưng Phật dạy chúng ta phải thấu rõ, phải phát tâm niệm mạnh mẽ như vậy để thành Phật chứ không phải chỉ tu nửa chừng.

Tinh thần của nhà Phật là bình đẳng, vì tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tức là tất cả chúng sanh đều có thể thành Phật chứ không phải tu rồi về quỳ dưới chân Phật. Nên Phật nói rõ: "Ta là Phật đã thành, còn các ngươi là Phật sẽ thành". Đây chính là bản hoài của chư Phật khi xuất hiện ra đời như trong kinh Pháp Hoa đã nói, Ngài nhằm chỉ cho tất cả chúng sanh hay là khai thị cho tất cả chúng sanh ngộ nhập vào tri kiến Phật để thành Phật. Bản hoài của Phật là giúp tất cả chúng sanh nhận ra tri kiến Phật nơi mình để tỏ ngộ và sống được như Phật, chứ không phải dạy các ông tu rồi về quì dưới chân ta. Phật rất bình đẳng.

Người tu hành nhờ thấu rõ được như vậy thì sẽ có niềm tin mạnh mẽ, có tâm quyết chí tu hành đến ngày thành Phật đạo mới thôi. Nhờ có đủ niềm tin nên chúng ta thẳng tiến trên đường tu.

Hiểu sâu thêm sẽ thấy rõ là, ý nghĩa thành Phật đạo tức là thành trong tự tâm của mình chứ không phải ở đâu khác. Phật đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là ở ngay trong tự tâm của mình, vì ở ngay trong tự tâm của mình nên chẳng phải lo sợ tìm ở chỗ khác mà cũng chẳng lo sợ chẳng thành, nên nói thành mà cũng không có gì để thành.

Đó là ý nghĩa: "Vô chứng vô đắc" tức là không có thể chứng, không có thể đắc. Nghĩa là trở về với lẽ thật nơi chính mình, sống trở về với Phật tánh của chính mình đã quên vậy thôi. Thành Phật là thành ngay nơi chính mình chứ cũng không phải thành ở nơi cái mới được, mới có. Cho nên, trong kinh Duy-ma-cật có đoạn thiên nữ cùng luận đạo với ngài Xá-lợi-phất:

Ngài Xá-lợi-phất thấy tiên nữ hiểu đạo sâu nên Ngài mới hỏi: "Như vậy thì còn bao lâu nữa cô sẽ đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?" Thiên nữ đáp: "Nếu như ngài Xá-lợi-phất trở lại làm phàm phu thì chừng đó tôi mới thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác." Ngài Xá-lợi-phất nói: "Không bao giờ có chuyện tôi trở lại làm phàm phu." Thiên nữ nói: "Thì cũng không có chuyện tôi được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tại sao? Vì Bồ-đề không có chỗ trụ cũng không có tự tánh".

Qua đó, chúng ta thấy thiên nữ có trí tuệ thấu được đến những lẽ thật này. Nói thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nhưng sự thật không thành ở đâu khác. Nên tiên nữ mới nói: "Nếu ngài Xá-lợi-phất trở lại làm phàm phu thì tôi mới thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác". Ngài Xá-lợi-phất nói: "Tôi đã là A-la-hán, làm sao trở lại làm phàm phu được" Thiên nữ nói: "Cũng vậy, tôi cũng không bao giờ trở thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác được. Tại sao? Vì Bồ-đề không có chỗ trụ tức không có chỗ được".

Ngài Xá-lợi-phất mới vặn lại: "Hiện nay chư Phật được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chư Phật đã được, chư Phật sẽ được nhiều như số cát sông Hằng, như vậy sẽ nói thế nào ?". Ngài nói hiện nay không phải chỉ một Đức Phật Thích Ca thành Phật, mà còn vô số Phật trong hằng hà sa số cõi nữa. Đó là ngay trong cõi hiện tại, còn quá khứ, vị lai sau này sẽ còn vô số Phật sẽ thành Phật nữa, là sao ?

Thiên nữ nói: "Đó thảy đều do văn tự thế tục ghi chép nên nói có ba đời, chẳng phải Bồ-đề có quá khứ, hiện tại, vị lai." Tiên nữ nói rõ là, sở dĩ nói có chư Phật đã được Bồ-đề, chư Phật đang được Bồ-đề, chư Phật sẽ được Bồ-đề đều là nói theo văn tự thế tục, tức theo ngôn ngữ ghi chép của thế gian chứ còn trên lẽ thật thì Bồ-đề không có quá khứ, hiện tại, vị lai, tức là Bồ-đề không có cái đã được đang được và sẽ được. Bồ-đề mà nói là sẽ được thì tức là hiện tại chưa được, vậy là thuộc về tạo tác vô thường, không phải Bồ-đề chân thật. Nhưng đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là ngay trong tự tâm của chính mình, không phải thành ở bên ngoài, không phải là cái mới được. Cho nên chúng ta không lo sợ là sẽ không được thành Phật.

Hiểu vậy thì không lo sợ không được, tức là không sợ đó là việc ngoài tầm tay của mình nên không dám nghĩ tới. Thường nhiều người cho rằng Bồ-đề là chuyện cao xa, là chuyện của Phật, của Bồ-tát nên không dám nghĩ tới. Còn ở đây khi chúng ta hiểu rõ thì đó là chuyện trong tầm tay của mình, ở nơi chính mình nên đâu có phải sợ. Nhờ vậy chúng ta có đủ niềm tin tiến tu, chỉ có một điều là phải dám quên cái ngã điên đảo vọng tưởng này.

Có một học nhân đến hỏi Thiền sư: "Thế nào là một đường hướng thượng?". Hướng thượng tức là đường thẳng đến Bồ-đề. Thiền sư đáp: "Chính là chỗ ông bỏ thân mạng". Nếu ông dám bỏ thân mạngthì đó là con đường hướng thượng. Người dám quên cái ngã này thì tiến đến chỗ chân thật. Đó chỉ có một việc thôi, còn nghĩ lui nghĩ lại thì đó là chướng ngại.

Nhờ học đạo, chúng ta hiểu rõ cái điên đảo này do vọng tưởng cố chấp sinh ra không có thật, do đó chúng ta tin chắc mình có thể trừ sạch nó để có thể thành đạo. Đó không là chuyện xa xôi, không có chuyện gì khó khăn mà chỉ cần đủ niềm tin. Cho nên tu là phải phát tâm tu cho đến thành Phật đạo chứ không phải tu để sanh lên cõi trời hoặc là tu để được chứng vài đạo quả cho vui. Người phát tâm như vậy mới là phát tâm rộng lớn, không bờ mé, nên gọi Hoằng Thệ là như vậy.

Do phát Hoằng Thệ mà chúng ta chóng phá trừ tâm hẹp hòi của chính mình, bởi vậy bốn Hoằng Thệ này là những điều để giúp chúng ta tiến tu, là một bài tập tu chứ không phải chỉ đọc trong nghi thức. Hiểu kỹ như vậy rồi, mỗi khi chúng ta xướng bốn Hoằng Thệ này sẽ thấy rất có ý nghĩa. Ví dụ như vừa đọc xong những lời thệ đó thì gặp và làm những chuyện trái với điều vừa nguyện thì mình thấy hổ thẹn nên càng mở tâm rộng lớn thêm.'

TT. Thích Thông Phương

Các tin tức khác

Back to top