Tri kiến như thật

24/02/2015 12:44
Lâu nay khi nhìn sự vật, chúng ta thấy sự vật là thấy theo cái tôi. Đó là tri kiến mê lầm, trói buộc, không thấy đúng như thật của các pháp. Những hiểu biết lâu nay ta thấy là những hiểu biết vay mượn, thấy theo sự huân tập của cái tôi sai biệt nên không đúng như thật.

Lúc mới sinh ra ta không có tri kiến gì; lớn lên cha mẹ dạy những kiến thức về đạo đức gia đình hiếu thảo v.v... Đi học ở trường thì cô giáo, thầy giáo huân tập thêm một số kiến thức về học đường. Lớn nữa ra sống ở xã hội thì học thêm những kiến thức ngoài xã hội. Những cái đó là những cái ta học được sau này, vay mượn của gia đình, trường học v.v... Chứ ngay lúc sinh ra ta không biết. Ngay cả kiến thức về tôn giáo cũng vậy, mới huân tập sau này. Khi ta huân tập thì liền chấp cái đó là của mình. Mà đã là của mình thì cái thấy của mình là trên hết, nên khi có những tri kiến khác đối lại thì cãi. Hiểu như vậy thì bớt chấp vào những kiến thức, tri kiến huân tập sau này.

Cũng vậy, trước khi chúng ta khởi tâm động niệm thì không có tri kiến gì, khi mình khởi thì mới có. Cho nên, nếu khéo quán để trả về tri kiến nguyên thuỷ ban đầu, chưa có mang cái tôi. Đó là trả về tri kiến như thật.

Giống như khi ta mang kiếng màu, mang màu hồng thì thấy cảnh vật màu hồng, mang màu xanh thì thấy cảnh xanh theo, mang màu xám thì thấy nó xám. Khi gỡ kiếng, nhìn bằng mắt chân thật thì thấy đúng sự vật như nó là nó. Cái nhìn đó mới thật sự là trong sáng, không có màu. Nếu nó có màu thì nhìn đúng như màu của nó.

Thiền sư Duy Tín có nói: “Trước ba mươi năm khi chưa học đạo thì thấy núi sông là núi sông. Sau khi học đạo, hiểu đạo lý thì thấy núi sông chẳng phải là núi sông. Sau ba mươi năm thấy núi sông trở lại là núi sông”. Nghĩa là trước khi học đạo, chưa hiểu đạo lý thì thấy cái gì cũng thật, cảnh thật, người thật, cho nên thấy núi sông thật là núi sông. Khi học đạo, hiểu rõ thì thấy tất cả đều giả, là không thật, thấy núi sông không phải là núi sông vì không thật nữa. Khi học đạo, tu hành, sáng tỏ, mở được mắt trí tuệ thì tâm mình hết lầm chấp. Lúc đó nhìn trở lại cảnh vật, núi sông, thấy rõ đúng như thật của nó, núi sông là núi sông. Không còn nói có nói không. Nếu còn nói có, nói không thì cũng còn theo phương tiện. Nói không để phá cái lầm chấp có, để chỉ cái lý, cái tự tánh của nó. Ngược lại, nói có để dừng chấp không. Khi chúng ta không còn chấp, trí tuệ sáng thì thấy rõ bình hoa là bình hoa. Nhưng cái nhìn sáng suốt khác hơn lúc chưa học đạo. Lúc trước ta cho nó là thật, phân biệt đẹp xấu, giờ thấy đúng như nó là nó, bình hoa là bình hoa, núi sông là núi sông, không thêm gì!

Thiền Sư Đức Sơn dạy chúng nói: “Này các ông, khoảng này không có một pháp cho các ông giải hội, tự mình cũng chẳng hội Thiền. Ta cũng chẳng phải là thiện tri thức, mọi việc đều không hiểu, chỉ biết đi ỉa, đi đái, ăn cơm, mặc áo thôi còn có việc gì nữa”. Tức là Ngài muốn nhắc người, học Thiền cuối cùng là trả về tri kiến như thật, không thêm vào những thứ hiểu biết vay mượn, trả về bình thường như ăn cơm, mặc áo không thêm những hiểu biết tri kiến khác.

Khi học, hiểu Phật Pháp, nếu biết ứng dụng thì tốt, nếu không thì có khi hiểu Phật Pháp quá thành bệnh. Mới học đạo do chưa biết nên còn khiêm tốn, học nhiều quá thấy mình hiểu nhiều thì thành bệnh. Chẳng hạn chúng ta đi chùa học đạo rất lâu, hôm nay vào chùa vị Trụ trì lỡ sắp chúng ta đứng tuốt phía sau thì buồn liền. Vậy là nhiều tri kiến, nhiều cái tôi quá! Phải biết đó chỉ là phương tiện học đạo để gạn lọc nội tâm chính mình, không phải học đạo để thêm bệnh. Nên Ngài nhắc phải thấy rõ đó là những thứ vay mượn, không phải của chính mình, hãy trả về cho nó để nhận trí tuệ nguyên sơ của chính mình.

Nhà thiền có cư sĩ Bàng Uẩn, dù còn sống ở ngoài đời nhưng ông ngộ đạo và có đời sống rất tự tại. Khi chết, ông rất tự tại, làm chủ được sanh tử. Ông có câu nói: “Chỉ cần bỏ hết các thứ hiện có, đừng đem vào những cái mình không có”. Mỗi người thực hành được hai câu này một cách đầy đủ thì đời tu học coi như đã xong.

Nếu không khéo thì những cái trước khi đem vào nó không phải là của mình, nhưng đem vào rồi thì chấp là của mình. Ví dụ Phật Pháp trước khi học là của ông thầy, sau khi học là của mình. Chớ nên lầm như vậy.

Thiền sư Vân Môn thượng đường đưa cây gậy lên bảo chúng “Cây gậy này phàm phu gọi nó là thật, Nhị thừa phân tích nói nó là không, Duyên giác thì gọi nó là huyễn có, Bồ-tát thì thấy đương thể tức không, Thiền gia thì thấy cậy gậy là cây gậy, đi chỉ đi, ngồi chỉ ngồi không được đụng đến”. Tức là phàm phu chưa học gì thì thấy cây gậy là thật. Nhị thừa thì phân tích cây gậy là vô thường, tuy có nhưng một lúc thì hư, hoại thành không. Duyên giác thấy nó là do duyên hợp, tạm có. Bồ-tát thì ngay đó thấy nó là tánh không, không phân tích. Nhưng nói vậy vẫn còn trên lý thuyết, nhà Thiền thấy cây gậy chỉ là cây gậy, không thêm một niệm gì nữa, không tri kiến gì, đi chỉ đi, ngồi chỉ ngồi không được đụng đến. Đụng đến là có động niệm mà có động niệm thì sẽ bị ăn gậy. Nhà Thiền vượt qua hết tất cả những tri kiến sai biệt, thấy đúng như thật, nó thế nào thì thấy nó như vậy.

Có vị tăng hỏi Thiền sư Pháp Nhãn: “Thế nào là giọt nước ở nguồn Tào?”. Ngài Pháp Nhãn đáp: “Là giọt nước ở nguồn Tào”. Như vậy, giọt nước nguồn Tào chỉ là giọt nước nguồn Tào, rất đơn giản. Nếu là chúng ta thì giải thích thế này thế kia thành ra nó là văn tự, chữ nghĩa. Cuối cùng không thấy được đâu là giọt nước nguồn Tào. Cũng như hỏi: “Thế nào là Phật?”. Đúng nhà Thiền thì Phật là Phật, còn giải thích Phật thế này, thế kia thì cuối cùng không có thấy Phật ở đâu. Hoặc người giải thích thế này, giải thích thế kia v.v... rồi cãi nhau. Lúc đó, không thấy Phậât mà chỉ thấy chúng sanh. Đó là Phật chữ nghĩa, Phật văn tự. Đúng ra Phật là Phật thôi!

Tinh thần này đưa chúng ta trực tiếp giáp mặt với sự thật, không thêm những tri kiến khác. Đó là trả về cái thấy như thật.

 

TT. Thích Thông Phương

Các tin tức khác

Back to top