Câu chuyện về bài học nhân quả

30/01/2015 1:14
Một hôm, Thiền sư Nghi Sơn tắm, vì nước nóng quá nên Ngài gọi đệ tử đem nước lạnh cho thêm vào. Chú đệ tử châm thêm nước lạnh thấy nước vừa đủ ấm để tắm, còn dư chút ít nước lạnh chú đem ra ngoài đổ bỏ. Thiền sư thấy vậy, không hài lòng vì sự phí phạm của người đệ tử nên nói:

-Tại sao con lại phung phí như thế? Trên đời này bất cứ vật gì cũng đều có chỗ dùng của nó, chỉ là giá trị không đồng mà thôi nếu con biết tiết kiệm sử dụng đúng chỗ thì lợi ích biết mấy. Cớ sao con lại xem thường giọt nước mà đổ bỏ không đi như vậy? Một giọt nước nếu con dùng để tưới hoa, tưới cây, không những cây hoa luôn tươi tốt mà không làm mất giá trị của nó. Tại sao con lại lãng phí đổ đi như thế? Dù là một giọt nước nhưng nếu con biết tận dụng thì giá trị của nó không thể nghĩ bàn.

Người đệ tử nghe xong tỉnh ngộ, xin sám hối và xin thầy đổi pháp danh cho mình là Trích Thủy (có nghĩa là giọt nước) để ghi nhớ lời dạy của thầy. Về sau thầy Trích Thủy trở thành vị Hòa thượng cao Tăng nổi tiếng, được mọi người tôn kính, quý trọng nhờ biết cách sử dụng nhân quả phù hợp với cuộc sống hiện tại.

Ở đời, ít ai nghĩ phải làm thế nào để gieo trồng phước đức mà đa số chúng ta chỉ muốn hưởng thụ, nên làm cái gì cũng cố tìm cách vơ vét về cho riêng mình. Cái gì của ta thì mình quý kính, gìn giữ tiếc rẻ từng chút một, còn của người mặc tình ta lãng phí, vô trách nhiệm không cần quan tâm đến nhất là đối với của chung.

Một giọt nước tuy nhỏ nhưng cả biển lớn bao la cũng do nhiều giọt nước gộp lại mà thành. Thiền sư chỉ dạy người đệ tử của mình hết sức đơn giản, nhưng ý nghĩa và giá trị của nó sâu xa không thể nghĩ bàn giúp cho ta ý thức, gìn giữ bảo vệ của chung. Nhất là cuộc sống của Tăng ni nhờ vào sự đóng góp giúp đỡ của đàn na tín thí khắp nơi, nếu ta không ý thức mà tiêu xài lãng phí coi chừng mang lông đội sừng.

Có lần, thầy Trích Thủy dùng giấy trắng để chùi mũi, lần này bị sư phụ quở trách nặng nề: “Con là người hủy hoại Phật pháp, không xứng đáng là người tu hành chân chính”. Của thí chủ họ phải nhín ăn bớt mặc cho nên dù một hột cơm cũng nặng như núi Tu di, con phải tiêu xài cho có chừng mực. Do sự chỉ dạy nghiêm khắc của sư phụ đã giúp cho thầy Trích Thủy sau này trở thành một Thiền sư nổi tiếng.

Chúng ta có được vị thầy như vậy, được học hỏi từ tấm lòng bao dung rộng lớn của ngài, người có chí lớn sẽ không buồn phiền mà còn cán ơn thầy nhiều hơn nữa, vì đã giúp cho ta sống tốt hơn nhờ biết tiết kiệm và an nhẫn nhịn chịu những điều nặng nhọc từ lời nói phát ra.

Tuy biết rằng được sinh ra làm người là rất khó, nếu không có phước báo làm sao ta được xuất xuất gia tu hành, trên cầu thành Phật dưới cứu độ chúng sinh. Nếu ta không biết tích luỹ phước báo e có ngày phước hết thì hoạ đến. Nhiều người cứ nghĩ rằng ta là thầy thiên hạ mặc tình mà phung phí, không biết tiết kiệm, không lo tu học cho đàng hoàng, không tích công bồi đức đến khi phước hết, không còn phước làm Tăng phải ra đời sống khổ sở.

Nếu chúng ta biết sử dụng phước báo đúng chỗ phù hợp thì phước sẽ không hết mà mỗi ngày càng tăng trưởng thêm, ngược lại nếu ta cứ một bề sống theo thói quen lãng phí làm tổn hại phước báo thì đến một lúc nào đó phước báo sẽ không còn, ta làm gì cũng không được suông sẽ như ý muốn.

Phước báo của con người có giới hạn, nếu ta không biết làm việc thiện lành tốt đẹp để tích lũy thêm phước báo thì dù người nhiều phước báo đến mấy cũng có ngày cạn kiệt. Chính vì thế cho thì còn, ăn thì hết, ta phải biết sử dụng phước báo đúng nơi, xài đúng chỗ thì phước báo mới không bị mòn mà càng ngày càng thêm tăng trưởng.

Như vị Thiền sư dạy người đệ tử tuy thấy đơn giản, nhưng thật là sâu sắc về giá trị thiết thực của nhân quả. Nghĩa là mọi thứ trên đời này đều có giá trị, và là công lao khó nhọc của Phật tử khắp nơi, ta phải biết tiết kiệm và sử dụng sao cho phù hợp. Tiết kiệm khác với hà tiện. Hà tiện là bỏn sẻn, chỗ đáng xài thì không dám xài, ví như có của mà cứ khư khư cất giữ cho đến hư mục, không dám đem ra giúp đỡ khi thấy người thiếu thốn khó khăn, trong cơn hoạn nạn.

Người sống biết tiết kiệm là người biết tích chứa phước báo. Tiết kiệm là người biết tiêu xài đúng chỗ, đúng cách không xa hoa lãng phí. Có người thì biết tiết kiệm tài sản tiền bạc của mình, còn của người hay của chung thì sử dụng lãng phí như thế nào cũng chẳng cần quan tâm đến, hoặc là sử dụng không đúng chỗ làm thiệt hại cho nhân loại chẳng cần biết đến ai.

Trích Nhân Quả và Số Phận Con Người - Thích Đạt Ma Phổ Giác

Các tin tức khác

Back to top