1. Thiện nghiệp.
2. Bất thiện nghiệp.
Thiện nghiệp và bất thiện nghiệp cũng lại chia ra ba loại: thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp.
Mỗi loại như vậy lại chia làm hai tùy theo thời gian nghiệp thể hiện. Đó là nghiệp quá khứ và nghiệp hiện tại. Nghiệp quá khứ chỉ đóng vai trò hỗ trợ trong đời sống hiện tại chứ không thể ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hiện tại. Nghiệp hiện tại tạo ảnh hưởng trực tiếp trong hiện tại và trong tương lai, cũng như vào lúc tái sinh trong tương lai.
Tùy theo thời gian thể hiện nghiệp mà có hai loại:
(1) Patisandhi Kāla (nghiệp có từ lúc tái sinh).
(2) Pavatti Kāla (nghiệp trong đời sống hiện tại).
Patisandhi Kāla là thời gian vào lúc tái sinh hay bào thai thành hình, và Pavatti Kāla là khoảng thời gian trong đời sống hiện tại.
Theo Vi Diệu Pháp thì ngay vào lúc có thức tái sinh xuất hiện gọi là Patisandhi Kāla.
Thời gian từ lúc thức tái sinh xuất hiện cho đến tử thức thì gọi là Pavatti Kāla.
Nhưng theo tạng kinh thì Patisandhi Kāla là thời gian từ lúc tái sinh cho đến khi được sinh ra và Pavatti Kāla là khoảng thời gian từ khi sinh ra cho đến lúc chết.
Sự tái sinh theo kinh điển thì dễ hiểu hơn, còn sự tái sinh theo Vi Diệu Pháp thì chỉ những người có học Vi Diệu Pháp mới hiểu được. Bởi thế tôi sẽ giảng dạy theo cách dễ hiểu.
Con người được chia ra làm bốn hạng:
Nếu chúng ta chia nhân loại trên thế gian này tùy theo nghiệp quá khứ và nghiệp hiện tại thì chúng ta có bốn hạng người:
1. Người có nghiệp quá khứ và nghiệp hiện tại đều tốt.
2. Người có nghiệp quá khứ tốt, nhưng có nghiệp hiện tại xấu.
3. Người có nghiệp quá khứ xấu, nhưng có nghiệp hiện tại tốt.
4. Người có nghiệp quá khứ lẫn nghiệp hiện tại đều xấu.
Người được sinh ra trong gia đình giàu có từ lúc sinh ra cho đến lúc chết họ được nuôi dưỡng một cách tốt đẹp, được học tập đạo đức,được học chữ học nghề, có tài sản và phương tiện để ngày càng phát triển; họ có bạn bè tốt và biết săn sóc sức khỏe của mình; họ biết cách làm cho đời sống mình được tốt đẹp nhờ thế họ trở nên ngày càng giàu có hơn. Đó là những người có cả hai nghiệp quá khứ và hiện tại đều tốt đẹp. Trong số những người đó có ông Cấp Cô Độc là người đã cúng chùa Kỳ Viên cho Đức Phật và bà Visākhā là người cúng chùa Pubbārāma cho Đức Phật.
Một người, nếu được sinh ra trong một gia đình giàu có, nhưng trong đời sống hiện tại không được nuôi dưỡng tốt, không được học hành, không tạo được tài sản sự nghiệp, không thân cận với bạn bè tốt, không biết săn sóc sức khỏe của mình thì người đó sẽ trở nên nghèo nàn, khốn khổ, bệnh hoạn trong kiếp hiện tại. Đó là những người có nghiệp quá khứ tốt nhưng nghiệp hiện tại xấu.
Ở thành Benares có một thanh niên con một gia đình bá hộ. Khi cha mẹ còn hiện tiền chàng ta đã làm chủ một gia tài to lớn khoảng tám mươi cores, tương đương khoảng tám trăm triệu Mỹ kim. Nhưng khi cha mẹ mất ông ta phung phí hết tài sản của mình, trở thành một kẻ ăn mày, và cuối cùng chết trong một khu rừng như một con súc vật. Người này có nghiệp quá khứ tốt, nhưng nghiệp hiện tại xấu.
Khi một người sinh ra trong gia đình nghèo khó bởi vì nghiệp quá khứ xấu. Nhưng nếu nghiệp hiện tại tốt thì họ sẽ trở nên giàu có, phát triển công việc làm ăn bằng cách học hỏi và buôn bán. Một số người có thể sống trong cảnh nghèo khó khi còn ở chung với cha mẹ, nhưng khi có cuộc sống riêng họ trở nên giàu có. Những người này cũng được gọi là có nghiệp quá khứ xấu nhưng nghiệp hiện tại tốt. Trong lịch sử Miến Điện có ông Nawratha là con trai của một người y tá nghèo, nhưng sau này ông trở thành một vị vua lãnh đạo quốc gia, bởi vì ông có nghiệp quá khứ xấu nhưng nghiệp hiện tại tốt.
Có một số người ngoại quốc sang Ấn Độ để làm ăn; họ mặc trên mình những chiếc áo rách nát, nhưng nhờ làm lụng siêng năng nên về sau họ trở thành giàu có. Họ là những người có nghiệp quá khứ xấu nhưng nghiệp hiện tại tốt.
Tuy nhiên, nghiệp quá khứ và nghiệp hiện tại cũng hỗ trợ lẫn nhau. Bởi thế, cũng có người đến Miến Điện với quần áo tả tơi, nhưng về sau cũng vẫn nghèo nàn đói khổ. Vậy hãy nên nhớ rằng nghiệp hiện tại cũng cần có nghiệp quá khứ hỗ trợ.
Nếu một người sinh ra trong một gia đình nghèo khó nhưng không chịu phát triển bằng cách học nghề, học chữ, không nỗ lực làm ăn thì cho đến già, đến chết họ vẫn sống trong nghèo khổ. Đó là hạng người có nghiệp quá khứ và nghiệp hiện tại đều xấu.
Muốn cho đời sống hiện tại được tiến triển tốt đẹp thì nghiệp hiện tại phải tốt mới được. Nghiệp hiện tại đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định đời sống con người. Đức Phật trong một bài pháp gồm bốn điểm đã dạy chúng ta làm thế nào để có một đời sống tốt đẹp trong hiện tại:
1. Phải luôn luôn siêng năng trong tất cả mọi công việc.
2. Khi có tài sản rồi thì phải biết giữ gìn của cải đã có, không phung phí, không làm tiêu tan tài sản.
3. Phải biết quân bình những gì mình có được và những gì mình tiêu xài.
4. Phải thân cận bạn lành để những người này có thể giúp mình trong những trường hợp cần thiết.
Bây giờ, dầu bạn sinh ra trong gia đình nghèo khó hay trong gia đình giàu sang sung túc, nhưng đã sinh ra làm người cũng là một phước báu rồi, dầu nghiệp quá khứ có xấu hay có tốt đi nữa thì cũng hãy cố gắng tạo những nghiệp tốt trong hiện tại.
Hòa thượng Thondara - Theo: Chân đế và Tục đế
Chuyển ngữ: Tỳ khưu Khánh Hỷ
Hiệu đính: HT Kim Triệu
Các tin tức khác
- Đầu cọp sừng dài ( 7/08/2015 5:24)
- Hãy khéo chăm sóc cái tâm ( 7/08/2015 5:10)
- Nhân quả không sai chút nào ( 6/08/2015 4:46)
- Vào một ngày tôi không còn nữa ( 6/08/2015 4:07)
- Buông ... ( 5/08/2015 4:39)
- Chìa khóa của bạn ở đâu rồi? ( 5/08/2015 4:12)
- Tin nhân quả để mình và người sống hạnh phúc ( 5/08/2015 4:04)
- Cảnh tỉnh ( 4/08/2015 4:47)
- Thiền quang sách tấn - Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ dạy ( 4/08/2015 4:41)
- Thật giả lẫn lộn ( 4/08/2015 4:26)