Chuyên nhất

1/02/2015 2:02
Ngài Hoàng Long dạy: “Trời đất, mặt trời, mặt trăng ngày xưa cũng như trời đất, mặt trời, mặt trăng ngày nay. Tính tình vạn vật ngày xưa cũng như tính tình vạn vật ngày nay. Trời đất, mặt trời, mặt trăng vẫn không thay đổi và tính tình vạn vật cũng không thay đổi, tại sao chỉ có riêng đạo là thay đổi? Ôi vì người học đạo, hiểu đạo chưa đến nơi, họ chán cũ vui mới, bỏ đây lấy kia. Như người muốn đến đất Việt, họ không đi xuống phương nam mà lại đi lên phương bắc, thật là khác người vậy. Song như thế họ chỉ làm mệt tâm khổ thân và dù rằng coi như chí của họ càng siêng mà đạo càng xa vậy”.

Hồi xưa cũng quả đất, con người, mặt trời, mặt trăng… tất cả mọi thứ không có gì khác với ngày nay. Đức Phật trốn khỏi hoàng thành đi xuất gia, ngài cũng là một con người như chúng ta. Ngài cũng dùng thức ăn của những người chung quanh ủng hộ nhưng không tham đắm như chúng ta ngày nay. Vì vậy ngài tu mau đạt đạo. Chúng ta bây giờ hưởng thụ nhiều quá, tâm sanh tham đắm nên không đạt đạo. Lại, người xưa tu hành rất chuyên nhất, chúng ta tu không chuyên nhất. Chúng ta tu hành theo kiểu một nắng mười mưa, một bước tới mà hai ba bước lùi. Tu như vậy làm sao tới đích được. Hoàn cảnh ngày nay thuận lợi hơn, con người hôm nay thông minh hiểu biết nhiều hơn, lẽ ra đạt đạo sớm hơn, cao hơn chứ, trái lại không phải như vậy. Khuyết điểm này là của chúng ta chứ không phải từ đạo.

Chúng ta áp dụng chưa tới nơi tới chốn, chưa chuyên nhất, nên không sống được với đạo là điều tất nhiên thôi. Hoàn cảnh xã hội bây giờ thuận lợi hơn hồi xưa nhiều. Như lúc trước muốn đi từ tỉnh này qua tỉnh khác để học đạo, đâu có xe chạy ào ào trong vòng một tiếng, nửa tiếng đồng hồ là tới. Phải đi lang thang trong rừng, trải qua thời gian năm mười ngày, hoặc đôi khi hai ba tháng. Băng rừng lội suối, chịu cực chịu khổ mới tìm được vị thầy để thưa hỏi. Khó khăn lắm. Nhưng chính từ sự khó khăn này mà người xưa đã thành công tốt đẹp.

Bồ-tát Sĩ Đạt Đa trong khoảng sáu năm tu khổ hạnh, ngài học đạo trải qua ba bốn vị thầy. Có thầy đạt đến đệ tứ thiền, có thầy đạt đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Tất cả những tôn sư này đều đem hết kinh nghiệm, sở trường của mình để hướng dẫn Bồ-tát. Và chỉ trong một khoảng thời gian ngắn thôi, Bồ-tát đạt đến chỗ viên mãn của các vị ấy. Cho đến cuối cùng không vị thầy nào đặc biệt hơn giúp cho Bồ-tát toại nguyện, ngài mới nghĩ cách tiến thêm một bước nữa. Đó là ngài tự trải cỏ dưới cội Bồ-đề, ngồi xuống và phát nguyện thế này: “Đây là giai đoạn cuối cùng, nếu không đạt được đạo, dù thịt nát xương tan, ta quyết không rời khỏi chỗ ngồi này”. Đấng giáo chủ ngày xưa đã tu đạo như vậy, quyết tâm như vậy.

Bây giờ phương tiện nhiều hơn, tại sao chúng ta chưa có được quyết tâm chuyên nhất để thực hiện đạo cả ấy? Đây là vấn đề mà tự mỗi người phải hỏi lại chính mình. Chắc rằng không ai đổ thừa cho ai, mà tại chúng ta chưa chuyên nhất, chưa cương quyết, chưa cần mẫn. Thực sự nếu tình huống ấy kéo dài, phải nói rằng cuộc đời chúng ta đã trôi suông.

HT. Thích Nhật Quang

Các tin tức khác

Back to top