Ngài Viễn Công nói với ngài Pháp Diễn khi này là thủ toạ, tâm làm chủ thân và là gốc của muôn hạnh. Các kinh thường nói tâm làm chủ, từ tâm mà sanh ra muôn pháp. Tâm không đạt tới chỗ diệu ngộ thì vọng tình tự sinh. Vọng tình đã sinh thì thấy lý không rõ, thấy lý không rõ thì phải trái lầm loạn. Nếu chúng ta thiếu sự sáng suốt định tỉnh, thì dễ bị hoặc loạn. Đó là lẽ tất nhiên. Ví dụ đối với những niệm lăng xăng, nếu chúng ta không đủ sáng suốt buông thì sẽ bị nó kéo lôi, làm hoặc loạn khiến mình hành động hay nói năng không đúng đắn, tạo nghiệp xấu. Vì vậy người tu lúc nào cũng tạo cho mình một sức sống nội tại vững, trị được tâm, làm chủ được tâm. Trị tâm nghĩa là trị được vọng tưởng của mình. Trị bằng cách buông bỏ hết vọng tưởng. Bao giờ buông bỏ được vọng tưởng, những niệm lăng xăng, những ảnh tượng trước mắt thì chúng ta mới làm chủ, tâm thể mới hiện tiền.
Bồ-tát Sĩ Đạt Ta cuối cùng chiến thắng ma quân dưới cội Bồ-đề là nhờ cái gì? Nhờ thiền định, trí tuệ. Ma vương dẫn trăm ngàn quân ma tới với vũ khí sắc bén, mặt mày hung tợn vây quanh Bồ-tát, hỏi Bồ-tát sợ không? Ngài nói ta không sợ. Hỏi ông lấy gì làm chứng lời nói không sợ, trong khi bọn ta đông đảo, vũ khí sắc bén, còn ông chỉ có một mình. Bồ-tát trả lời “Ta có cung thiền định, có kiếm trí tuệ, biết bọn bây không thật nên ta không sợ”. Với quyết tâm như vậy, sức sống mãnh liệt như vậy, ma quân rút lui.
Chúng ta là người tu hành phải có sự định tỉnh sáng suốt, trị được tâm mình. Trị tâm nghĩa là buông bỏ, vứt hết những loạn tưởng điên đảo, lăng xăng, những dấy niệm mê lầm. Bỏ những thứ đó rồi mới yên. Người trị được tâm là người diệu ngộ, có thể làm chủ mình bất cứ nơi đâu, đối diện bất cứ hoàn cảnh khó khăn, rắc rối nào cũng giải quyết êm xuôi thoả đáng.
Trong việc giáo hoá, nếu thiếu đức bình tĩnh, sáng suốt, không làm chủ được tâm mình thì chúng ta không thể nào giáo hoá chúng sanh. Chúng sanh đau khổ sợ hãi mới đến với chúng ta, cầu mong chỉ dạy pháp an tâm. Nếu tâm chúng ta không an làm sao dạy họ an tâm. Trong nhà Phật có bố thí vô uý, tức là làm cho chúng sanh bớt sợ hãi hay không còn sợ hãi nữa. Muốn thế bản thân chúng ta phải tự điều phục được mình, nắm vững luật nhân quả, dùng trí tuệ tháo gỡ, chỉ dạy cho họ ra khỏi khổ đau mê lầm và sợ hãi.
Người Phật tử phải gan dạ chịu trách nhiệm về những gì mình đã gây tạo, không sợ sệt bất cứ quả báo nào. Bởi vì mình biết hồi trước đã gieo nhân như thế, bây giờ phải trả quả như thế. Cho nên người Phật tử khôn ngoan dứt khoát không gây nhân xấu nữa. Tại sao? Vì biết nhân xấu sẽ đưa đến quả xấu. Nhiều người sợ sệt khi quả xấu đến chạy cầu chỗ này chỗ kia, thực sự chỉ cần tin chắc nhân quả là chúng ta giải quyết được tất cả mọi vấn đề tốt xấu. Kết cuộc của nhân quả không chỉ hiện ở đời này mà còn liên quan đến quá khứ, nhiều kiếp trước nữa.
Chúng ta chỉ biết việc gì xảy ra trong đời này mà không biết việc quá khứ. Cho nên đôi khi cảm thấy vô lý với hiện cảnh mình đang gánh chịu, không biết đó là nghiệp nhân quá khứ chiêu cảm, cứ ngỡ quỷ thần, trời Phật đối xử không tốt với mình. Thực sự không phải như vậy. Với con mắt thịt này, sự hiểu biết của con người còn hạn hẹp lắm, không thể nhìn thấu được những việc cách xa về trước. Phật dạy chúng ta luật nhân quả rõ ràng, quá khứ mình gây nhân nào thì quả báo hiện tại như thế ấy. Vì vậy hiện tại đây sẽ là thời điểm tốt nhất để chúng ta chuẩn bị cho tương lai.
Phật bảo “quá khứ chính con gây, bây giờ quả báo đến con phải anh dũng chấp nhận trả”. Từ lời dạy này của Phật, chúng ta ứng dụng vào cuộc sống sẽ bớt khổ, bớt sợ hãi, bớt lo âu khi gặp nghịch cảnh. Nhiều Phật tử rất sợ những gì không tốt đến với mình, lại không biết cách điều phục loạn tưởng, để nó gây tạo nhân không tốt. Nhân không tốt cứ gây mà quả không tốt đến lại sợ là điều vô lý, không có trong Phật pháp. Bây giờ chúng ta khôn ngoan đừng gây nhân không tốt nữa thì nhất định sẽ không có quả không tốt. Sẵn sàng trả những gì chúng ta đã gây, nhưng vay thêm thì đừng bao giờ.
Tin vững nhân quả rồi thì ta sẽ yên lòng và cố gắng kiện toàn tốt đẹp công việc của mình, ủng hộ mọi người làm việc tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhân duyên tốt phát triển. Nhân nào không tốt, việc làm bất hảo, không có ích lợi cho mình và mọi người, kiên quyết không làm, không dạy người làm. Như vậy mới xứng đáng là đệ tử của Phật, đem tinh thần từ bi trí tuệ, giác ngộ giải thoát của Phật gieo rắc trong nhân gian. Tinh thần siêu tuyệt này không phải từ bên trời Tây về đây, mà ngay trong sự sống, trong con người, trong sự tương giao, chúng ta nhận được. Nếu biết bỏ đi những thói hư tật xấu thì từng bước chúng ta đi trên con đường giác ngộ giải thoát. Từ đó thành tựu đạo nghiệp, làm lợi ích cho chúng sanh. Việc làm này khó chứ không phải dễ. Cho nên phải biết cách trị tâm.
NGHIÊM HUẤN TÙNG LÂM-Lời dạy của ngài Viễn Công - HT. Thích Nhật Quang
Các tin tức khác
- Không nên sân hận, căm thù (12/04/2015 4:48)
- Vua Milinda và ngài Na Tiên (12/04/2015 4:33)
- Câu chuyện Thiền sư và cô lái đò (11/04/2015 4:58)
- Chuyện con muỗi (11/04/2015 4:48)
- Diệu pháp quản lý tinh thần (10/04/2015 4:37)
- Điều phiền não thứ 84 (10/04/2015 4:24)
- Bộ quần áo mới của hoàng đế ( 8/04/2015 4:05)
- Chỉ là một cái đấm ( 8/04/2015 3:35)
- Tại sao có chấp ( 8/04/2015 3:24)
- Lợi ích của sự xả bỏ ( 6/04/2015 1:22)