Vượt qua cám dỗ

29/01/2015 12:53
Chúng ta còn nhớ khi Đức Phật về thăm thành Ca Tỳ La Vệ, vua Tịnh Phạn cho bảy vương tử theo Phật xuất gia để hỗ trợ Ngài. Những vị này có tiền đồ xán lạn, nhưng họ đã quyết lòng tu theo Phật thì họ sẵn sàng rời bỏ những gì quý giá trên cuộc đời, giống như Phật đã từ bỏ địa vị, danh vọng và quyền lợi vật chất.

Chúng ta còn nhớ khi Đức Phật về thăm thành Ca Tỳ La Vệ, vua Tịnh Phạn cho bảy vương tử theo Phật xuất gia để hỗ trợ Ngài. Những vị này có tiền đồ xán lạn, nhưng họ đã quyết lòng tu theo Phật thì họ sẵn sàng rời bỏ những gì quý giá trên cuộc đời, giống như Phật đã từ bỏ địa vị, danh vọng và quyền lợi vật chất.

Lúc đó, những vị vương tôn công tử này còn một số đồ trang sức quý báu mới nói với ông Ưu Ba Ly rằng ông theo Phật đã lâu, nay chúng tôi xuất gia, nên tặng cho ông các thứ của báu này.

Là một người nghèo mà bỗng nhiên có được nhiều châu báu, Ưu Ba Ly rất vui mừng và gom hết lại. Nhưng với căn lành sâu dày, ông chợt suy nghĩ, các vị vương tôn công tử có đầy đủ những đồ quý báu mà họ còn bỏ hết, thì mình ôm làm chi, nên ông cũng bỏ luôn bên vệ đường để ai muốn lấy cũng được và ông vội chạy theo Phật xin xuất gia.

Thuở nhỏ, đọc chuyện này, thầy nghĩ rằng Đức Phật tu hành, Ngài đã bỏ danh vọng, địa vị, quyền lợi vật chất. Bảy vương tử và Ưu Ba Ly theo Phật tu cũng từ bỏ tất cả sự nghiệp thế gian. Các ngài đã đắc Thánh quả. Ngày nay, chúng ta may mắn được xuất gia, sao không quyết tâm tu, dù không gặp Phật và Thánh Tăng, nhưng thầy trực nhận sâu sắc rằng các Ngài vẫn hiện hữu, nên cố đi tìm.

Để từ bỏ địa vị, tham vọng và nhiều thứ cám dỗ, đương nhiên các Phật tử có đối tượng để hướng tâm tới là Phật, Bồ-tát, Thánh Tăng. Vì vậy, học các vị này, mà quan trọng nhất Phật dạy là huệ bắt đầu phát sanh, đó là do học kinh Phật, học hành trạng của các Thánh Tăng mà chúng ta biết được những gì thực sự quý giá trong cuộc sống này và muôn kiếp về sau.

Mạng người ngắn ngủi, vô thường, sao chúng ta không tinh tấn thể hiện pháp Phật để ra khỏi thế giới mộng ảo này, mà còn sống với si mê. Đương nhiên chúng ta chạm trán với nhiều cám dỗ, nhưng chúng ta cũng có bản lĩnh để không bị rơi vào cạm bẫy.

Thực tế cho thấy những người chạy theo lợi danh suốt đời, họ được cái gì. Thầy quen những người có nhiều tài sản, địa vị cao, nhưng họ than khổ lắm. Sự nghiệp trong tay cả ngàn tỷ mà khổ quá. Chúng ta chưa có nhiều của cải thì ham muốn, không thấy khổ. Phật dạy rằng người chưa có của cải vật chất hay địa vị thì ham, dốc toàn lực để làm, chịu cực khổ lắm, nhưng có rồi mà phải giữ để không mất còn khổ hơn nữa. Vì người muốn tranh địa vị của mình, muốn cướp tài sản của mình, nên họ tìm cách nói xấu, tìm cách hại mình. Đối đầu với họ để bảo vệ địa vị, tài sản, chắc chắn là khổ cùng cực.

Và nhận thấy như vậy rồi thì còn ham muốn cái giả hay không. Vì vậy, chúng ta hướng tâm về cái thật, về cái lâu dài, bỏ cái tạm bợ. Cuộc sống chúng ta là giấc mộng phù du, không biết ngày nào chết. Mạng người rất mong manh, nhưng lâu dài của chúng ta là con người chân thật tiêu biểu qua sức sống vĩnh hằng của Phật, Bồ-tát, Thánh Tăng mà chúng ta nên học theo.

Trích "Vượt qua cám dỗ danh vọng" - HT. Thích Trí Quảng

Các tin tức khác

Back to top