Chúng ta thấy Đức Khổng Tử chỉ có ý thức muốn bình thiên hạ mà cả cuộc đời của ông luôn lận đận lao đao. Làm sao bình được thiên hạ, việc này không thể được, nhưng ông cứ muốn như vậy mà tự khổ; tức hiểu biết đã làm ông khổ.
Hạng Thác là người chăn trâu hỏi Khổng Tử trả lời được ba câu thì mới xứng đáng là Vạn Thế Sư Biểu, tức làm Thầy muôn đời. Khổng Tử đáp rằng một trăm câu cũng trả lời được, chẳng lẽ không trả lời nổi ba câu của kẻ mục đồng. Hạng Thác hỏi trên trời có bao nhiêu vì sao. Khổng Tử bảo nói chuyện trên trời làm sao biết được, hãy nói chuyện trên mặt đất. Nhưng ông cũng không trả lời được câu hỏi thứ hai là trên trái đất này có bao nhiêu người. Ông tức mình bảo phải nói chuyện trước mắt, đừng nói chuyện bao la. Vậy thì câu hỏi thứ ba là cho biết cặp chân mày của ông có bao nhiêu sợi lông. Dĩ nhiên là ông đành chịu thua. Câu chuyện này nhằm nói rằng hiểu biết của con người có giới hạn, nhưng muốn làm chuyện quá lớn lao rồi tự khổ. Nếu Đức Khổng Tử từ bỏ ý nghĩ muốn bình thiên hạ, chắc chắn ông vẫn sống ung dung tự tại, vì với trí khôn ngoan hiểu biết ông cũng giúp được cho cuộc đời nhiều lắm chứ.
Trước tiên, Đức Phật trao chiếc chìa khóa thứ nhất cho hàng nhân thiên thoát ra khỏi khổ đau. Con người muốn hết khổ, không còn oan ức nữa, Phật khuyên chúng ta chỉ cần giữ năm giới cho tốt. Nếu đã giữ năm giới tốt, nhưng còn bị oan ức là do túc nghiệp của chúng ta, tức là nghiệp của đời trước. Nhìn cuộc sống chúng ta hiện tại mà biết được túc nghiệp mình. Nếu sanh trong gia đình cờ bạc, hút xách, chắc chắn chúng ta phải mang tất cả nghiệp của dòng họ mình. Chúng ta có nghiệp này mới sanh vô gia đình như vậy. Nếu sanh trong vùng chiến tranh hay ở vùng biên giới không có văn minh, tự biết nghiệp của mình đời trước không tốt. Sanh ra trong gia đình nghèo đói, thân thể ốm o, rách rưới mà đến nhà sang giàu thì dễ bị hàm oan. Tôi xuất thân từ giai cấp nông dân nghèo khổ, nên nhận ra điều này rất rõ và vâng lời Phật dạy, tôi giải được nghiệp này. Nghèo nàn thì ta không nên đến chỗ sang trọng, vì dễ bị đổ oan rằng mình ăn cắp, bị đánh, bị tù tội, bị giết chết. Nghiệp nghèo khổ đời trước đã có, đời này không muốn bị oan ức, tốt nhất là tránh những nơi giàu có. Ý này trong kinh Pháp Hoa, Ca Diếp đại diện cho các trưởng lão thưa với Đức Phật rằng người cùng tử không dám vào nhà sang trọng của ông trưởng giả, mà phải tới xóm nghèo làm thuê mướn, sau đó mới được vào ở am tranh hốt dọn phân nhơ. Nghĩa là chúng ta đến được Phật pháp, phải chấp nhận thực tế cuộc sống của mình, phải sống đúng thân phận và hoàn cảnh tương ưng với mình thì người ta mới để cho mình yên thân mà tu.
Riêng bản thân tôi, trong khoảng thời gian từ 10 tuổi cho đến 30 tuổi, trong suốt 20 năm, tôi không có một vật nào có giá trị để không bị oan ức; vì có ai mất đồ, thấy tôi sống đơn giản, chắc chắn họ không nghi tôi ăn trộm. Chỗ ở và thức ăn của mình đạm bạc tới mức tối đa, thì ai nghĩ mình ăn cắp.
Tu hành chúng ta phải nhận ra túc nghiệp của mình để hóa giải. Oan ức do nghiệp đời trước mang vô thân đời này rồi, chúng ta phải tìm cách xóa sạch. Nghiệp nghèo đói do gian tham trộm cắp, nghiệp bệnh hoạn do sát sanh hại mạng, nghiệp tà dâm nên thân thể xấu xí hôi dơ; nghĩa là phải kiện toàn thân tâm mình trở thành thanh tịnh thật sự.
Chìa khóa ngũ giới mà Đức Phật đưa cho chúng ta, để thực tập đời sống phạm hạnh, không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói bịa đặt, không uống rượu. Thực tập được năm điều tốt đẹp căn bản này, tất cả hàm oan sẽ không đến với chúng ta nữa, hoặc thực tập đến đâu sẽ giải thoát đến đó. Còn tham vọng lớn, đòi hỏi nhiều, tiêu xài phung phí, nợ chồng chất thì phải khổ thêm, không thể khác. Trên bước đường tu theo Phật, hãy sống với những gì mình có, hay sống dưới mức mình có càng tốt; nói cách khác, làm nhiều hưởng ít, mới tích lũy được công đức, chắc chắn cuộc sống an lành giải thoát ngay, không đợi kiếp sau.
Trích Giải Tỏa Oan Ức - HT. Thích Trí Quảng
Các tin tức khác
- Thư đáp Giang Thiếu Minh (24/04/2015 1:13)
- Sự giàu có của thánh nhân (23/04/2015 5:08)
- Thiền sư Tần Bạt Đà (23/04/2015 4:53)
- 36 pháp đối trong kinh Pháp Bảo Đàn (23/04/2015 4:40)
- Ba điều thường không đủ (22/04/2015 5:05)
- Người thấy chánh pháp là thấy ta (22/04/2015 4:58)
- Tham luyến và dứt tham luyến (22/04/2015 4:38)
- Phật pháp không hai thứ (20/04/2015 11:46)
- Lời khuyên người muốn tu tập theo Phật giáo (20/04/2015 11:27)
- Thiền sư Đảnh Nhu Lại Am (20/04/2015 4:52)